Nói như ông Phạm Văn Liêm, Phó viện
trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp, Bộ Công
Thương, để xảy ra tình trạng ồ ạt làm khu công nghiệp rồi bỏ hoang như
hiện nay có lỗi của hệ thống điều hành: “Qui hoạch tổng thể Chính phủ đã
phê duyệt tổng thể rồi, nhưng địa phương vẫn cứ muốn thêm. Lỗi hệ thống
ở chỗ chúng ta giải quyết theo kiểu tình cảm, mối quan hệ, các kiểu
không theo luật pháp. Qui hoạch đã có tính khoa học nhưng thực tế thực
hiện cứ phá vỡ hết cả”.
Nhiều khu công nghiệp thu hồi đất rồi để không (Ảnh minh hoạ)
Tư duy nhiệm kỳ- địa phương gây hại cho đất nước
Tư duy nhiệm kỳ của lãnh đạo địa phương trong việc ra các chủ trương, quyết sách lớn về phát triển KCN cũng đã đẩy các địa phương đến thực trạng hiện nay. Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho rằng, tư duy nhiệm kỳ là hiểm họa đối với đất nước và là điều cần phải cảnh báo: “Nhiệm kỳ lãnh đạo của tôi chỉ có 3 năm, 5 năm và tôi làm đủ mọi cách phải làm thế nào phát huy tối đa cái quyền lực được giao. Tôi cần làm cái gì đó để ghi dấu ấn, chứ còn phát triển nông nghiệp… thì dễ quá (!?); cho nên tôi phải phát triển khu chế xuất khu công nghiệp, khu thương mại, phát triển đường phố… để thông qua đó có được phần thu nhập cho cá nhân, thu nhập cho công quỹ của tỉnh của huyện… Đó là những tư duy theo nhiệm kỳ và đây là một hiểm hoạ vô cùng lớn đối với đất nước. Nếu tình trạng này không được xử lý, không biết vấn đề từ gốc gác, để nó lan từ trung ương đến địa phương, đến tận phường xã thì cực kỳ nguy hiểm”.
Cùng chung quan điểm này, GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt vấn đề cần phải đổi mới tư duy của lãnh đạo: “Lãnh đạo nào trong nhiệm kỳ của mình cũng muốn hiệu quả phi sản xuất nông nghiệp lớn hơn. Tôi cho rằng, các nhà quản lý cần phải tĩnh tâm, dự án nào có hiệu quả hẵng làm. Người quản lý phải đổi mới tư duy không phải vì lợi ích của mình, lựa chọn cần phải được tính toán…”.
Trong khi đó cách làm của chúng ta thực sự “ có vấn đề” trong cách
làm và cách quản lý khu công nghiệp hiện nay. Theo Tiến sỹ Đào Thế Anh,
Giám đốc Trung tâm Kinh tế nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt
Nam thì không thể để tình trạng các KCN cắm trên đất lúa của nông dân:
“Chúng tôi cũng đã có kiến nghị và Bộ Nông nghiệp & PTNT đã có kiến
nghị, vùng nào là vùng chuyên canh lúa chúng ta phải cần thiết giữ để
đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo cho vấn đề an sinh xã hội của Việt
Nam.
Chúng ta phải có điều tiết về ngân sách, tức là không bắt buộc những
vùng đặc biệt làm công nghiệp. Như hiện nay ở Đồng bằng Sông Cửu long,
nhiều nhà chuyên môn cũng như địa phương nói là không có điều kiện để
làm công nghiệp, không có cơ sở hạ tầng, nhưng chúng ta vẫn phân chia
cho các tỉnh. Hậu quả hiện nay là cỏ mọc cao và lãng phí đất, trong khi
Việt Nam là một đất nước có mật độ dân số rất cao, chúng ta có tiềm năng
làm nông nghiệp, trong thời gian đấy chúng ta để cho nông dân làm nông
nghiệp thì có giá trị hơn”.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc phải có
những tổng kết đánh giá về sự phát triển của KCN trong phạm vi cả nước.
Nói như Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại thì từ
đây cơ quan quản lý có những bước đi phù hợp để giải quyết được bài toán
hiệu quả kinh tế của các KCN: Nên rà soát các đầu tư vào KCN hiện tại.
nên chia làm 3 loại. Loại thứ nhất là đầu tư được 70-80-%, loại thứ 2
chủ triển khai được ít thôi, dưới 50% hoặc 30% tùy theo từng nơi nhưng
các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang xin đến đầu tư tức là cái dự báo
vài ba năm tới có thể lấp đầy được 70-80% chẳng hạn thì nên chờ đợi 1
thời gian để có những dự án mới. Còn loại thứu 3 là loại không có khả
năng thu hút đầu tưu thêm hoặc bổ trống thì nên thu hồi và trả lại đất
cho nông dân.
Cùng với đó là nhất quyết không để xảy ra tình trạng “vượt rào” như
cách mà các địa phương làm vừa rồi là bất chấp qui định của Chính phủ là
cứ mở rộng và thành lập mới các KCN, trong khi các KCN cũ chưa đạt tỷ
lệ lấp đầy 60%. Ông Lê Quốc Dung, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của quốc
hội cho rằng: “Tôi đang lo là giai đoạn 2011-2020 Chính phủ và các địa
phương vẫn dự kiến qui hoạch rất lớn. Ví dụ, năm 2010 có khoảng độ
43.000 ha khu công nghiệp, nếu cả cụm công nghiệp phân tán thì khoảng
83.000 ha, nhưng đang có một dự kiến tới đây, Quốc hội chưa quyết nhưng
dự kiến lên gấp 3, tức là 250.000 - 270.000 ha. Đó là diện tích quá lớn
cần cân nhắc, trong khi chúng ta mới lấp đầy chỉ khoảng 52- 53%, cho nên
cần phải rà soát, đánh giá, đưa ra giải pháp thế nào?
Tôi nghĩ không nên dành quĩ đất lớn đến thế. Các tỉnh cần phải cân
nhắc, đánh giá rút ra phương pháp hiệu quả, nhu cầu doanh nghiệp đến đâu
thu hồi và làm hạ tầng đến đấy. Cứ để đất đai hoang hóa, nhân dân không
thể chấp nhận được. Chính phủ, bộ ngành, cần phải ra tay. Ngay từ bây
giờ, phải có sự lựa chọn, doanh nghiệp nào, dự án nào tốn quá nhiều đất
mà không mang lại ngân sách, việc làm, hiệu quả thấp phải có sự lựa
chọn, không thể để KCN dệt may vào những vùng trong Hà Nội, gần Hà nội,
cận Hà nội hoặc những vùng đồng bằng như thế, tốn đất đai”.
Câu chuyện phân cấp nhưng năng lực “thiếu tầm” đã nảy sinh ra câu
chuyện đua nhau làm qui hoạch, đua nhau cấp phép các khu công nghiệp.
Chính vì thế Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng
Bộ Xây dựng Phạm Sĩ Liêm đặt vấn đề: Chủ trương phân cấp mạnh nhưng phải
có điều kiện. Thứ nhất cấp được phân cấp phải đủ năng lực. Thứ 2 phải
có sự giám sát, và năng lực giám sát tới đâu thì phân cấp đến đó. Nếu
không sẽ trở thành địa phương cục bộ, mỗi nơi làm theo ý mình trong khi
khả năng giám sát của Chính phủ chưa cao. Điều này cần phải khắc phục”.
Rõ ràng đã đến lúc phải hành động để ngăn chặn những hệ lụy trong phát triển KCN theo phong trào lan rộng với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Sẽ là muộn và phải trả giá đắt nếu như các địa phương “mải mê”, thậm chí là “hăng say” lao vào làm KCN theo kiểu như hiện nay. Bài học của việc đầu tư theo phong trào theo kiểu tỉnh nào cũng có nhà máy xi măng, nhà máy thép, tỉnh nào cũng có sân bay, cảng biển, sân golf vẫn còn nóng hổi và để lại hậu quả đến tận bây giờ. Đã đến lúc không thể để lãng phí nguồn lực, không thể để tình trạng đầu tư theo cảm tính, nhà nhà làm công nghiệp, người người làm công nghiệp một cách ngẫu hứng và tùy tiện, không hiệu quả như hiện nay!/.