Theo nguồn tin nhân dân, hệ thống lò hơi này được nhập khẩu từ Trung Quốc về và đã được lắp đặt trái phép tại khu nhà xưởng của ông Phạm Bình
Ai đang “chống lưng” cho những vi phạm!
Ngày 2/8/2016, Báo Xây dựng đã đăng bài “Hoài Đức (Hà Nội): Hàng loạt công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp” phản ánh về tình trạng hàng chục nhà xưởng, trụ sở công ty được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Cát Quế (Hoài Đức, Hà Nội). Việc để những công trình trái phép này “ung dung” tồn tại nhiều năm liền không bị xử lý, khiến dư luận địa phương đang đặt câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Trực tiếp tìm hiểu tại địa phương, phóng viên được biết, hiện tại khu 7 có hàng chục nhà xưởng, cơ sở sản xuất, trụ sở công ty xây dựng kiên cố trên đất nông nghiệp, hành lang đê điều. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất này đều trực tiếp xả thải ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường một cách trầm trọng.
Cũng theo tìm hiểu, trong số mấy chục nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, từ đầu năm 2016 đến nay xã Cát Quế đã phát sinh thêm 4 trường hợp. Cụ thể đó là các trường hợp của ông Nguyễn Như Thịnh, Trần Hữu Tuấn, Nguyễn Thị Thủy, Phạm Bình, các trường hợp này đều tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải trồng lúa sang đất phi nông nghiệp (xây dựng làm chuồng trại, xưởng sản xuất và công trình xây dựng). Năm 2015, xã Cát Quế để phát sinh thêm 2 trường hợp vi phạm sử dụng đất là hộ ông Nguyễn Trọng Năng, Nguyễn Văn Bình.
Đặc biệt hiện nay, có trường hợp của ông Phạm Bình, sinh năm 1976 tại khu 6 xã Cát Quế đang cho xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp với diện tích nhà xưởng lớn. Bên cạnh đó, một số thông tin cho biết tại khu vực nhà xưởng của ông Bình còn cho lắp đặt hệ thống lò hơi được nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng chưa được thẩm duyệt.
Được biết, trước đó, ngày 29/7/2016, UBND xã Cát Quế đã lập biên bản số 18/BB-VPHC về việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với gia đình ông Phạm Bình. Ngày 30/7/2016, UBND xã Cát Quế đã ra Quyết định số 146/QĐ-XPHC về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai. Quyết định nêu rõ, ông Phạm Bình đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp. Cụ thể: Đào đất, đổ cát, san nền, dựng lán xưởng trên diện tích đất nông nghiệp không phải trồng lúa thuộc khu chân đê, xã Cát Quế. Diện tích vi phạm là 527 m2. Mức tiền xử phạt là 1,5 triệu đồng và buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội liệu có biết những vi phạm này?
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Quế cho rằng: Vi phạm về đất đai tại xã Cát Quế đã diễn ra nhiều năm và có nhiều trường hợp từ lịch sử để lại, năm 2016 đã phát sinh 4 trường hợp mới. Trường hợp hộ ông Phạm Bình trước kia đã vi phạm, mới đây lại phát sinh thêm sai phạm vì làm to hơn, mở rộng thêm ra…Còn hệ thống lò hơi thì phía ủy ban xã cũng chưa nắm bắt được, cũng chỉ nghe thông tin như một số xã lân cận có lắp hệ thống lò hơi này được nhập khẩu từ Trung Quốc về. Còn việc lắp đặt là trái phép, bởi ngay việc xây dựng cũng trái phép trên đất nông nghiệp.
Nhiều khu nhà xưởng được “mọc” lên trái phép tại xã Cát Quế nhiều năm mà không hề bị xử lý.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, mực dù công trình của hộ ông Phạm Bình đã được lập biên bản, ra các Quyết định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, báo chí cũng đã lên tiếng phản ánh. Tuy nhiên, sáng ngày 9/8/2016 công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp của hộ ông Phạm Bình vẫn được tổ chức thi công rầm rộ.
Cũng trong buổi làm việc sáng nay, ông Trần Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Quế cho biết: Xã cũng chỉ có thể thiết lập các hồ sơ vi phạm, ban hành Quyết định về xử phạt hành chính, còn hiện nay cũng không thể có biện pháp gì để ngăn chặn, tới đây cũng sẽ ban hành các quyết định cưỡng chế.
Việc để phát sinh nhiều công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Cát Quế đã phát sinh nhiều hệ lụy, trong đó ảnh hưởng nhất là việc ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Bên cạnh đó, tại các khu nhà xưởng, các cơ sở sản xuất mọc lên “trái phép” còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động, an toàn thực phẩm, nhất là hệ thống các lò hơi được lắp đặt trái phép tại đây.
Qua đây đề nghị các cơ quan có thẩm quyền của thành phố Hà Nội vào cuộc, kiểm tra làm rõ những vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng cũng như những hệ thống lò hơi, nhà xưởng được lắp đặt trái phép tại khu vực này.
-
Cao ốc sai phép ngay mặt đường cơ quan chức năng không phát hiện ra, Bộ Xây dựng nói gì?
Tại phiên chất vấn Quốc hội chiều 3/11, Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) đề cập tình trạng người dân sửa nhà trong ngõ sâu thanh tra xây dựng nắm được, trong khi công trình cao ốc ngay mặt đường sai phép, cơ quan chức năng lại không phát hiện ra....
-
Sở Xây dựng Bình Dương cảnh báo phạt thẳng tay chủ đầu tư “tái phạm”
Sở Xây dựng Bình Dương vừa gửi văn bản cảnh báo các chủ đầu tư các dự án, công trình xây dựng, Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương và UBND huyện, thị xã, thành phố về việc xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng....
-
Nâng mức tiền phạt trong xây dựng, Uỷ ban MTTQ nói gì?
Chiều 25.5, bà Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩn...