Nhà đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ
Sở TN&MT TP. Hà Nội vừa có kết luận về việc chấp hành nghĩa vụ tài chính và cấp giấy chứng nhận nhà ở, đất đai của một số chủ đầu tư khu đô thị trên địa bàn Thành phố.
Khu đô thị mới Mỹ Đình - Mễ Trì hoàn thành đã lâu, nhưng vẫn nợ khách hàng sổ đỏ
Theo đó, tại Dự án Khu đô thị mới Việt Hưng và Dự án Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp của Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị (HUD), HUD chưa xác định được phần chênh lệch giữa giá thành xây dựng và giá bán đối với 25% và 50% diện tích nhà biệt thự, nhà vườn để nộp ngân sách Thành phố. Tại Dự án Vân Canh, HUD đã nộp hơn 438 tỷ đồng theo hạch toán của Thành phố, nhưng do một phần diện tích của dự án này vướng vào quy hoạch, nên dự án phải tạm dừng. Vì vậy, diện tích chính xác cần phải thực hiện nghĩa vụ tài chính sẽ được HUD tính toán lại và báo cáo UBND Thành phố trong thời gian tới.
Dự án Khu đô thị mới Mỹ Đình - Mễ Trì (do Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư) có tổng cộng 684 căn, trong đó có 57 căn thấp tầng, còn lại là chung cư. Trong 2 năm 2011 và 2012, Bitexco mới nộp 96 hồ sơ của người mua nhà đề nghị cấp giấy chứng nhận tại Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội.
Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) - chủ đầu tư Dự án Khu đô thị mới Mỹ Đình - Mễ Trì hiện cũng chưa xác định được phần chênh lệch giữa giá bán và giá thành xây dựng; chưa thực hiện việc chuyển nhượng dự án đúng quy định, chưa có biên bản bàn giao 12 căn hộ phục vụ các đối tượng chính sách. Công ty Đầu tư Xây dựng dân dụng Hà Nội (chủ đầu tư Khu đô thị Yên Hoà, Cầu Giấy) chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Thành phố theo quy định. Bên cạnh đó, việc xây dựng nhà thấp tầng của doanh nghiệp này tại Khu đô thị Yên Hoà đã vi phạm về mật độ xây dựng.
Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Từ Liêm (chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Dịch Vọng) chưa được trích lục bản đồ cho từng khu và đang xác định nghĩa vụ tài chính nộp bổ sung...
Hay “đường đi” quá dài?
Thực tế, tại nhiều dự án bất động sản lớn ở Hà Nội, dù đã bàn giao nhà ở cho khách hàng, chẳng hạn như Khu đô thị Ciputra của Công ty TNHH Phát triển đô thị Nam Thăng Long; Chung cư GP Building (170 - La Thành, Đống Đa, Hà Nội) của Công ty cổ phần Đầu tư dầu khí Toàn Cầu (GP - Invest); Chung cư số 101 - Láng Hạ (quận Đống Đa - Hà Nội) của Công ty cổ phần Xây dựng số 5…, qua nhiều năm, chủ đầu tư đã “gõ cửa” nhiều nơi, nhưng đến nay, vẫn chưa thể trả món nợ “sổ đỏ” cho các chủ căn hộ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về những khó khăn, vướng mắc trong việc cấp sổ đỏ cho các hộ dân tại Chung cư The Manor, Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì, Hà Nội, đại diện Tập đoàn Bitexco cho biết, dự án đã hoàn thiện, bàn giao và đi vào sử dụng từ năm 2007. Bitexco đã liên hệ với các cơ quan chức năng để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở thuộc sở hữu của dân cư sinh sống tại các ô đất ký hiệu CT2, CT3, TT2, một phần TT3 (The Manor), song đến thời điểm hiện tại, việc cấp giấy chứng nhận vẫn chưa hoàn thành do vướng mắc về thủ tục triển khai.
Cụ thể, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, liên ngành TP. Hà Nội đã có các cuộc họp vào ngày 6/12/2012, 21/5/2013 và 10/7/2013 để thống nhất giá trị tiền sử dụng đất, thuê đất bổ sung.
Sau khi có chủ trương từ Chính phủ và UBND TP. Hà Nội, ngày 16/9/2013, Sở TN&MT TP. Hà Nội đã có văn bản gửi các đơn vị chủ đầu tư để báo cáo tiến hành cấp sổ hồng cho cư dân. Sau nhiều cuộc làm việc với Sở TN&MT TP. Hà Nội về nghĩa vụ tài chính, ngày 18/11/2013, Bitexco đã làm việc với Văn phòng đăng ký đất đai để cấp giấy chứng nhận cho khách hàng đợt 1 (đã duyệt xong 96 bộ để chờ lệnh chuyển về Từ Liêm in phôi cấp sổ).
“Về nghĩa vụ tài chính bổ sung, không phải Bitexco chưa nộp, mà vì phải chờ quyết định hình thức nộp như thế nào và mức nộp cụ thể là bao nhiêu? Sở TN&MT
TP. Hà Nội cho rằng, Bitexco chưa nộp nghĩa vụ tài chính bổ sung, nhưng trên thực tế, phải đến ngày 11/11/2013 và ngày 20/11/2013, Sở Tài chính Hà Nội và Cục Thuế Từ Liêm mới có thông báo về các mức nộp này. Ngay sau khi nhận được thông báo, Bitexco sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung này trong tháng 12/2013”, đại diện Bitexco cho biết.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó giám đốc Sở TN&MT
TP. Hà Nội cho biết, mặc dù hầu hết các chủ đầu tư nói trên ít nhiều đều có những sai phạm nhất định trong việc thực hiện quản lý đầu tư, xây dựng dự án, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Thành phố, song quan điểm của cơ quan này là phải đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà tại các dự án. Do vậy, Sở TN&MT đề nghị các chủ đầu tư nói trên phối hợp với Văn phòng đăng ký đất đai cùng UBND các quận, huyện có liên quan khẩn trương lập hồ sơ để cấp giấy chứng nhận nhà, đất cho các khách hàng đã mua nhà. Cùng với đó, các cơ quan thuế, tài chính Thành phố cùng với chủ đầu tư khẩn trương tiến hành thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với các dự án đang nợ, chưa hoàn thành.
Nói về câu chuyện cấp sổ đỏ cho các dự án chung cư ở Hà Nội, ông Trần Hùng Phi, Cục trưởng Cục Đăng ký và Thống kê, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) cho biết, kết quả kiểm tra 9 dự án tại Hà Nội giữa năm 2013 cho thấy, sự chậm trễ trong việc cấp sổ đỏ phần lớn do lỗi của chủ đầu tư. Có đến 3/9 dự án chủ đầu tư vi phạm pháp luật về xây dựng trong quá trình thực hiện dự án, phải chờ xử lý như xây không đúng số tầng, số căn theo thiết kế được phê duyệt, phân chia diện tích lô không đúng, xây dựng nhà vượt diện tích giấy phép, chuyển đổi mục đích sử dụng tầng hầm... Trong số 9 dự án kiểm tra, chủ đầu tư mới nộp hồ sơ để làm thủ tục cho 710 căn hộ (chiếm 23,7%) và chính thức cấp giấy chứng nhận cho 557 căn hộ của 4 dự án, chiếm 18,4% số căn hộ đã bán.
“Tuy nhiên, tại một số nơi, có trường hợp cán bộ tiếp nhận hồ sơ thu cả những loại giấy tờ không cần thiết và biện bạch rằng dân nộp thì cứ nhận. Có nơi còn bắt buộc người dân nộp cả sổ hộ khẩu bản sao có công chứng. Đó chính là những yếu tố gây phiền hà, gây bức xúc cho người dân”, ông Phi nói.
Về thủ tục, so với mặt bằng chung, Hà Nội phức tạp hơn các nơi khác và còn chưa thống nhất tại các quận, huyện. Hiện cả nước áp dụng cơ chế “một cửa”, tức là dân chỉ nộp hồ sơ một nơi, nhận kết quả một nơi, thậm chí nghĩa vụ tài chính cũng nộp tại đó, chứ không phải dân tự đem hồ sơ đến cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính.