26/03/2013 9:01 PM
Các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế (KCN, KCX, KKT) đóng vai trò quan trọng trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam 25 năm qua và đang cần phải tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, cơ sở hạ tầng để chuẩn bị đón làn sóng FDI mới.

Đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế

Tính đến cuối tháng 9/2012, các KCN, KCX đã thu hút được 4.300 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 64,8 tỷ USD, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 32,7 tỷ USD. Hằng năm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các KCN, KCX chiếm 40-45% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước, trong đó các dự án FDI về sản xuất công nghiệp trong KCN, KCX chiếm gần 80% tổng vốn FDI vào ngành công nghiệp cả nước.

Việc thu hút vốn đầu tư vào KKT ven biển bước đầu đạt những kết quả khả quan với 144 dự án FDI, có tổng vốn đầu tư đăng ký 38,4 tỷ USD, trong đó có một số dự án lớn và quan trọng như Nhà máy lọc dầu số 2 (KKT Nghi Sơn), Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương (KKT Vũng Áng), Nhà máy Cơ khí nặng Doosan (KKT Dung Quất), Nhà máy sản xuất động cơ ô tô Hyundai Trường Hải (KKT Chu Lai).

Đầu tư phát triển hạ tầng KCN, KKT đã góp phần hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng trên cả nước. Các nhà đầu tư đã thực hiện được 4,5 tỷ USD trên tổng số 10 tỷ USD đăng ký tại 283 KCN trên cả nước. Phần lớn các KCN do nhà đầu tư nước ngoài làm chủ đầu tư đều cơ bản hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng và đi vào hoạt động.

Khu vực doanh nghiệp FDI trong các KCN, KCX đã có những đóng góp ngày càng lớn vào việc nâng cao giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp. Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp này trong KCN, KKT tăng đều qua các năm với tốc độ tăng bình quân cao hơn tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân của cả nước, chiếm 25-30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong những năm gần đây.

5 hạn chế

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, KCN, KKT vẫn còn một số hạn chế nhất định về môi trường đầu tư kinh doanh, thể chế chính sách, tổ chức bộ máy còn chưa hoàn thiện, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu...

Thứ nhất, các địa phương và chủ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN mới chỉ ưu tiên "lấp đầy" KCN, chưa thực sự chú trọng tới cơ cấu ngành nghề, công nghệ, yếu tố môi trường của các dự án đầu tư. Tính liên kết ngành của các doanh nghiệp, công nghiệp phụ trợ trong các KCN, KKT còn yếu.

Thứ hai, chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia vào KCN, KCX chưa được xây dựng đồng bộ, thống nhất với định hướng thu hút các ngành nghề, lĩnh vực đầu tư ưu tiên gắn với lợi thế so sánh và điều kiện phát triển thực tế của các địa phương. Các chương trình xúc tiến đầu tư do địa phương thực hiện còn mang tính cục bộ, chưa đạt hiệu quả cao, chưa thu hút được các dự án đầu tư có ngành nghề, hàm lượng công nghệ phù hợp với lợi thế phát triển; sự thống nhất, đồng bộ trong các chương trình, kế hoạch xúc tiến đầu tư giữa các cơ quan Trung ương và địa phương còn hạn chế.

Thứ ba, vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng còn gặp khó khăn, vướng mắc do các quy định của pháp luật liên quan tới công tác đền bù, giải phóng mặt bằng hay thay đổi, chưa phản ánh sát với điều kiện thực tế dẫn đến tình trạng chi phí bồi thường, giá thuê đất tăng cao, làm giảm sức hấp dẫn đầu tư vào các KCN, KKT, giảm tính cạnh tranh quốc gia của KCN. Hệ thống kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào của một số KCN, KCX và hạ tầng KKT còn chưa được đầu tư, xây dựng một cách đồng bộ.

Thứ tư, vấn đề bảo vệ môi trường KCN tuy đã được cải thiện, song vẫn còn một số KCN, doanh nghiệp KCN chưa tuân thủ nghiêm túc pháp luật về môi trường. Nhiều doanh nghiệp vẫn đặt lợi ích kinh tế lên trên trách nhiệm bảo vệ môi trường; công tác phối hợp kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường KCN của các cơ quan Nhà nước chưa thật chặt chẽ; công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý còn hạn chế, thiếu chế tài xử phạt có tính răn đe.

Các địa phương và nhà đầu tư hiện nay vẫn chưa chú ý đúng mức đến việc đầu tư xây dựng nhà ở và các công trình phúc lợi xã hội khác cho người lao động (cơ sở khám chữa bệnh, nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, khu vui chơi giải trí...). Thu nhập, đời sống của người lao động còn chưa ổn định. Mâu thuẫn về lương, phụ cấp thêm giờ, bảo hiểm xã hội, hợp đồng lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động còn tồn tại nên số lượng các vụ đình công tại các KCN, KCX vẫn diễn ra. Năng lực của các tổ chức công đoàn cơ sở trong thương lượng tập thể còn hạn chế, do thiếu hiểu biết về luật pháp, thiếu kiến thức và kỹ năng đàm phán.

Thứ năm, việc phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý KCN, KKT trong một số lĩnh vực còn chưa được thực hiện đầy đủ, nhất quán trên cả nước do có sự không thống nhất với các quy định của pháp luật chuyên ngành, chưa được các bộ, ngành hướng dẫn cụ thể hoặc chủ trương phân cấp, ủy quyền chưa được địa phương quán triệt và thực hiện, đặc biệt là lĩnh vực thanh tra, môi trường, lao động.

Chính sách ưu đãi đối với các KCN hay thay đổi, thiếu ổn định, mức ưu đãi đối với dự án đầu tư vào KCN còn nhiều điểm chưa hợp lý, chưa thực sự hấp dẫn đầu tư một cách lâu dài, ổn định.

Quản lý theo hướng một cửa - một đầu mối

Theo đó, việc xây dựng, triển khai quy hoạch KCN, KKT phải gắn với thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư, quy hoạch nhà ở và các quy hoạch ngành khác.

Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN đồng bộ với các tiện nghi, tiện ích công cộng phục vụ cho KCN; gắn kết cấu hạ tầng trong hàng rào với ngoài hàng rào KCN. Đa dạng các nguồn vốn để đầu tư xây dựng nhà ở và các công trình tiện nghi, tiện ích phục vụ đời sống người lao động tại KCN.

Đối với các KKT, trong thời gian tới cần có cơ chế huy động tổng hợp các nguồn vốn (ODA, FDI, Ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ) và nhiều hình thức đầu tư (đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp, BT, BOT, PPP…) để tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, quan trọng trong các KKT nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư. Tăng cường tính chủ động của địa phương trong việc huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng KKT.

Ban quản lý các KCN, KKT cần tập trung ưu tiên thu hút các ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, các ngành nghề xác định là mũi nhọn phát triển và có lợi thế của Việt Nam và phù hợp với chương trình tái cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư của đất nước. Tăng cường tính liên kết ngành trong phát triển KCN, KKT; hình thành các KCN liên kết ngành nhằm tăng lợi thế cạnh tranh của KCN và nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN, dần hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ, đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Đồng thời, cần kiểm soát chặt chẽ vấn đề môi trường, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Cụ thể là tăng cường giám sát, thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường trong các KCN, KKT gắn với việc xử lý vi phạm một cách kiên quyết, dứt điểm. Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm cải thiện điều kiện lao động, hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần của người lao động trong KCN, KKT phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước.

Cơ chế chính sách hiện hành về KCN, KKT cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền từ Trung ương tới địa phương, gắn chặt với cơ chế phân công trách nhiệm và phối hợp rõ ràng, minh bạch giữa các cơ quan Trung ương và địa phương.

Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước ở cấp Trung ương và địa phương đảm bảo đủ thẩm quyền và nguồn lực để quản lý các KCN, KKT theo hướng một cửa, một đầu mối và tương xứng với vai trò vị trí ngày càng quan trọng của các KCN, KKT trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Vũ Đại Thắng
Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ KHĐT

Chinhphu.vn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.