Quy hoạch sau chồng lấn lên quyết định của Thủ tướng Chính phủ 6,5ha là do cán bộ không xuống thực địa?. Dự án mở rộng nghĩa trang sẽ không ngưng lại, mà vẫn tiếp tục triển khai vì tỉnh và thị ủy đã quyết tâm làm…
Phó chủ tịch Hội người cao tuổi thị xã Dĩ An cho rằng, nên xem lại dự án mở rộng nghĩa trang trong lòng đô thị
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Thiên Đăng - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) thị xã Dĩ An về dự án mở rộng nghĩa trang nhân dân gây lùm xùm suốt nhiều năm nay.
Lấy đất dự án giao cho doanh nghiệp
Năm 2004, UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt dự án nghĩa trang nhân dân thị xã Dĩ An (nằm ở phường Tân Bình) với diện tích 10ha và nằm xa khu dân cư. Dự án đã thu hồi đất của nhiều hộ dân, nhưng sau đó chính quyền lại “xẻo” mất 6,5ha để giao cho DN xây dựng nhà máy. Theo đó, nghĩa trang đã bị thu hẹp và chỉ còn lại 3,5ha được đưa vào hoạt động từ năm 2008 tới nay.
Lý giải về sự “bốc hơi” 6,5ha đất nghĩa trang, ông Nguyễn Văn Thiên Đăng - Trưởng phòng TNMT thị xã Dĩ An khẳng định, không hề có chuyện lấy đất nghĩa trang giao cho DN, mà do năm 2004, huyện Dĩ An lúc đó quy hoạch nghĩa trang với diện tích 10ha. Tuy nhiên, do cán bộ làm quy hoạch không xuống thực địa nên đã quy hoạch 6,5ha chồng lên đất đã được Thủ tướng Chính phê duyệt làm KCN Tân Đông Hiệp B từ 1995, chính vì thế phải nhường 6,5ha đất cho KCN.
Tuy nhiên người dân cho rằng, sự lý giải đó quá “bất thường” vì nghĩa trang được quy hoạch sau KCN 10 năm, chẳng lẽ các cơ quan chức năng không hề biết?. Hơn nữa, lúc đó ông Đăng là cán bộ địa chính xã Tân Bình, chẳng nhẽ không biết xã mình có quy hoạch nghĩa trang vị trí nào?.
Việc mở rộng nghĩa trang đã khiến hàng trăm người dân cả bên Bình Dương lẫn phía Đồng Nai bức xúc vì không đảm bảo về mặt kỹ thuật, vệ sinh môi trường theo quy chuẩn mà pháp luật quy định.
“Chúng tôi đề nghị, nếu địa phương mở rộng nghĩa trang thì phải có phương án di dời dân, nếu không thì phải ngưng dự án. Ai đời giữa một đô thị lớn, người sống còn thiếu đất ở. Nước thì toàn phải khoan giếng, vậy mà chính quyền lại đưa người chết lên đồi cao chôn thì hàng trăm hộ dân sống ở dưới nguồn nước sẽ thế nào?”, bà Võ Thị Hoa - người dân sống ngay cạnh dự án bức xúc.
Kêu cứu chính quyền địa phương không được, người dân gửi đơn tới Bộ TNMT nhờ giúp đỡ. Cuối năm 2014, UBND thị xã Dĩ An có công văn phúc đáp gửi hàng trăm hộ dân thừa nhận việc mở rộng nghĩa trang là không đảm bảo các quy định về quy hoạch, xây dựng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ban hành. Vấn đề kiến nghị của bà con nhân dân là đúng... Nhưng UBND thị xã Dĩ An biện minh rằng, do diện tích đất tự nhiên trên địa bàn dần bị thu hẹp, không thể tìm được chỗ nào khác, do đó thị xã vẫn sẽ tiếp tục thực hiện dự án…
Trước áp lực dư luận, đầu năm 2016, UBND thị xã Dĩ An giao cho Mặt trận tổ quốc (MTTQ) lấy ý kiến phản biện xem có nên tiếp tục thực hiện hay không. Sau khi MTTQ lấy ý kiến phản biện mà người dân ủng hộ thì làm, nếu phản ứng thì sẽ xem xét lại.
Tuy nhiên, vị Trưởng phòng TNMT thị xã lại khẳng định: “Không có chuyện ngưng dự án này, mà vẫn phải tiếp tục triển khai các khâu tiếp theo vì đây là dự án cấp thiết để phục vụ nhu cầu chôn cất của người dân thị xã. Hơn nữa, UBND tỉnh và Thị ủy cũng đã quyết tâm làm?…”.
Nói về sự cần thiết mở rộng nghĩa trang hay không, ông Nguyễn Thanh Vinh - Phó ban Thường trực Hội người cao tuổi thị xã Dĩ An cho rằng, cần phải nhìn nhận lại vấn đề này, vì Dĩ An là một thị xã có tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Hiện Bình Dương đã có nghĩa trang Vĩnh Hằng với diện tích hàng trăm ha, chôn cất lại lâu dài. Xã hội giờ đã văn minh rồi, người dân nên hỏa táng để đảm bảo vệ sinh môi trường…
Nhiều “khuất tất”?
Dù đã sử dụng ổn định gần nửa thế kỷ, nhưng nhiều hộ dân tại đây vẫn không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ). Vào năm 2007, một số hộ dân như: Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Văn Dẩu… làm hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ và được chính quyền xã Tân Bình xác nhận đất đã sử dụng ổn định lâu dài, không có tranh chấp và đủ điều kiện cấp sổ. Qua kiểm tra, thẩm định, Phòng TNMT thấy đất này đủ điều kiện cấp sổ nên đã trình lên UBND huyện Dĩ An lúc đó. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà việc cấp sổ đỏ cho người dân lại bị ngưng trệ.
Điều “bất thường” là hơn 1 năm sau đó, UBND xã Tân Bình lại họp Hội đồng xét cấp sổ đỏ cho các hộ này, nhưng lại thống nhất chỉ cấp 50% diện tích đất mà bà con đang sử dụng với lý do đây là…đất công?
Thấy có sự nhập nhèm, nên UBND huyện Dĩ An đã có văn bản yêu cầu xã Tân Bình nói rõ lý do vì sao lại chỉ cấp 50% cho các hộ dân, 50% còn lại để cho xã làm đất công ích nằm ở đâu? Yêu cầu xã phải họp dân, xác định rõ ranh giới, nhưng sau đó xã này “ém luôn”.
Để làm rõ nguồn gốc đất của các hộ dân, phóng viên đã về phường Tân Bình để tìm hiếu, nhưng khi chúng tôi đề nghị phường cung cấp các tài liệu, hồ sơ liên quan tới đất của các hộ dân này thì lãnh đạo phường tìm cách né tránh rằng, “phải xin ý kiến Đảng ủy” rồi mất tăm.
Qua điều tra của phóng viên thì các cụ cao tuổi quanh khu vực này đều khẳng định, đất tại đây đều là đất ông cha của họ nhiều đời để lại, chứ không phải đất như chính quyền bao biện.
Đất các hộ dân đã có quá trình sử dụng ổn định lâu dài, không tranh chấp thì có được cấp sổ hay không? Ông Đăng đáp: “Chiếu theo Luật Đất đai năm 2013 thì các hộ được cấp sổ vì chưa có quyết định thu hồi đất (dù đã có quy hoạch)”.
Như vậy, đối chiếu với những quy định này thì dự án mở rộng nghĩa trang nhân dân thị xã Dĩ An không đáp ứng đầy đủ các điều kiện, bởi lẽ khoảng cách từ nghĩa trang đến khu dân cư là quá gần.
Người dân đang tha thiết mong chờ cơ quan chức năng vào cuộc xem xét lại dự án này để đảm bảo về an toàn vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị cũng như cấp sổ đỏ cho người dân theo quy định của pháp luật.
Nghị định 35/2008/NĐ-CP của Chính phủ được thay thế bằng Nghị định 23/2016 về xây dựng quản lý sử dụng nghĩa trang đã quy định rất cụ thể về việc quy chuẩn xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang… phải đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị
Quyết định 04/2008/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng cũng quy định rõ Nghĩa trang hung táng, nghĩa trang chôn cất một lần không được bố trí trong nội thị. Các nghĩa trang hiện có trong đô thị không đạt tiêu chuẩn môi trường phải ngừng sử dụng và có kế hoạch di chuyển. Khoảng cách an toàn về môi trường nhỏ nhất từ nghĩa trang đến đường bao khu dân cư, trường học, bệnh viện... tối thiểu của nghĩa trang hung táng là 1.500m khi chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải từ mộ hung táng, và 500m khi có hệ thống thu gom và xử lý nước thải từ mộ hung táng (đối với vùng đồng bằng)...
Hoàng Quý -Tựu Nguyễn (PLVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.