16/02/2012 8:19 AM
Theo Luật Đất đai, khi hết thời hạn giao đất, nếu người sử dụng đất có nhu cầu tiếp tục sử dụng và chấp hành đúng pháp luật về đất đai sẽ tiếp tục được giao đất. Tuy nhiên, thực trạng thu hồi đất tràn lan ở các địa phương, bất chấp quy định của pháp luật đã khiến nhiều nông dân như “ngồi trên lửa” khi thời điểm hết hạn giao đất đã cận kề (2013). Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước hiện vẫn chưa có văn bản chính thức nào cho vấn đề này.

>>Luật Đất đai 2003 - Kỳ 1: Quá nhiều khiếm khuyết



20, 50 năm hay vô thời hạn?


Cho đến nay, hơn 10 triệu hộ nông dân được giao đất với thời hạn 20 năm (2003-2013) đang cùng chung tâm trạng lo ngại do thời hạn bị thu hồi đất đã cận kề.


Từ vụ việc Tiên Lãng, Hải Phòng, cũng có người cho rằng viễn cảnh thu hồi hàng loạt có thể khó xảy ra, nhưng đã đến lúc quy định này cần được xem xét lại bởi không thể cứ 20 năm nước ta lại thực hiện “cải cách” một lần, cũng không thể tự động gia hạn mà không soát xét hoặc không cấp lại giấy chứng nhận bởi sẽ sai về mặt pháp lý.


Chúng ta có nhiều cơ chế để hạn chế địa chủ mới như đánh thuế cao hoặc sung công. Hiện nay dân số nông thôn nước ta chiếm 70% tổng dân số, khi trở thành nước công nghiệp, dân số nông thôn còn 20%. Chúng ta không thể bắt con nông dân cứ mãi là nông dân mà sẽ làm công việc công nghiệp dịch vụ tại đô thị, thu nhập cao hơn, chuyên nghiệp hơn. Còn những người nông dân muốn gắn bó với đất, hãy để họ có cơ hội phát triển.

GS. Đặng Hùng Võ

Theo TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách phát triển Nông nghiệp - Nông thôn (IPSARD), thực tiễn cho thấy thời hạn 20 năm đã khiến nhiều nông dân bức xúc bởi họ cảm thấy bất an, không dám đầu tư, bỏ tiền cải tạo đồng ruộng, xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường, làm thủy lợi...


Vì một suất đầu tư rất tốn kém, chỉ khi nào chắc chắn, an tâm về quyền sử dụng đất lâu dài người dân mới làm. Bên cạnh đó, quy mô sử dụng hạn điền đang cản trở nhiều người muốn tập trung đất đai để sản xuất, làm ăn lớn.


Điều này có thể thấy rõ ở những khu vực giàu tiềm năng như ĐBSCL, Tây nguyên, Đông Nam bộ... những nơi kinh tế trang trại có khả năng phát triển.


Nhiều chuyên gia về đất đai từng cho rằng Nhà nước hoàn toàn có thể thay từ “sở hữu toàn dân” sang đa sở hữu, kéo dài thời gian giao đất lên 50 năm hoặc xóa bỏ thời hạn giao đất cho nông dân.


Theo GS. Đặng Hùng Võ, theo thời hạn phát sinh từ Luật Đất đai 1993, hết thời hạn giao đất, nếu nông dân có nhu cầu và sử dụng đất đúng pháp luật sẽ được cho thuê tiếp. Điều này đúng về mặt lý thuyết nhưng trên thực tế lại không có ý nghĩa.


Bởi theo cơ chế hiện hành, người xác nhận hiệu quả sử dụng đất để người có đất được tiếp tục sử dụng hay không là chính quyền địa phương. Cơ chế này tiềm ẩn nguy cơ xung đột lợi ích. Trong nhiều trường hợp, người dân buộc phải cầu cạnh chính quyền để giữ đất, cơ hội cho nguy cơ tham nhũng rất cao.


Cũng theo GS. Võ, câu chuyện không phải 50 hay 60 năm mà là sau thời hạn này chúng ta sẽ làm gì. Xóa thời hạn sẽ đem lại nhiều tích cực: người có đất yên tâm, có động lực tăng năng suất và sản lượng, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp. Có ý kiến đặt vấn đề dù không tiến hành thu hồi và giao lại, Nhà nước cũng cần có những văn bản rõ ràng.


Bởi đứng về mặt Nhà nước, đây là một cuộc tổng rà soát, củng cố lại cơ sở dữ liệu. Luật đã quy định rõ, không thể nói gia hạn là tùy ý ra nghị định để gia hạn. Vì nó còn liên quan đến giấy chứng nhận quyền sở hữu, một khi giấy này hết hạn, các vấn đề như thế chấp, chuyển nhượng… sẽ không thể thực hiện.


Mục đích “phát triển kinh tế” bị biến tướng


Trên thực tế, dù đã chuyển giao hầu hết các quyền hạn cho người sở hữu, Nhà nước vẫn nắm quyền lực rất lớn trong việc thu hồi đất, giao đất. Theo quy định của Hiến pháp, trong trường hợp cần thiết, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng quyền sử dụng đất của dân, có bồi thường thỏa đáng theo thời giá thị trường cho 3 mục đích: quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia.


Tuy nhiên, đến Luật Đất đai 2003, quy định này trở thành: Nhà nước có quyền thu hồi đất trong trường hợp vì lợi ích quốc gia, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế. Chính việc thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế đã tạo ra những xung đột không có hồi kết trong 10 năm Luật Đất đai 2003 được áp dụng.


Luật Đất đai 2003
Cơ chế thu hồi đất lỏng lẻo tạo ra nhiều tiêu cực trong đất đai vừa gây lãng phí. Ảnh: LÃ ANH

Theo quy định của Luật Đất đai, vì mục đích kinh tế, Nhà nước chỉ thu hồi đất khi thực hiện các dự án đầu tư có 100% vốn nước ngoài; các dự án xây dựng hạ tầng chung. Thế nhưng trên thực tế, mục đích “phát triển kinh tế” đã biến tướng đến mức gần như dự án nào cũng đều do Nhà nước thu hồi đất, vừa tạo ra tiêu cực trong đất đai vừa gây nên lãng phí.


Tính đến nay, cả nước đã có trên 260 khu công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích đất tự nhiên 71.394ha. Trong đó, 173 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động (chiếm 46%), với tổng diện tích đất tự nhiên 43.718ha. Như vậy, còn đến hơn 50% diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi đang bỏ hoang, trong khi nông dân ở đó mất công ăn việc làm.


GS. Võ cho biết: “Hiện nay cơ chế của chúng ta nhẹ nhàng quá, người ta không trân trọng đất đai vì chỉ cần có dự án là Nhà nước sẽ thu hồi đất. Điều này ngoài hệ quả về kinh tế là nông dân không có việc làm, còn dẫn đến hệ quả xã hội nghiêm trọng hơn: người nông dân không đứng về phía chính quyền”.


Theo các chuyên gia, sửa đổi Luật Đất đai 2003 là cơ hội để chúng ta đưa các quy định này về theo đúng tinh thần của Hiến pháp. Hiến pháp không nói đến cơ chế Nhà nước thu hồi đất, Luật Đất đai lại quy định điều này.


Do đó, có thể không cần phải sửa đổi vấn đề sở hữu nếu quá phức tạp, nhưng nhất thiết phải chuyển cơ chế Nhà nước thu hồi đất thành cơ chế Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng quyền sử dụng đất để tránh cho người nông dân lâm vào tình cảnh “chơ vơ” ngay trên chính ruộng đồng của mình, tránh nhiều trường hợp như vụ Tiên Lãng có thể xảy ra trong tương lai.

Theo Hoài Trâm (SGĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.