HĐND tỉnh Lâm Đồng vừa thông qua quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch vừa được thông qua đã hé mở những vùng đất phát triển mới trên địa bàn tỉnh.

Quy hoạch Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Lâm Đồng phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Lâm Đồng sẽ trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, tự cân đối ngân sách và có điều tiết nộp ngân sách về Trung ương.

Lâm Đồng sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là cơ cấu nông nghiệp hướng đến nền nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại, đồng thời là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế.

Tỉnh sẽ phát triển du lịch chất lượng cao; xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á, trung tâm giáo dục nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo khoa học.

Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được thông qua đã cho biết các nhiệm vụ trọng tâm như, sắp xếp, tái cấu trúc không gian lãnh thổ tỉnh Lâm Đồng hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và sử dụng hiệu quả quỹ đất;...

Về các đột phá phát triển, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với xây dựng, phát triển đô thị bền vững và kinh doanh bất động sản; khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất và các nguồn lực xã hội;...

Riêng về tầm nhìn đến năm 2050, Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

3 tiểu vùng, 5 hành lang kinh tế và 3 cực tăng trưởng

Cũng theo quy hoạch nói trên, phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng sẽ theo mô hình 3 tiểu vùng, 5 hành lang kinh tế và 3 cực tăng trưởng.

Cụ thể, 3 tiểu vùng gắn với 3 cao nguyên Lang Biang, Di Linh và Bảo Lộc. Trong đó, thành phố Đà Lạt là hạt nhân của tiểu vùng 1, thị trấn Di Linh là hạt nhân của tiểu vùng 2 và thành phố Bảo Lộc là hạt nhân của tiểu vùng 3.

5 hành lang kinh tế gồm 2 hành lang kinh tế Đông Tây và 3 hành lang kinh tế Bắc Nam.

Trong đó, 2 hành lang kinh tế Đông Tây gồm: Cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) – Liên Khương (Lâm Đồng), cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) – Liên Khương (Lâm Đồng), quốc lộ 20 – quốc lộ 27C; đường tỉnh ĐT.725.

3 hành lang kinh tế Bắc Nam là quốc lộ 28; quốc lộ 27; quốc lộ 55B.

3 cực tăng trưởng tại Lâm Đồng gồm thành phố Đà Lạt, đô thị Đức Trọng và thành phố Bảo Lộc.

Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được thông qua cũng cho biết định hướng phát triển cấu trúc không gian tỉnh Lâm Đồng đến năm 2045, với 3 vùng chức năng xây dựng đô thị.

Trong đó, tiểu vùng 1 gồm Đà Lạt (sáp nhập huyện Lạc Dương) – Đức Trọng – Đơn Dương – Lâm Hà (thị trấn Nam Ban và các xã Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà). Trong đó, thành phố Đà Lạt là trung tâm của tiểu vùng 1; huyện Đức Trọng là đô thị trung tâm hành chính – chính trị mới của tỉnh, san sẻ chức năng với thành phố Đà Lạt.

Tiểu vùng 2 gồm Di Linh – Đam Rông – Lâm Hà (thị trấn Đinh Văn, xã Đạ Đờn, Phú Sơn, Phi Tô, Tân Văn, Tân Hà, Liên Hà, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Tân Thanh). Trong đó, thị trấn Di Linh là trung tâm của tiểu vùng 2.

Tiểu vùng 3 gồm Bảo Lộc – Bảo Lâm – Đạ Huoai mới (Đạ Huoai – Đạ Tẻh – Cát Tiên hiện hữu). Trong đó thành phố Bảo Lộc là trung tâm của tiểu vùng 3.

Giai đoạn 2045 – 2050, định hướng phát triển tỉnh Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với cấu trúc không gian gồm 3 quận, 3 thị xã mới và 3 huyện.

Huyện Đức Trọng là đô thị trung tâm hành chính – chính trị mới của tỉnh, san sẻ chức năng với thành phố Đà Lạt.

Đến năm 2025, Lâm Đồng có 17 đô thị

Theo quy hoạch, đến năm 2025, toàn tỉnh Lâm Đồng có 17 đô thị. Trong đó có 1 đô thị loại II (thành phố Đà Lạt sáp nhập với huyện Lạc Dương); 1 đô thị loại III (thành phố Bảo Lộc sáp nhập với 5 xã của huyện Bảo Lâm); 5 đô thị loại IV; 10 đô thị loại V.

Giai đoạn đến năm 2030, tỉnh Lâm Đồng đầu tư, nâng cao chất lượng đô thị và phân loại đô thị. Trường hợp tỉnh Lâm Đồng thực hiện nhanh chương trình phát triển đô thị thì tỉnh sẽ phát triển thêm 5 đô thị loại V.

Riêng về tầm nhìn đến năm 2050, Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với 3 quận, 3 thị xã và 3 huyện.

Về phát triển các khu chức năng, đến năm 2030, tỉnh Lâm Đồng phát triển 3 khu công nghiệp với tổng diện tích 538 ha. Trong đó, đầu tư hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp Lộc Sơn và khu công nghiệp Phú Hội, đồng thời hoàn thành thủ tục pháp lý, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và phát triển sản xuất khu công nghiệp Phú Bình.

Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng định hướng phát triển hệ thống khu, điểm du lịch theo các cụm không gian du lịch, hành lang kinh tế. Trong đó, thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành trung tâm du lịch của quốc gia và quốc tế; cụm du lịch thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận trở thành vệ tinh, trung tâm du lịch cấp vùng.

Tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng và khai thác các khu du lịch hiện có. Trong đó có khu du lịch cấp quốc gia hồ Tuyền Lâm, 2 khu du lịch cấp tỉnh và các khu du lịch khác.

Cùng với đó, hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác thêm các khu du lịch trọng điểm. Trong đó có 1 khu du lịch cấp quốc gia Đankia – Suối Vàng; hồ Pren; núi Sa Pung; các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh.

Tỉnh Lâm Đồng cũng quy hoạch mở rộng khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, phát triển một số khu du lịch mới gắn liền với danh thắng thiên nhiên, các di tích lịch sử văn hóa, các hồ thủy lợi. Tăng cường liên kết vùng, gắn kết các khu du lịch Lâm Đồng với vùng, quốc gia, quốc tế.

Lưu Bang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.