02/12/2013 7:40 AM
Bài 2: Quy hoạch đã có, lại khó triển khai! Đứng trước nguy cơ hệ thống nghĩa trang trên địa bàn có thể hết chỗ an táng người quá cố vào năm 2015, UBND TP Hà Nội đã nỗ lực thúc đẩy việc xây dựng quy hoạch nghĩa trang một cách bài bản. Và bản Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 đã được HĐND TP thông qua tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 12-2012. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện quy hoạch đang gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại...

Bài 1: Những nỗi lo tăng theo thời gian

Quy hoạch phù hợp, có tầm nhìn

Quy hoạch Nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được đánh giá bảo đảm đúng quy định tại Khoản 4, Điều 1, Quyết định số 1995/QĐ-TTg (ngày 2-11-2010) của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch Nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bản quy hoạch này cũng tuân thủ các định hướng trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Một góc Công viên Nghĩa trang Yên Kỳ, Hà Nội.

Theo bản quy hoạch này, trong khu vực đô thị, 6 nghĩa trang hiện có gồm: Yên Kỳ 1, Sài Đồng, Mai Dịch 1, Hà Đông, Xuân Đỉnh, Văn Điển sẽ từng bước đóng cửa và trồng cây xanh, cải tạo thành công viên nghĩa trang trước năm 2015. Đồng thời, khu vực đô thị sẽ sử dụng các nghĩa trang mới theo quy hoạch. Dự kiến, hệ thống nghĩa trang tập trung mới sẽ nằm chủ yếu ở các khu vực ngoại thành.

Cụ thể, khu vực phía bắc sông Hồng, các khu đô thị huyện Đông Anh sử dụng Nghĩa trang xã Xuân Nộn (Đông Anh); các khu đô thị huyện Mê Linh sử dụng Nghĩa trang Thanh Tước. Riêng Nghĩa trang Minh Phú - Sóc Sơn, ngoài việc phục vụ khu vực đô thị Sóc Sơn, còn phục vụ nhu cầu cải táng và quy tập mộ di chuyển của các đô thị phía bắc và đông Hà Nội khi Nghĩa trang Đông Anh và Thanh Tước hết quỹ đất. Ở khu vực phía đông sông Hồng, người dân ở các đô thị Long Biên, Gia Lâm khi qua đời sẽ được chuyển đến an táng tại Nghĩa trang xã Trung Màu (Gia Lâm). Ở khu vực phía nam, mộ di dời và nơi an táng mới sẽ chuyển đến Nghĩa trang xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên). Khi Nghĩa trang Chuyên Mỹ hết khả năng mai táng, thi hài người quá cố sẽ được đưa lên mai táng tại nghĩa trang tập trung khu vực phía tây như Vĩnh Hằng và Yên Kỳ 2. Ở khu vực phía tây và đô thị trung tâm, người chết sẽ được chuyển đến an táng tại nghĩa trang phía tây như Mai Dịch 2 (Thạch Thất), Vĩnh Hằng, Yên Kỳ 2 và Nghĩa trang huyện Chương Mỹ. Các nghĩa trang huyện sẽ chỉ phục vụ khu vực đô thị và nông thôn trên địa bàn huyện.

Riêng nghĩa trang nông thôn, bản quy hoạch đã định hướng mỗi xã bố trí từ 1 đến 2 nghĩa trang (tùy thuộc vào điều kiện địa hình, quỹ đất và nhu cầu thực tế) trên cơ sở mở rộng các nghĩa trang tại các thôn hiện có để chôn mới và quy tập mộ di chuyển từ các nghĩa trang nhỏ lẻ về. Những nghĩa trang thôn còn khả năng mai táng sẽ được cải tạo chỉnh trang và bảo đảm cách ly vệ sinh môi trường. Về lâu dài, sẽ có kế hoạch đóng cửa, khoanh tường rào, trồng cây xanh cách ly và từng bước quy tập các nghĩa trang thôn không còn khả năng mai táng về nghĩa trang tập trung xã. Nghĩa trang thôn bảo đảm khoảng cách ly 100m và không nằm trong kế hoạch lấy đất của địa phương sẽ tiếp tục cho cải táng, đến khi lấp đầy sẽ cho đóng cửa. Các nghĩa trang thôn còn quỹ đất mai táng, bảo đảm khoảng cách ly 500m, không nằm trong kế hoạch lấy đất của địa phương sẽ được cải tạo chỉnh trang, tiếp tục cho hung táng, cải táng và quy tập mộ di chuyển (nếu có). Những nghĩa trang thôn không bảo đảm cách ly vệ sinh và gây ô nhiễm môi trường sẽ từng bước đóng cửa, quy tập về các nghĩa trang tập trung cấp xã nhằm hạn chế tình trạng phân bố lẻ tẻ. Những nghĩa trang thôn, bản hiện có sẽ từng bước hạn chế, dừng táng và tiến tới đóng cửa vào năm 2020.

Bản quy hoạch này đã được Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội điều tra, khảo sát, đánh giá và xây dựng khá chi tiết, cẩn thận và toàn diện. Nếu quy hoạch này được thực hiện, chắc chắn tình trạng thiếu nghĩa trang và nghĩa trang phân tán không bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn Thủ đô sẽ được cải thiện đáng kể.

Bài toán chưa tìm được lời giải

Tuy nhiên, khi lãnh đạo thành phố lên chương trình thực hiện bản quy hoạch nghĩa trang đã được HĐND thành phố thông qua đã gặp rất nhiều trở ngại. Từ trước đến nay, hễ ngành nào nảy sinh vấn đề là người ta lại truy xem ngành đó đã có quy hoạch chưa, nếu có rồi thì có làm đúng quy hoạch hay không hoặc quy hoạch có phù hợp hay không. Vậy là nếu chưa có quy hoạch người ta sẽ đổ lỗi cho việc thiếu quy hoạch. Nếu có quy hoạch, người ta nói rằng quy hoạch chưa phù hợp cần phải điều chỉnh.

Ngay khi biết tin sẽ triển khai dự án xây dựng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng tại xã Xuân Nộn (huyện Đông Anh) do Ban Phục vụ lễ tang Hà Nội làm chủ đầu tư, người dân sở tại đã làm đơn phản đối dự án này. Tất nhiên, dự án này có trong quy hoạch nghĩa trang nêu trên. Thực tế, chẳng cộng đồng nào lại vui vẻ chấp thuận để đưa một nghĩa trang về gần nơi sinh sống của họ. Thế nên dù chính quyền các cấp và đơn vị thực hiện dự án đã cố tìm mọi cách thuyết phục bằng lý lẽ là sẽ bảo đảm vệ sinh môi trường và sẽ xây dựng thêm các cơ sở hạ tầng nông thôn nhưng người dân vẫn không đồng thuận. Dự án đành tạm gác lại.

Tương tự nhưng có phần phức tạp hơn rất nhiều là dự án xây dựng Nghĩa trang tập trung Minh Phú (huyện Sóc Sơn). Nhận thức rõ tầm quan trọng của dự án trước thực trạng thiếu nghĩa trang của thành phố, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của thành phố, của huyện và xã đã trực tiếp xuống tiếp xúc, giải đáp các thắc mắc cho người dân sở tại. Các cơ quan chức năng của thành phố và huyện đã có những văn bản giải đáp mọi thắc mắc của người dân như: Sở Tài nguyên - Môi trường thẩm định nguồn nước, Sở Khoa học - Công nghệ thẩm định công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định hiện trạng rừng. Để cải thiện đời sống nhân dân, UBND thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại xã Minh Phú với tổng số vốn bố trí là 520 tỷ đồng.

Tháng 7-2011, huyện Sóc Sơn đã khởi công 6 tuyến đường tại xã Minh Phú, một trường học, một bệnh viện. Đến nay đã có một số hạng mục hoàn thành. Thế nhưng bất chấp mọi nỗ lực của chính quyền các cấp và thiện ý của chủ đầu tư là Công ty TNHH Hoa Sen Vàng, người dân nơi đây vẫn phản đối quyết liệt nên dự án vẫn giậm chân tại chỗ.

Bà Nguyễn Thị Thùy Trâm, Giám đốc Dự án của Công ty TNHH Hoa Sen Vàng đã hơn một lần bày tỏ nỗi buồn xen lẫn kinh ngạc khi dự án Nghĩa trang tập trung Minh Phú bị phản ứng một cách bất thường. Bà buồn vì tâm nguyện có một công viên nghĩa trang văn minh, hiện đại, sạch đẹp ở Thủ đô và hơn nữa dự án này được thực hiện theo đúng quy hoạch, thủ tục đầu tư và đã được lãnh đạo thành phố thông qua, có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền vậy mà vẫn chưa được triển khai suôn sẻ.

Gần đây nhất, trong tháng 10-2013, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cùng với huyện Mê Linh đã tổng hợp kết quả lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về nhiệm vụ và đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Công viên tưởng niệm Thiên đường Thanh Tước tại xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh). Sau khi thực hiện lấy ý kiến theo đúng thủ tục, kết quả tổng hợp cho thấy trong tổng số 689 phiếu hợp lệ thì có tới 653 phiếu ghi không đồng ý xây dựng nghĩa trang, chiếm tới 94,77% số phiếu hợp lệ, trong đó, có 250 phiếu không đồng ý mà không đưa ra lý do. Vậy là lại một dự án theo đúng quy hoạch phải tạm dừng vì người dân phản đối.

Trong khi nghĩa trang còn đang thiếu, người dân lại bất hợp tác với lý lẽ riêng, không biết đến bao giờ bài toán về quy hoạch nghĩa trang ở Hà Nội mới có lời giải?
Nguyễn Tùng (HNM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.