05/02/2012 2:53 PM
Vài ngày trước cuộc họp của Thủ tướng với các bộ, ngành, UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) đã đăng bài viết trên cổng thông tin điện tử huyện giải thích chủ trương, lý do giao và thu hồi đất đối với ông Đoàn Văn Vươn.

Theo UBND huyện Tiên Lãng, do có điều kiện địa lý tự nhiên tiếp giáp sông, biển, phù sa bồi tụ khu vực cửa sông và ven biển, hàng năm lấn ra biển hàng trăm mét, để quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ đất mới được bồi tụ, ngày 6/10/1993 UBND huyện Tiên Lãng đã ban hành hành Quy định số 497 quy định về quản lý và sử dụng mặt đất, mặt nước vùng bãi bồi ven sông, ven biển trên địa bàn.


Ngày 22/10/1993, Bộ trưởng Thuỷ sản ban hành Quyết định 750 về việc phê duyệt dự án đầu tư khai thác vùng bãi bồi ven biển phát triển nuôi trồng thủy sản huyện Tiên Lãng. Từ năm 1993 đến năm 2000, huyện đã đưa 1.431 ha đất bãi bồi ven sông, ven biển sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản, trong đó huyện giao cho 56 hộ gia đình, cá nhân với diện tích 515 ha. Ông Đoàn Văn Vươn được giao 21 ha, sau đó được giao bổ sung 19,3 ha, thời hạn giao 14 năm, từ tháng 10/1993. Khi hết hạn, UBND huyện thu hồi đất để giao cho UBND xã Vinh Quang quản lý cho thuê theo quy định của Luật đất đai năm 2003.


Giải thích việc giao đất chỉ với thời hạn 14 năm, dẫn Luật Đất đai năm 1987 (công bố ngày 8/1/1988), Nghị định 30 ngày 23/3/1989 của Hội đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ) và Thông tư 05 ngày 18/12/1991 của Liên bộ Bộ Thuỷ sản và Tổng cục Quản lý đất đai, UBND huyện Tiên Lãng đã ban hành Quyết định số 447 ngày 4/10/1993 giao đất chưa sử dụng cho ông Đoàn Văn Vươn sử dụng thời hạn 14 năm với diện tích là 21 ha.


Theo UBND huyện Tiên Lãng, ngay từ khi được giao đất, ông Đoàn Văn Vươn đã lấn chiếm thêm 19,3 ha, đến năm 1997 UBND huyện kiểm tra và phát hiện ông Vươn lấn chiếm đã xử lý phạt vi phạm hành chính. Theo đề nghị của ông Vươn, UBND huyện đã giao tiếp 19,3 ha, thời gian giao đất tính từ ngày giao diện tích 21 ha là 4/10/1993.


UBND huyện Tiên Lãng khẳng định theo Luật đất đai năm 1987 và các nghị định, thông tư nêu trên thì người được giao đất chỉ phải nộp thuế theo quy định, khi hết thời hạn giao đất phải bàn giao lại toàn bộ mặt bằng và các công trình phục vụ sản xuất, vật kiến trúc xây dựng trong phạm vi đất được giao, nhà nước (UBND huyện) không tính toán giá trị tài sản còn lại cho chủ sử dụng đất.


Huyện Tiên Lãng trần tình về quyết định thu hồi đất
Căn nhà của ông Đoàn Văn Vươn trước khi bị phá bỏ. Ảnh: Pháp luật TP HCM.

Giải thích lý do không giao đất theo Nghị định 64 với thời hạn 20 năm, UBND huyện Tiên Lãng khẳng định đất giao cho các hộ sử dụng là diện tích nằm ngoài đê quốc gia, chưa ổn định, chưa sử dụng, đang thực hiện dự án Vinh Quang 2 do UBND huyện quản lý. Mặt khác theo Luật đất đai năm 1987, UBND huyện giao đất chưa sử dụng cho tổ chức, cá nhân sử dụng có thời hạn hoặc tạm thời để sản xuất nông nghiệp. Và trong thời kỳ thực hiện dự án được Bộ Thuỷ sản phê duyệt tại Quyết định số 750 ngày 22/10/1993, diện tích giao cho ông Vươn nằm trong tiểu vùng II rộng 200 ha là đất bãi triều trống, còn hoang hoá, cần đầu tư hạ tầng để đưa vào sử dụng.


Ông Đoàn Văn Vươn không được giao đất theo nghị định 64 trên địa bàn xã Vinh Quang, do đã được địa phương nơi cư trú giao ổn định 20 năm (UBND xã Bắc Hưng giao cho hộ gia đình ông Vươn 7 khẩu, diện tích 2.940 m2).


Giải thích về quyết định thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, UBND huyện căn cứ Nghị định 30 ngày 23/3/1989 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 1987 quy định người được giao đất có mặt nước để quai đê lấn biển, nuôi trồng thuỷ sản thì thời gian đưa đất vào sử dụng được kéo dài thêm 6 tháng so với quy định tại khoản 5 Điều 14 Luật Đất đai, huyện đã để dài thêm đến 18 tháng kể từ khi đến hạn phải giao trả, nhưng ông Đoàn Văn Vươn không bàn giao mà tiếp tục sử dụng 40,3 ha trong gần 4 năm qua không nộp bất cứ khoản nào cho Nhà nước. Đến nay ông Đoàn Văn Vươn không chịu nộp số tiền thuế sử dụng đất nông nghiệp là 10.035.000 đồng.


Khi hết hạn giao đất, UBND huyện Tiên Lãng yêu cầu ông Đoàn Văn Vươn giao trả lại để thực hiện cho thuê theo Luật Đất đai năm 2003. Việc thu hồi đất đã giao cho ông Đoàn Văn Vươn căn cứ vào quy định Luật Đất đai năm 2003, Nghị định 181/2004/NĐ-CP giao cho UBND xã Vinh Quang quản lý quỹ đất này để cho thuê theo quy định.


Ông Đoàn Văn Vươn không chấp hành việc thu hồi đất giao đã hết thời hạn, khởi kiện ra TAND về quyết định thu hồi của UBND huyện. TAND cấp sơ thẩm đã xét xử, bác đơn khởi kiện của ông Vươn. Sau đó ông Vươn kháng cáo lên Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng, tòa đã quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, ông Vươn xin rút toàn bộ yêu cầu kháng cáo, TAND thành phố quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm và tuyên bản án của TAND huyện Tiên Lãng có hiệu lực pháp luật.


Căn cứ vào phán quyết đó, UBND huyện Tiên Lãng đã nhiều lần làm việc với ông Vươn để bàn việc cho thuê đất, nhưng ông Vươn kiên quyết đòi phải được giao lại đất. Để đảm bảo kỷ cương, thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai, sau khi báo cáo các cơ quan có thẩm quyền thành phố, sau nhiều lần đối thoại (8 lần thông báo và làm việc trực tiếp), UBND huyện Tiên Lãng đã tiến hành cưỡng chế thu hồi đất đã giao cho ông Đoàn Văn Vươn.


Giải thích lý do thu hồi đất không bồi thường, UBND huyện Tiên Lãng dẫn Điều 43 Luật Đất đai năm 2003 không bồi thường về đất; Điều 43 Luật Đất đai năm 2003 không bồi thường về tài sản gắn liền với đất và quyết định số 447 ngày 04/10/1993 của UBND huyện Tiên Lãng đã quy định rõ khi hết thời hạn giao đất chủ sử dụng đất phải bàn giao lại toàn bộ mặt bằng và các công trình phục vụ sản xuất, vật kiến trúc xây dựng trong phạm vi đất được giao, nhà nước (UBND huyện) không tính toán giá trị tài sản còn lại cho chủ sử dụng đất.


Luận bàn về công bằng xã hội trong quyết định giao và cưỡng chế đất đối với hộ ông Đoàn Văn Vươn, UBND huyện Tiên Lãng cho rằng Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng cho dự án lấn biển, đắp đê bao, làm đường công vụ, trồng rừng phòng hộ. Các chủ vùng tham gia bằng việc khoanh bờ, tạo ao, khai thác, thu lợi, trong khi những hộ dân thuê đất phải trả tiền thuê cao hơn chục lần số tiền thuế sử dụng đất nông nghiệp phải nộp của người được giao đất.


"Thật không công bằng, trong khi người dân Vinh Quang như ông Nham, ông Bìa, không được giao đất lại phải thuê lại của ông Vươn xã Bắc Hưng với mức giá cao trên 20 lần tiền thuế sử dụng đất nông nghiệp tính cho mỗi ha", bài viết có đoạn.


UBND huyện khẳng định việc giao đất nuôi trồng thủy sản với diện tích lớn ở thời điểm hiện nay không phù hợp với Luật Đất đai năm 2003; phải chuyển từ hình thức giao đất sang cho thuê đất để sử dụng đất có hiệu quả và đảm bảo công bằng xã hội.

Theo Xuân Hoa (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.