18/10/2012 10:23 PM
Nhiều chủ đầu tư dự án đổi đất lấy hạ tầng tìm cách rút khỏi những dự án hạ tầng “xương xẩu”.
Từ bỏ tham vọng

Giữa năm 2012, Tập đoàn Nam Cường là đơn vị đầu tiên đề nghị trả lại Dự án Khu đô thị mới Thạch Thất cho UBND TP. Hà Nội với lý do dự án không phù hợp quy hoạch. Đây là một trong số 6 dự án khu đô thị được thực hiện theo hình thức “đổi đất lấy hạ tầng” của Tập đoàn Nam Cường khi đơn vị này đề nghị xây dựng Dự án Đường trục phát triển kinh tế Bắc - Nam tỉnh Hà Tây (cũ).

Theo quy hoạch, Dự án Đường trục phát triển kinh tế Bắc - Nam tỉnh Hà Tây (cũ) có chiều dài 63,3 km, mặt đường rộng 42 m với tổng vốn đầu tư dự kiến 7.694 tỷ đồng. Dự án của Nam Cường được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Văn bản 209/TTg - CN ngày 5/2/2008 theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) kết hợp hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Tập đoàn Nam Cường đã khởi công Dự án Đường trục Bắc Nam Hà Tây từ tháng 7/2008. Vào thời điểm lập quy hoạch và xin phê duyệt Dự án (năm 2008), Nam Cường là một trong những nhà đầu tư bất động sản nhiều tham vọng của thị trường địa ốc khu vực phía Bắc.

Tuy nhiên, dự án đổi hạ tầng lấy hơn 10.000 ha đất nông nghiệp để chuyển sang đất đô thị của Nam Cường mới chỉ kịp động thổ và xây cầu vượt qua Đại lộ Thăng Long, đã phải dừng lại chờ kết quả rà soát các dự án, đồ án quy hoạch trên địa bàn Hà Nội và chờ phê duyệt Quy hoạch chung Hà Nội mở rộng. Đến giữa năm 2012, Tập đoàn Nam Cường đã đề nghị trả lại Dự án cho TP. Hà Nội.

Theo giải thích của Tập đoàn Nam Cường, sau khi địa giới hành chính của Hà Nội được mở rộng, một trong chuỗi 6 dự án khu đô thị mới theo trục kinh tế Bắc - Nam Hà Nội là Khu đô thị Thạch Thất không còn phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô. Tập đoàn Nam Cường đã đề nghị giao lại dự án này cho UBND Thành phố. Tuy nhiên, giới chủ đầu tư bất động sản lại cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc Nam Cường trả lại dự án chủ yếu do sự u ám của thị trường địa ốc. Nếu Dự án Đường trục phát triển kinh tế Bắc - Nam tỉnh Hà Tây (cũ) tiếp tục thực hiện, có thể sẽ được chuyển sang hình thức đầu tư trực tiếp bằng nguồn “tiền tươi” từ ngân sách nhà nước, chứ không thực hiện theo hình thức “đổi đất lấy hạ tầng” như trước đây.

Doanh nghiệp nhà nước cũng chê

Mới đây, Tổng công ty Sông Đà (Tập đoàn Sông Đà trước đây) cũng xin trả lại Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 cũ đoạn Hà Nội - Thái Nguyên. Đề nghị của Sông Đà đã được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chấp thuận và giao UBND tỉnh Thái Nguyên, UBND TP. Hà Nội tiếp tục huy động vốn thực hiện.

Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 cũ, đoạn Hà Nội - Thái Nguyên có chiều dài 33,3 km, được Tập đoàn Sông Đà đề xuất xây dựng năm 2010 theo hình thức BOT kết hợp hình thức BT từ năm 2010. Đổi lại, Tập đoàn Sông Đà sẽ được UBND TP. Hà Nội giao 300 - 400 ha đất tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh để xây dựng khu đô thị, dịch vụ... kinh doanh hoàn vốn cho Dự án. Tuy nhiên, trước tình hình khó khăn của thị trường bất động sản kéo dài, Sông Đà đã quyết định rút lui khỏi dự án này.

Trong danh sách các dự án thực hiện theo hình thức “đổi đất lấy hạ tầng” có kế hoạch xin hoãn, hoặc giãn tiến độ được UBND TP. Hà Nội chấp thuận mới đây, có rất nhiều dự án hạ tầng lớn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng sẽ phải tạm dừng, như tuyến đường giao thông nối từ đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài đến ngã ba Dục Tú (huyện Đông Anh) do Công ty cổ phần Xây dựng TASCO làm chủ đầu tư; tuyến đường trục từ Vĩnh Ngọc - Cổ Loa - Việt Hùng - Nguyên Khê (huyện Đông Anh) do Công ty cổ phần Bưu chính - Viễn thông làm chủ đầu tư; hệ thống thoát nước phía Tây Nam quận Hà Đông do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (CIENCO 5) làm chủ đầu tư…

Kết quả rà soát các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT của UBND TP. Hà Nội mới đây cho biết, trong số gần 100 dự án được tiến hành kiểm tra, rà soát, chỉ có 4 dự án đã hoàn thành việc xây dựng kể từ năm 2007 đến nay là: Dự án Bảo tàng Hà Nội, Dự án Cung trí thức Thành phố, Dự án Đường trục phát triển phía Bắc Hà Đông và Tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài đến hết địa phận Hà Nội cũ.

Có ít nhất 24 dự án phải dừng, không triển khai theo hình thức BOT, BT hoặc chuyển hình thức đầu tư khác, chủ yếu là các dự án thuộc loại “khó nhằn”, như Dự án Cải tạo môi trường hồ nước, xử lý sạt lở bờ kè sông, kiên cố hoá kênh mương nội đồng và xây dựng cơ sở hoả táng. Nhóm nhà đầu tư được hủy bỏ dự án dạng này gồm: Công ty TNHH Tài Tâm, Công ty cổ phần Đầu tư công nghiệp xây dựng Hà Nội, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Lạc Hồng, Công ty BIC Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Thành Việt… Trong điều kiện thị trường bất động sản hiện tại, các chủ đầu tư được hủy bỏ các dự án dạng này thực sự là một sự “giải thoát”.

Trong số các dự án phải dừng và không triển khai theo hình thức BOT, BT, có những dự án có tổng vốn đầu tư lớn, như Dự án Cải tạo, nâng cấp đê Hữu Hồng kết hợp làm đường (vốn 18.000 tỷ đồng), Dự án Xử lý kè chống sạt lở sông Hồng, sông Đà, sông Đuống (vốn 3.069 tỷ đồng), Dự án Cải tạo, nâng cấp sông Hang và kênh xả lũ hồ Đồng Mô (vốn 1.447 tỷ đồng), Dự án Xây dựng cơ sở hỏa táng tại Đông Anh (vốn 502 tỷ đồng)… Nhiều dự án trong số này sẽ được chuyển sang sử dụng vốn ngân sách. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các dự án hạ tầng được dự báo là sẽ vô cùng khó khăn trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay.

Theo Hà Quang (Báo Đầu Tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.