28/03/2017 8:40 PM
Sau khá nhiều lần vấp phải ý kiến của một số bộ, dự thảo Luật Quy hoạch chưa thể suôn sẻ trở lại nghị trường mà còn phải qua vòng “thử thách” tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đầu tháng Tư tới đây.

Quy định về quy hoạch xây dựng trong dự thảo Luật Xây dựng đã và đang gây nhiều tranh cãi - Ảnh minh hoạ

Tại các phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đã hơn một lần ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Quy hoạch - phàn nàn về ý kiến ngược chiều với Chính phủ của một số bộ, trong đó có Bộ Xây dựng.

Gần đây nhất, vào chiều 17/3, khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Luật Quy hoạch mới nhất, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng tỏ ra chưa hết băn khoăn khi nhiều quy đinh chưa rõ ràng.

“Chưa tiếp thu đầy đủ chỉ đạo”

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói, tuy Bộ Xây dựng muốn giữ lại quy hoạch xây dựng, nhưng các chuyên gia đầu ngành cả cả nước liên quan đến lĩnh vực xây dựng hay đất đai, tài nguyên đều cho là phải thay đổi, và các ý kiến đó cần đươc lắng nghe.

Trong khi đó, nội dung văn bản gửi Thủ tướng của lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, góp ý với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự thảo Luật Quy hoạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp thu một phần ý kiến của Bộ Xây dựng, tuy nhiên ở dự thảo luật gần nhất, còn một số nội dung quan trọng chưa được thống nhất.

Đó là các quy định về lĩnh vực quy hoạch xây dựng chưa được quy định rõ và còn thiếu. Cụ thể, không quy định về quy hoạch xây dựng trong hệ thống quy hoạch tại Việt Nam. Quy hoạch xây dựng chỉ được nêu, xác định bằng quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là chưa đầy đủ.

Bên cạnh đó, các nội dung về quy hoạch xây dựng vùng và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù được tích hợp trong nội dung của quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh (quy hoạch tổng thể).

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng thì việc tổ chức lập, hình thành một bản quy hoạch tổng thể trong thời điểm hiện nay là chưa khả thi vì không dễ dàng thực hiện đồng loạt, tất cả các nội dung lĩnh vực trong cùng một thời gian.

Do đó, dẫn đến thời gian để hoàn thành việc lập một bản quy hoạch sẽ kéo dài hoặc chất lượng nội dung của quy hoạch không đảm bảo các yêu cầu về mặt kỹ thuật đặc thù của từng ngành, đặc biệt là đối với quy hoạch xây dựng.

Văn bản của Bộ Xây dựng nêu, kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, ngay trong việc tổ chức lập quy hoạch xây dựng, chỉ khi nào các nội dung nghiên cứu, đề xuất về không gian, kiến trúc cảnh quan cơ bản ổn định thì việc nghiên cứu, đề xuất về các nội dung hạ tầng kỹ thuật và môi trường mới đủ điều kiện để tiến hành.

Và trong khi Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ sự ngạc nhiên vì một số bộ cứ nói “ngược” quan điểm của Chính phủ, thì Bộ Xây dựng cho rằng dự thảo Luật Quy hoạch chưa tiếp thu đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Cụ thể, theo Bộ Xây dựng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo rõ: “Về quy hoạch xây dựng: bảo đảm có quy định trong dự thảo luật theo hướng kế thừa, tích hợp đồng bộ và điều chỉnh quy hoạch xây dựng bao gồm quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù theo quy định hiện hành”.

Bộ Xây dựng cho rằng chỉ đạo này là rất thống nhất với chỉ đạo của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch, thể hiện tính nhất quán trong chỉ đạo của lãnh đạo chính phủ về vấn đề này.

Bộ Xây dựng cũng cho rằng, dự thảo luật hiện không bao quát hết các vấn đề cần điều chỉnh đối với lĩnh vực quy hoạch xây dựng (mà hiện nay đã được quy định tương đối đầy đủ, đồng bộ trong các luật hiện hành, nhất là Luật Xây dựng 2014), khi thực hiện có thể dẫn tới sự xáo trộn không cần thiết và không bảo đảm tính thống nhất, xuyên suốt trong hệ thống pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, nếu thực hiện như quy định tại dự thảo Luật Quy hoạch, trên thực tế sẽ bãi bỏ hoặc điều chỉnh một số lượng rất lớn các quy hoạch xây dựng đã và đang được thực hiện, có thể dẫn đến sự lúng túng, mất rất nhiều công sức, nguồn lực, thời gian và có thể tác động tiêu cực và có nhiều hệ lụy đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng làm “trọng tài”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến phân định trước các quan điểm còn khác nhau,

Theo đó, về quy hoạch xây dựng, ông chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình các nội dung chỉnh lý dự thảo luật theo hướng kế thừa, tích hợp đồng bộ nội dung quy hoạch xây dựng vùng vào quy hoạch vùng, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện vào quy hoạch tỉnh.

Việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện quy hoạch xây dựng vùng phải thực hiện theo quy định của luật Xây dựng và pháp luật về xây dựng khác có liên quan.

Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn “thực hiện theo pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị”, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Về quy hoạch sử dụng đất, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đảm bảo các nội dung chỉnh lý dự thảo luật thực hiện theo hướng kế thừa, tích hợp đầy đủ nội dung, quy định về quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện như quy định của luật Đất đai, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả trong quản lý đất đai…

Liên quan đến thẩm quyền lập quy hoạch sử dụng đất (vấn đề đang gây tranh cãi khi phần nhiệm vụ đang thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường chuyển sang cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Thủ tướng chỉ đạo bổ sung quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường là thường trực hội đồng thẩm định quy hoạch sử dụng đất an ninh cấp quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng cấp quốc gia. Bộ cũng tham gia hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh.

Với công tác chuẩn bị các điều kiện để thi hành Luật Quy hoạch sau khi Quốc hội thông qua, người đứng đầu Chính phủ còn chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan, chủ động xây dựng dự thảo nghị quyết triển khai thi hành luật, trình Chính phủ ngay sau khi Quốc hội thông qua dự án Luật Quy hoạch.

Nguyễn Lê (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.