Đến nay, nước ta đã có hơn 760 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 31% và dự báo trong 10 năm tới sẽ đạt khoảng 45%. Hội nghị “Tương lai đô thị Việt Nam, hành động hôm nay” vừa diễn ra nhận định, tốc độ đô thị hóa cao đã dẫn đến mất cân đối về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật; tình trạng tắc nghẽn giao thông, ngập úng diễn ra phổ biến. Ô nhiễm môi trường chưa có lời giải đáp. Do thiếu vốn đầu tư, nên không gian cơ sở hạ tầng, dân cư chưa đồng bộ. Hà Nội, TP.HCM là hai đô thị điển hình của thực trạng này.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ rõ, Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều hệ lụy như sự gia tăng đột biến dân số cơ học do làn sóng di cư vào thành phố dẫn đến sự quá tải về hạ tầng. Thiếu trường học, nhà ở, bệnh viện, ùn tắc giao thông, trong khi xe buýt mới đáp ứng được 10% nhu cầu đi lại của người dân. Ô nhiễm môi trường sông hồ, khói bụi ngày càng trầm trọng vì hệ thống hạ tầng thoát thải yếu kém. Trong khi đó, nguồn lực cho đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạn hẹp. Cơ chế chính sách đặc biệt là năng lực điều hành của bộ máy quản lý chính quyền đô thị còn nhiều hạn chế.

Theo một số chuyên gia quốc tế, việc phát triển quá nhanh các dự án, khu đô thị mới nhưng thiếu quy hoạch và không được kiểm soát khiến Hà Nội phải đối mặt với nhiều thách thức lớn; hạ tầng yếu kém, năng lực quản lý hạn chế, môi trường xuống cấp nghiêm trọng, phát sinh tác động xấu tới đời sống dân cư.

Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản nhận định, quy mô các dự án, khu đô thị mới còn nhỏ lẻ, chưa đảm bảo kết nối đồng bộ giữa các dự án với nhau, nên đưa vào sử dụng không đáp ứng được nhu cầu, chất lượng sống của người dân. Những người trong cuộc đổ lỗi cho thiếu vốn đầu tư nên phát triển đô thị mới bị “méo mó”. Muốn phát triển hạ tầng đòi hỏi chi phí giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư vì thế giá đội lên rất cao không còn tiền đâu mà đổ vào đường sá, trường học, y tế, các công trình dân sinh.

Mặt khác việc xác định địa điểm khu đô thị mới lại thiếu kiểm soát không tuân theo quy hoạch, kế hoạch, gây khó khăn để khớp nối hạ tầng đồng bộ. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư phát triển khu đô thị mới, song do thiếu quy chế kiểm soát và các điều kiện áp dụng với từng địa phương, dẫn đến đầu tư tràn lan. Phải thừa nhận rằng, thời gian qua việc cấp phép phát triển các dự án tại các địa phương khá dễ dãi. Có nơi cấp phép ngay tại những địa điểm chưa có hạ tầng, kỹ thuật và xã hội đủ để phục vụ nhu cầu tối thiểu của người dân. Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cũng thừa nhận đây là khâu rất yếu của các dự án đô thị mới, nếu như đổ tại thiếu tiền, tài chính hạn hẹp, thì tại sao lại diễn ra tình trạng không ít công ty, doanh nghiệp không dư dả tiền bạc, thiếu kinh nghiệm cũng “lao” vào đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, đô thị.

Để hướng tới mô hình phát triển đô thị xanh, đô thị cân bằng và đô thị tiên tiến, mà ở đó con người đóng vai trò trung tâm của sự phát triển, quả thật còn xa vời đối với Hà Nội. Tương lai đô thị Hà Nội có thể hình dung từ chính những mảnh ghép của những đô thị mới đang mọc lên hôm nay. Không cần soi gương cũng có thể thấy bộ mặt đô thị hóa “méo mó” như thế nào.

Theo Đan Thanh (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.