31/10/2023 6:01 AM
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1226/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên đến năm 2040. Đây là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút dòng vốn đầu tư mới.

Khu kinh tế Nam Phú Yên được định hướng phát triển ra sao?

Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040 có tổng diện tích 20.730 ha, với phía Bắc giáp sông Đà Rằng; phía Nam giáp huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa; phía Đông giáp biển Đông; phía Tây giáp hành lang cao tốc Bắc – Nam.

Đây là khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm phát triển là: Công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp gắn với cảng biển, tập trung thu hút các ngành công nghiệp luyện kim, lọc hóa dầu, năng lượng,…; du lịch sinh thái; đô thị dịch vụ thương mại – du lịch sông, biển gắn với việc khai thác sân bay Tuy Hòa và hệ thống cảng biển;…

Đây cũng là một trong các đầu mối về giao thông vận tải, giao thương và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên; cửa ngõ kết nối ra biển Đông của Tây Nguyên và các nước ASEAN.

Khu kinh tế Nam Phú Yên là khu kinh tế tổng hợp có hạ tầng hiện đại làm động lực phát triển cho vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; liên kết hỗ trợ và chia sẽ với Khu kinh tế Vân Phong và các vùng phụ cận.

Về quy mô đất đai, đến năm 2030, diện tích đất xây dựng các khu chức năng khoảng 9.840 ha. Trong đó có khoảng 2.420 ha đất phát triển dân cư đô thị; 224 ha đất phát triển hỗn hợp; 789 ha đất phát triển dân cư nông thôn; 2.038 ha đất khu, cụm công nghiệp; 767 ha đất dịch vụ, du lịch; 3.603 ha đất xây dựng các khu chức năng khác.

Đến năm 2040, diện tích đất xây dựng các khu chức năng khoảng 12.380 ha. Trong đó, có khoảng 2.799 ha đất phát triển dân cư đô thị; 339 ha đất phát triển hỗn hợp; 871 ha đất phát triển dân cư nông thôn; 3.265 ha đất khu, cụm công nghiệp; 996 ha đất dịch vụ, du lịch; 4.109 ha đất xây dựng các khu chức năng khác.

Về định hướng phát triển không gian tổng thể vẫn kế thừa hình thái, không gian kiến trúc, tính chất và vị trí các khu chức năng theo Quy hoạch chung năm 2009. Tuy nhiên, về cấu trúc tổng thể có sự điều chỉnh.

Theo đó, cấu trúc một vành đai công nghiệp phía Tây và dải dịch vụ phía Đông. Trong đó, khu vực ven biển phía Đông phát triển dịch vụ du lịch, đô thị và hậu cần cảng. Vành đai phía Tây phát triển công nghiệp công nghệ cao; đặc biệt có hai trung tâm công nghiệp gồm công nghiệp gắn với sân bay Tuy Hòa ở phía Bắc và công nghiệp gắn với cảng Bãi Gốc ở phía Nam.

Tiếp đến là hai hành lang xanh ven sông Đà Rằng và sông Bàn Thạch để phát triển - không gian xanh sinh thái bán ngập và phát triển dịch vụ du lịch sinh thái.

Khu kinh tế Nam Phú Yên có ba trung tâm phát triển chính là trung tâm đô thị sân bay; trung tâm đô thị Hòa Vinh; trung tâm đô thị thương mại ven biển.

Khu kinh tế Nam Phú Yên cũng được định hướng với tam giác phát triển du lịch phía Nam với 3 mũi nhọn là khu vực Biển Hồ - núi Đá Bia; khu du lịch Mũi Điện - Bãi Môn; khu du lịch Hòn Nưa.

Hé lộ 6 phân khu chức năng

Theo điều chỉnh quy hoạch vừa được phê duyệt, Khu kinh tế Nam Phú Yên được chia thành 6 phân khu chức năng.

Cụ thể, khu vực phát triển đô thị phía Bắc sân bay Tuy Hòa (phân khu 1) có diện tích đất tự nhiên khoảng 3.820 ha. Trong đó đất xây dựng các khu chức năng khoảng 3.100 ha và đất khác khoảng 720 ha.

Phân khu này được định hướng phát triển khu đô thị sân bay và hình thành quỹ đất hậu cần sân bay - dự trữ phát triển mở rộng sân bay trong tương lai dài hạn, phát triển du lịch sinh thái ven sông Đà Rằng.

Khu vực phát triển Đô thị du lịch - dịch vụ ven biển (phân khu 2) có diện tích đất tự nhiên khoảng 3.080 ha. Trong đó đất xây dựng các khu chức năng khoảng 3.010 ha và đất khác khoảng 70 ha.

Phân khu này định hướng phát triển quỹ đất thương mại dịch vụ du lịch hỗn hợp khu vực ven biển, hình thành khu công nghệ cao Hòa Hiệp Bắc.

Khu vực phát triển đô thị Hòa Vinh (phân khu 3) có diện tích đất tự nhiên khoảng 2.570 ha. Trong đó đất xây dựng các khu chức năng khoảng 1.690 ha và đất khác khoảng 880 ha.

Phân khu này được định hướng hình thành đô thị nén, tập trung tại khu vực lõi Hòa Vinh kết hợp với hệ thống cây xanh, mặt nước.

Khu vực phát triển du lịch - dịch vụ ven sông Bàn Thạch (phân khu 4) có diện tích đất tự nhiên khoảng 1.860 ha. Trong đó đất xây dựng các khu chức năng khoảng 650 ha và đất khác khoảng 1.210 ha.

Phân khu này được định hướng phát triển mô hình dịch vụ du lịch sinh thái bán ngập, kết hợp nông nghiệp thủy sản công nghệ cao tại hạ lưu sông Bàn Thạch, phát triển mô hình khu du lịch sinh thái ven sông, trang trại nhà vườn sinh thái.

Khu vực phát triển công nghiệp tập trung (phân khu 5) có diện tích đất tự nhiên khoảng 3.150 ha. Trong đó đất xây dựng các khu chức năng khoảng 2.416 ha và đất khác khoảng 734 ha.

Phân khu này được định hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp gắn với việc phát huy lợi thế cảng biển, tập trung thu hút các ngành công nghiệp lọc hóa dầu, luyện kim, năng lượng,... vào Khu công nghiệp Hòa Tâm.

Khu vực phát triển du lịch phía Nam (phân khu 6) có diện tích đất tự nhiên khoảng 6.250 ha. Trong đó đất xây dựng các khu chức năng khoảng 1.514 ha và đất khác khoảng 4.736 ha.

Phân khu này được định hướng hình thành tam giác phát triển dịch vụ, du lịch, thể thao đa dạng và chất lượng cao; tôn trọng, bảo vệ hệ thống rừng phòng hộ và đặc dụng hiện có.

Lưu Bang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.