Năm 1993, trước tốc độ phát triển đô thị và bùng nổ dân số, lần đầu tiên TP.HCM thực hiện chương trình Bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị.

Trong thời gian năm năm (1993-1998), chương trình này đã đề xuất danh mục 108 vị trí cần được bảo tồn cảnh quan kiến trúc.

Tuy nhiên, theo Sở VH-TT&DL, hiện nay mới chỉ giải quyết được 58/108 vị trí. Trong danh mục này, có vị trí được ghi là “mảng cảnh quan tiêu biểu” như phố chợ cũ Sài Gòn (giới hạn bởi các tuyến đường Nguyễn Huệ - Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng - Ngô Đức Kế, quận 1), khu phố cổ Chợ Lớn (giới hạn bởi tuyến Triệu Quang Phục - Lương Nhữ Học - Nguyễn Trãi - Trần Hưng Đạo, quận 5)… Trong khi đó, Luật Di sản văn hóa quy định phải được công nhận là di tích thì mới đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bảo tồn. Do đó, 70 vị trí còn lại rất khó để giữ lại.

Theo KTS Phạm Phú Cường, Hội KTS TP.HCM, thực tế có nhiều công trình thuộc danh sách bảo tồn cảnh quan kiến trúc đã hoặc đang có kế hoạch tháo dỡ: cầu Sở Thú, cầu Ông Lãnh, khu nhà giao lộ Hai Bà Trưng - Lê Duẩn (quận 1). Cụm biệt thự cổ tại quận 3 nằm trong mảng cảnh quan tiêu biểu thuộc danh sách nói trên nhưng số lượng biệt thự còn lại ít dần. Nhiều công trình nhà kho, cầu, xưởng có tuổi đời cả trăm năm dọc kênh Tàu Hủ - rạch Bến Nghé đã hoàn toàn bị xóa bỏ trong quá trình thi công đại lộ Võ Văn Kiệt. Liên quan đến các công trình nhà xưởng này, theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, nếu ngay từ đầu bài toán bảo tồn di sản được đưa vào dự án xây dựng đại lộ này thì đã không xảy ra chuyện đáng tiếc như vậy.

Do thiếu quy hoạch, đại lộ Võ Văn Kiệt đã xóa sổ nhiều công trình nhà kho, cầu, xưởng có tuổi đời cả trăm năm dọc kênh Tàu Hủ - rạch Bến Nghé. Ảnh: HTD

Mới đây nhất vào tháng 5-2011, Bộ Tài chính đã yêu cầu các đơn vị liên quan hoàn tất các thủ tục cần thiết để cho tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất khu đất biệt thự cổ tại số 1 Lý Thái Tổ, quận 10. Khu đất nằm trong “tam giác vàng” giữa đường Lý Thái Tổ, Hùng Vương và Trần Bình Trọng, trong đó gồm bảy căn biệt thự được xây dựng theo kiến trúc cũ, tổng diện tích khoảng 7.000 m2. Phần lớn đất còn lại là vườn cổ thụ và một phần đang được cho thuê để kinh doanh nhà hàng, tiệc cưới, sân thể dục thể thao.

Sự kiện này đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của nhiều chuyên gia và người dân. TS-KTS Lê Quang Ninh (từng là chủ nhiệm chương trình Bảo tồn cảnh quan đô thị) khi đó đã cho rằng không gian bao trùm biệt thự mang tính cách của một giai đoạn lịch sử, cần phát huy giá trị sử dụng nhưng không được thay đổi cấu trúc. Nếu các biệt thự này xuống cấp thì phải sửa chữa. Tuy nhiên, đã gần hai năm trôi qua nhưng chưa thấy động thái gì tiếp theo của cơ quan chức năng đối với việc sẽ cho bảo tồn hay tiếp tục cho đấu giá khu đất này.

Theo Việt Hoa (PLTP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.