Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An cho biết, tỉnh Long An đã quy hoạch dành 1.500 ha đất để xây dựng 70 khu tái định, nhưng đến nay, hầu hết các khu tái định cư vẫn chưa triển khai, hiện còn hơn 4.600 hộ từ 4-8 năm sống tạm bợ chờ nhận nền nhà tái định cư.
Long An: 4.600 hộ sống tạm bợ chờ tái định cư
Hơn 4.000 hộ hiện không có việc làm dẫn đến tình trạng có 58,2% hộ trong vùng giải tỏa cuộc sống không được cải thiện và kém hơn trước đây đã gây nhiều bức xúc trong người dân. Đặc biệt, còn có 9,3% trong tổng số hơn 38.000 hộ giải tỏa không chịu nhận bồi thường do giá cả bồi thường bất hợp lý, khu tái định cư không có gây nhiều khó khăn cho các chủ đầu tư triển khai dự án.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó bắt nguồn từ sự hạn chế của công tác quản lý Nhà nước như cơ chế chính sách chưa phù hợp lại thường xuyên thay đổi, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa đồng bộ trong giải quyết các vấn đề đời sống, việc làm, chuyển đổi nghề của người dân trong vùng chuyển mục đích sử dụng đất; chính sách tái định cư chưa được địa phương, chủ đầu tư quan tâm chăm sóc lo cuộc sống cho những người dân bị thu hồi đất.


Năm 2012, tỉnh Long An cần quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp tập trung ở những nơi tách hẳn đất sản xuất nông nghiệp, xa khu dân cư, làm hạ tầng đồng bộ, như đường giao thông nối với các trục đường chính, điện, nước, hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường, tuyệt đối không quy hoạch những khu vực nhằm đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực.

Dành 10% quỹ đất giao cho các hộ thu hồi đất xây dựng cơ sở dịch vụ theo quy hoạch, như: dịch vụ bán hàng, nhà ở, cơ sở dạy nghề, dịch vụ môi trường, văn hóa để hỗ trợ các khu công nghiệp phát triển sản xuất. Xây dựng các khu tái định cư cho người dân có nơi ở mới bằng hoặc hơn trước đây.

Khi quy hoạch các khu tái định cư nên gắn kết với phát triển đô thị và gần các khu công nghiệp, nhằm phát triển các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ thu hút lao động từ 35 tuổi trở lên có việc làm ổn định. Đặc biệt tiến hành xây dựng các khu tái định cư trước khi thu hồi đất để người dân sớm có chỗ ở, ổn đinh việc làm và cuộc sống sau đó mới tiến hành giải tỏa.

Khi quy hoạch khu tái định cư, cần trưng cầu ý kiến của người dân và quy hoạch đa dạng các loại hình nhà ở để xây dưng phù hợp với tâm tư nguyện vọng của người dân.

Các trường, các cơ sở dạy nghề ưu tiên tiếp nhận đào tạo cho số lao động trong vùng chuyển mục đích sử dụng đất. Trong đào tạo chú trọng những người ở độ tuổi từ 35 trở xuống, vận động họ học nghề dài hạn để có trình độ chuyên môn kỹ thuật vào làm việc ổn định lâu dài ở các khu, cụm công nghiệp. Đối với số lao động trên 35 tuổi tổ chức đào tạo ngắn hạn các ngành nghề thương mại, dịch vụ để họ có việc làm ổn định trong các khu tái định cư.

Hỗ trợ vay vốn từ quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm với lãi suất ưu đãi. Gắn việc cho vay với các chương trình khuyến nông, khuyến công, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn cách làm ăn, phát triển các ngành nghề tiểu công nghiệp và nghề truyền thống.

Các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng đất do các hộ gia đình bàn giao có tránh nhiệm, nghĩa vụ tiếp nhận và giải quyết việc làm cho số lao động trong vùng ảnh hưởng của dự án.
Theo Thanh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.