26/12/2012 9:32 AM
“Phải thiết kế mô hình chính quyền đô thị phù hợp với quá trình phát triển đô thị hiện nay”. Đó là lưu ý của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trong phát biểu bế mạc Hội thảo về Đề án mô hình tổ chức chính quyền đô thị, sáng 25-12.

Theo ông Thăng, cấu trúc các đô thị lớn ở Việt Nam hiện nay gồm có cả ba phần: phần đô thị hóa hoàn toàn, phần đang đô thị hóa và cả nông thôn (khá rộng lớn). Đặc biệt quá trình đô thị đang diễn ra một cách mạnh mẽ ở các vùng tiếp giáp. Chính vì đặc trưng này, ban soạn thảo đề án cần nghiên cứu kỹ mô hình tổ chức đô thị theo phương án “thành phố trong thành phố” (TP lõi và các TP trực thuộc) đối với các đô thị đặc biệt để đáp ứng đặc thù và nhu cầu phát triển của những đô thị này. Đây cũng chính là mô hình mà TP.HCM đã đề xuất với trung ương trong thời gian qua.

Trong phần trao đổi với các ý kiến thảo luận trước đó, ông Nguyễn Hữu Đức, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), cũng chỉ rõ: Cái cuối cùng cần thiết nhất trong việc đổi mới tổ chức chính quyền địa phương chính là để nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, phục vụ tốt nhất cho người dân và giải quyết các vấn đề bức xúc của quản lý đô thị hiện nay. Các phương án đưa ra là nhằm hình thành một hệ thống quản lý thống nhất, xuyên suốt, không cắt khúc, phù hợp với những yêu cầu quản lý và phát triển của đô thị. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, vấn đề này đã được đề cập từ cả chục năm nay và đến thời điểm này không nên trì hoãn việc đổi mới này nữa.

Theo dự kiến, đề án sẽ được hoàn chỉnh và trình trung ương vào cuối tháng 12 này. Đây là một trong những cơ sở cho việc đề xuất sửa đổi các quy định liên quan trong Hiến pháp cũng như pháp luật về vấn đề tổ chức chính quyền địa phương.

Theo M.Cường (PLTP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.