Đã mua chung cư mini thì thường là người có thu nhập ở mức trung bình, không có nhiều cơ hội để lựa chọn được những căn hộ chung cư khác có đầy đủ giấy tờ chủ quyền, càng không đủ tiền mua đất thổ cư để xây nhà. Sau khi mua, họ cũng vẫn tin chỉ là “khó khăn” nên thời gian được cầm GCN kéo dài, chứ không ngờ nhà mình lại bị “treo” GCN, hoặc oái ăm hơn là GCN lại được cấp cho cả tòa nhà, đứng tên là chủ đầu tư và không đủ điều kiện để cấp cho từng căn hộ riêng lẻ. Điều này rõ ràng là quá bất an, nếu như chủ đầu tư “tiện” mang GCN của cả tòa nhà đi cầm cố, thế chấp…
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, PGĐ Sở TN-MT Hà Nội, chủ đầu tư các chung cư mini trên địa bàn Hà Nội hầu hết đều xin giấp phép xây dựng theo dạng nhà ở cá nhân, sau đó thì bán từng phòng (căn hộ mini). Không ít trường hợp xây sai phép hoặc không đảm bảo các điều kiện theo qui định để được cấp “sổ đỏ” như: Khi xin cấp phép xây dựng, chủ đầu tư phải nói rõ mục đích chia thành nhiều căn hộ để bán và bảo đảm các yếu tố như: Tiêu chuẩn xây dựng chung cư cao tầng, quy hoạch hạ tầng, quy mô dân số của khu vực, có điều lệ quản lý chung cư, đảm bảo điều kiện phòng, chống cháy nổ, diện tích căn hộ từ 30m2 trở lên… Đồng thời, khi xây dựng, chủ đầu tư trốn nộp thuế, các lệ phí kinh doanh… Do đó, đa số chung cư mini hiện nay đều không đáp ứng đủ các điều kiện để được cấp GCN. Như tại quận Thanh Xuân, hầu hết các khu nhà chung cư mini đều không có phê duyệt mặt bằng, không có giấy phép xây dựng.
Nhiều người cho rằng, việc chung cư mini xây dựng một cách “tự phát” có phần nguyên do từ việc các qui định về quản lý loại nhà ở này lạc hậu, phần lớn ra đời sau khi chung cư mini được xây dựng. Dẫn đến, các thủ tục, các khâu thẩm định, qui định về an toàn, chất lượng công trình… không được đảm bảo. Về phía người mua, hầu hết khi lập hợp đồng mua bán, họ chỉ cam kết về việc bên bán sẽ chịu trách nhiệm làm GCN, mà “quên” yêu cầu chủ đầu tư cam kết phải bồi thường nếu “sổ đỏ” không được giao đúng hạn, hoặc không thể làm được GCN thì xử lý thế nào. Không cam kết trong hợp đồng, khi tranh chấp xảy ra, người mua sẽ chịu thiệt!Hiện, Hà Nội đã cấp được 1.066.058 GCN quyền sử dụng đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất, và còn 125.000 trường hợp sử dụng đất còn tồn đọng, khó khăn, vướng mắc chưa làm được GCN. Cụ thể, do nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, vi phạm Luật Đất đai (lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất trái thẩm quyền)… Ngoài ra, trong 370 dự án phát triển nhà ở với khoảng 590.000 căn hộ, nhà biệt thự, nhà liền kề thì theo thống kê sơ bộ cũng còn khoảng 200.000 trường hợp vướng mắc chưa được cấp GCN. Tình trạng này chủ yếu do lỗi của các chủ đầu tư như vi phạm về quy hoạch, thiết kế xây dựng nên phải chờ xử lý vi phạm xong mới cấp được GCN; chưa làm xong thủ tục về đất đai đã xây dựng và bán nhà ở nên không đủ căn cứ để cấp GCN; hoặc chậm trễ trong việc nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp GCN cho người mua nhà…Tại buổi làm việc mới đây với Bộ TN-MT về thực trạng cấp GCN trên địa bàn Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã đề nghị, với trường hợp các hộ dân chung cư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì có thể “tách” phần vi phạm của chủ đầu tư ra để cấp GCN cho người dân. Nhiều chủ căn hộ chung cư mini băn khoăn, liệu đề nghị này có là một “giải pháp tương tự” cho việc cấp GCN cho chung cư mini? Còn theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Sở TN-MT sẽ đánh giá thực tiễn việc cấp GCN cho chung cư mini để báo cáo TP tìm hướng xử lý phù hợp.