Dù kết quả thu hút vốn đầu tư vào các khu chế xuất và các khu công nghiệp (KCX-KCN) TPHCM trong năm 2011 được đánh giá là rất cao, nhưng các công ty phát triển hạ tầng vẫn cho rằng họ gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư, nhất là cạnh tranh với các tỉnh lân cận.

Theo báo cáo tình hình thu hút đầu tư vào các KCX-KCN năm 2011, được công bố chiều ngày 29-12, ông Lâm Văn Tiếp, Phó Ban quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza), cho biết trong năm nay, các KCX-KCN có 118 dự án được cấp mới và điều chỉnh, thu hút hơn 1,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 90% so với kết quả năm ngoái. Trong đó, đáng kể nhất là vốn đầu tư nước ngoài thu hút được hơn 1,23 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 408% so với cùng kỳ năm 2010.


Tuy nhiên, nếu không tính dự án sản xuất pin năng lượng mặt trời hơn 1 tỉ đô la Mỹ tại KCN Đông Nam (mà nhà đầu tư này gần đây công bố sẽ dừng triển khai dự án cho đến khi có những tín hiệu hỗ trợ về nguồn cung-cầu trên thị trường thế giới) thì tổng vốn đầu tư FDI vào khu vực này chỉ đạt gần 232 triệu đô la Mỹ, giảm 4,56% so với cùng kỳ năm ngoái.


Bên cạnh việc tăng trưởng mang tính đột biến chỉ dựa vào một dự án có quy mô vốn lớn nói trên, theo các công ty phát triển hạ tầng KCX-KCN TPHCM, hiện nay việc thu hút đầu tư của họ rất khó khăn, đặc biệt là khó cạnh tranh với các tỉnh lận cận về giá đất cho thuê cũng như thiếu nguồn nhân công.


Tại buổi tổng kết trên, đại diện một số công ty phát triển hạ tầng cho biết, quy định về việc đền bù giải tỏa phát triển hạ tầng KCX-KCN ở TPHCM theo giá thị trường dẫn đến giá đất cho thuê lại đối với các nhà đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất rất cao, không thể cạnh tranh.


Ông Đoàn Hồng Tâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần KCN Hiệp Phước, cho biết công ty đang có nguy cơ mất một nhà đầu tư lớn. Nhà đầu tư này đã 3 lần làm việc với KCN Hiệp Phước và muốn thuê 12 héc ta đất tại đây, giờ đang so sánh giá đất cho thuê với một khu công nghiệp lớn khác ở Bình Dương với giá cho thuê dưới một nửa giá của KCN Hiệp Phước.


Các công ty phát triển hạ tầng cũng cho rằng tình hình thu hút đầu tư nước ngoài gặp khó nhưng thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước của thành phố cũng không được chú ý. Nhiều doanh nghiệp đã di dời đến các tỉnh thành để đầu tư, nhằm tận dũng tiền thuê đất rẻ và chi phí lao động thấp hơn. Cụ thể trong năm nay các KCX-KCN TPHCM chỉ thu hút được hơn 5.006 tỉ đồng (khoảng 263,5 triệu đô la Mỹ), giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.


Theo các công ty phát triển hạ tầng, bên cạnh ảnh hưởng chung của suy giảm kinh tế thế giới, đầu tư vào các KCN hiện không còn được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (trừ các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án công nghệ cao), khiến nguồn vốn đổ vào các KCN giảm.


Những vấn đề về lạm phát tăng cao, hạ tầng còn yếu kém, nguồn lao động có tay nghề ngày càng thiếu…cũng đang là những tồn tại trong thu hút đầu tư. Các doanh nghiệp kiến nghị cần cải thiện hơn nữa để thu hút đầu tư trong tình hình thành phố còn có hơn 3.000 héc ta đất quy hoạch phát triển KCN.


Tính đến nay tại các KCX-KCN TPHCM có 1.222 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 6,941 tỉ đô la Mỹ. Trong số này có 1.039 dự án đang hoạt động; 26 dự án đang xây dựng; 69 dự án đang triển khai và 88 dự án ngưng hoạt động giải thể.
Theo Quốc Hùng (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.