Bất cập trong chất lượng thể chế đất đai chính là "rừng” quy định không ngừng nở rộ, tạo gánh nặng và mất niềm tin cho người dân và doanh nghiệp. Chỉ tính việc có nhiều thông tin khác nhau về việc năm 2013, Nhà nước có thể sẽ chia lại ruộng đất hoặc người dân không được sản xuất trên mảnh đất đang sử dụng, cũng đủ khiến người dân hoang mang. Nhà hoạch định luôn lo mình còn thiếu luật điều chỉnh, trong khi thực tế lại khác...
Khi những quy định thừa quá thừa, thiếu quá thiếu
Quan hệ cung cầu về nhà ở tiếp tục mất cân đối

"Phong ba bão táp không bằng luật pháp đất đai”


Thủ tướng Chính phủ đã nhận định tại cuộc họp kết luận vụ Tiên Lãng chiều 10-2: "Nhiều vấn đề phát sinh trong quản lý và sử dụng đất đai chưa được điều chỉnh và xử lý kịp thời; khiếu kiện về đất đai chiếm trên 70% tổng số vụ khiếu kiện và có nhiều vụ việc kéo dài”...


Quả là nếu không hiểu luật ắt sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy, nhưng để nắm cho tường minh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới đất đai nước ta trong quãng 20 năm nay, e người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai cũng thấy... khó, phải viện tới không ít tham mưu. Nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên khi mới nhận chức Bộ trưởng không giấu rằng, hàng tuần, ông vẫn bố trí thời gian ít nhiều "học” về đất đai ở Tổng cục để điều hành chuyên nghiệp. Thế mới biết, "phong ba bão táp không bằng luật pháp đất đai”.


Mới đây trong một diễn đàn liên quan tới lĩnh vực này, tác giả Võ Ngọc Quý phát biểu: "Tôi là người có trình độ trên đại học mà đọc về Luật Đất đai và các văn bản dưới luật cũng không tài nào hiểu nổi được các khái niệm rối rắm, lằng nhằng thì thử hỏi với trình độ của đa số người dân, làm sao họ tiếp cận được? Khi đã không hiểu luật, ắt sẽ dẫn đến vi phạm pháp luật mà bản thân người đó có thể vô tình không biết được hoặc sẽ bị những người nắm luật lợi dụng. Kẽ hở này đã bị nhiều cán bộ Nhà nước lợi dụng để tham nhũng”.


Thẳng thắn nhìn nhận, Luật Đất đai có những quy định trái với Hiến pháp hiện hành, có thể đề nghị Quốc hội sửa ngay. Chẳng hạn, quy định về thời hạn, hạn điền có thể sửa được căn cứ theo điều 21 của Hiến pháp: "Kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân... không bị hạn chế về quy mô hoạt động trong những ngành, nghề có lợi cho quốc kế dân sinh. Kinh tế gia đình được khuyến khích phát triển”. Quyền thu hồi đất của Nhà nước cần được chỉnh sửa vì nó đang được để ở phạm vi quá rộng, trong khi Hiến pháp không quy định cơ chế thu hồi đất (mà chỉ có cơ chế trưng thu hoặc trưng mua...).


Cũng chính vì đất là một tài nguyên quý cần được bảo vệ và sử dụng hiệu quả, nghĩa vụ và quyền lợi của đối tượng được quyền sở hữu, sử dụng từng loại đất phải rõ ràng nên tại các hội thảo hội nghị, những ý kiến liên quan đến lĩnh vực này luôn "khó thống nhất”. Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, người phát ngôn của ban chỉ đạo sửa đổi Hiến pháp cho biết tại cuộc hội thảo diễn ra tại TP.HCM gần đây, có một số ý kiến đề nghị Hiến pháp thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai. Đại diện Đà Nẵng cũng cho hay thành phố này đã tổ chức nhiều hội thảo, lấy ý kiến về vấn đề này. Các ý kiến chia thành ba quan điểm. Một là giữ nguyên như hiện hành, hai là ghi nhận chế độ sở hữu tư nhân về đất đai. Quan điểm thứ ba cũng là quan điểm được nhiều người ủng hộ là đa dạng hóa sở hữu đất đai gồm sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân; Nhà nước ban hành các quy định điều chỉnh quyền sở hữu của các chủ thể này.


Khi tình trạng giá cả đất đai tăng chóng mặt và không bình thường


Quan hệ cung cầu về nhà ở tiếp tục mất cân đối khi thực tế nhà nhiều nhưng người dân không có tiền mua và nhà để trống trong khi người dân vẫn cứ thiếu chỗ ở. Vốn đầu tư của xã hội tập trung một cách mất cân đối vào khu vực bất động sản. Giảm quá nhiều diện tích đất nông nghiệp và đất trồng lúa đồng thời với việc nông dân mất ruộng và bỏ ruộng. Tranh chấp và khiếu kiện về đất đai bùng nổ. Một tầng lớp đại gia hình thành từ đầu cơ, kinh doanh bất động sản do trục lợi từ cơ chế chính sách, góp phần làm rộng hơn khoảng cách giàu nghèo... Hàng loạt câu hỏi được đặt ra cần được trả lời thấu đáo nhưng thực tế không dễ có câu trả lời.


Đó là tại sao cùng sử dụng đất nông nghiệp nhưng chỉ có hộ nông dân bị hạn điền khi giao đất và khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, còn tổ chức thì không? Tại sao đất đai cho nhà đầu tư thuê để xây dựng khu công nghiệp hay sân golf, đến khi Nhà nước cần để xây dựng đường sá thì phải thương lượng mua lại quyền sử dụng đất của chủ đầu tư theo giá thị trường, còn đối với nông dân thì lại "thu hồi đất nông nghiệp” của họ và áp đặt "giá đền bù” sát giá thị trường mà không phải là mua theo giá thị trường? Các doanh nghiệp cũng chỉ cần lập dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, nếu xét thấy khả thi, Nhà nước có thể cho họ thuê, giao quyền sử dụng đất với diện tích hàng ngàn hecta. Liệu đó có phải là điều phi lý? Văn bản dưới Luật không ngừng điều chỉnh mà khiếu kiện không giảm bao nhiêu.


" Một cặp vợ chồng được tính là 1 hộ gia đình thì chỉ được nhận chuyển quyền sử dụng đất tối đa 2 ha ở đồng bằng sông Hồng nhưng nếu họ lập công ty TNHH thì không bị hạn điền 2 ha mà có thể có cả trăm, cả ngàn hecta trong trường hợp dự án đầu tư của họ được cấp có thẩm quyền phê duyệt”, vậy có công bằng? Biết bao người dân, doanh nghiệp qua bao lần tham gia giao lưu trực tuyến với Bộ TN&MT nhưng những tồn đọng khiếu kiện đất đai cứ triền miên. Những ngày tiếp dân cuối tháng ở Bộ TN&MT số lượng người đến "thưa kiện” đông như trảy hội. Đã có người đùa rằng những nỗ lực to lớn của cơ quan hoạch định chính sách pháp luật liên quan tới đất, thể hiện bằng hàng trăm văn bản nghị định, quyết định, hướng dẫn... khéo không phải là công mà hoá "tội”, vì ban hành nhiều thế không thể chỉ trách cán bộ, người dân không "nắm luật”.
Theo ĐĐK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.