16/11/2012 3:06 PM
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là người cuối cùng trong số 5 thành viên Chính phủ đăng đàn lần này. Trong khoảng 2 giờ đồng hồ, Thủ tướng đã làm rõ thêm một số vấn đề về điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2012 và nêu hướng tháo gỡ các nút thắt lớn của nền kinh tế hiện nay.

Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là người cuối cùng trong số 5 thành viên Chính phủ đăng đàn lần này. Trong khoảng 2 giờ đồng hồ, Thủ tướng đã làm rõ thêm một số vấn đề về điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2012 và nêu hướng tháo gỡ các nút thắt lớn của nền kinh tế hiện nay.

Trong phần trình bày của Thủ tướng có nhiều điểm mới, trong đó tập trung vào các định hướng điều hành trong những tháng cuối năm, năm 2013 cũng như các giải pháp cụ thể để tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng. Trong bối cảnh trong nước và quốc tế nhiều khó khăn, Chính phủ xác định sẽ kiên trì các giải pháp đúng và đã chứng tỏ được hiệu quả để ổn định kinh tế - xã hội những tháng cuối năm, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu đề ra.

Giảm tồn kho bằng tăng tổng cầu

Bước sang năm 2013, Chính phủ đặt nhiều ưu tiên vào việc xử lý hàng tồn kho, xử lý nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy sản xuất. Để giải quyết tồn kho, cơ quan điều hành sẽ có giải pháp tăng nhanh tổng cầu của nền kinh tế, mở rộng tín dụng cho sản xuất và tiêu dùng, tăng dư nợ tín dụng của nền kinh tế, đồng thời giải ngân mạnh các công trình đầu tư từ ngân sách.

Chính phủ khẳng định sẽ điều chỉnh lương tối thiểu từ 1,05 lên 1,15 triệu đồng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp tương ứng từ 1/7/2013. Đồng thời, sẽ có giải pháp giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, giảm chi phí sản xuất thông qua hạ lãi suất, thực hiện các giải pháp thuế - phí nhằm nuôi dưỡng nguồn thu, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chống buôn lậu… Để đảm bảo ngân sách chi tiêu, Chính phủ sẽ quy định chặt chẽ hơn việc tiết kiệm trong năm 2013.

Không dùng ngân sách để trả nợ xấu

Về xử lý nợ xấu, Thủ tướng cho biết sẽ yêu cầu cơ quan chức năng rà soát đánh giá lại chính xác tổng mức, phân loại các khoản nợ xấu (theo loại hình doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và theo các loại tài sản bảo đảm, nợ xấu trong bất động sản, nợ xây dựng cơ bản...). Các tổ chức tín dụng sẽ phải chủ động cơ cấu lại nợ từ nguồn dự phòng rủi ro, đồng thời cùng doanh nghiệp khẩn trương xử lý tài sản bảo đảm để thanh lý nợ xấu.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định trong quá trình xử lý nợ xấu không thể thiếu vai trò của Nhà nước, nhưng kiên quyết không dùng ngân sách để xử lý nợ cho các tổ chức tín dụng. Ông cũng cam kết với các giải pháp đồng bộ, sẽ phấn đấu đưa mức nợ xấu về khoảng 3-4% vào cuối năm 2015.

Cấp tín dụng cho người có nhu cầu nhà ở thật

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Chính phủ xác định đây là loại hàng tồn kho đặc biệt, liên quan trực tiếp và đang chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số nợ xấu. Để giải quyết, Chính phủ cho biết sẽ mở rộng tín dụng cho vay mua nhà, khuyến khích các ngân hàng liên kết với chủ dự án để cung cấp tín dụng dài hạn cho người có nhu cầu mua nhà để ở. Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố cũng sẽ tìm nguồn vốn phù hợp để mua lại các khu nhà làm nhà tái định cư, nhà ở xã hội, ký túc xá... như TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng sẽ rà soát các dự án đã giao để xác định các công trình phải tạm dừng hoặc phải điều chỉnh. Cho phép phân nhỏ các căn hộ phù hợp với quy hoạch, khuyến khích hạ giá bán để đáp ứng nhu cầu và khả năng thanh toán của nhiều đối tượng dân cư. Cùng với đó, cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào nhu cầu văn phòng làm việc, căn hộ cho thuê, nghiên cứu điều chỉnh chính sách bán nhà cho người nước ngoài có dự án đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước về thị trường bất động sản.

Cơ cấu lại nền kinh tế

Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, sẽ được thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước. Trong đó, Chính phủ đã tập trung triển khai 3 lĩnh vực: tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Lĩnh vực đầu tiên là tái cơ cấu đầu tư, sẽ từng bước điều chỉnh cơ cấu đầu tư công theo hướng giảm dần tỷ trọng và nâng cao hiệu quả; kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải. Hoàn thiện cơ chế nhằm tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn giám sát trong việc bảo đảm chất lượng và tiến độ công trình, xử lý nghiêm các vi phạm. Tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA làm cơ sở cho việc vận động tài trợ; chỉ đạo sửa đổi cơ chế đầu tư theo các hình thức BT, BOT, PPP và các chính sách phí, thuế, giải phóng mặt bằng…

Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cùng với việc chấm dứt thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế, Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, đánh giá lại các tập đoàn, yêu cầu các tập đoàn thực hiện thoái vốn trong các ngành nghề không phải là ngành nghề kinh doanh chính. Khẩn trương phê duyệt đề án tái cơ cấu của từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Theo Phan Thanh (TG&VN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.