Không có việc làm, tiêu tiền đền bù không có kế hoạch, điều kiện sinh hoạt không đảm bảo là thực trạng đáng lo ngại tại khu tái định cư (TĐC) thuỷ điện Đồng Nai 3.

Trong khi đó, chính quyền địa phương vẫn bế tắc trước việc dân lòng hồ vào Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Tà Đùng ngày càng nhiều. Sở NNPTNT cho rằng, chủ đầu tư thuỷ điện Đồng Nai 3 phải nhận trách nhiệm đối với những hậu quả này, tiếp tục mở hầu bao, cùng chính quyền tìm cách giải quyết.


Nguy cơ sạt lở nhà tái định cư. Ảnh: trung kiên.

Lên khu TĐC... tiêu tiền

Tại khu tái định cư (TĐC) thuỷ điện Đồng Nai 3, ông Lục Vũ Trường Luyện - Thôn trưởng thôn 4 - cho biết: “Mặt bằng khu TĐC quá chật hẹp, xung quanh toàn là vực sâu, không có chỗ chăn thả gia súc. Bà con phải bán rẻ hoặc gửi hết trâu, bò, dê cho những người bám trụ lại dưới lòng hồ. Sau khi làng cũ bị ngập, một số gia súc bị chết đuối, một số được bà con đưa lên Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng.

Ở trên này, đã 3 tháng nay bà con không có việc gì để làm, mới có vài hộ được chia đất sản xuất, mỗi hộ 8 sào, nhưng đất quá xấu nên chưa biết trồng cây gì. Vườn nhà, theo quy định mỗi hộ được cấp tối thiểu 1.000m2, nhưng thực tế rất ít hộ được cấp đủ, phổ biến chỉ vài trăm mét vuông. Một trăm phần trăm diện tích vườn nhà đều bỏ hoang vì cũng quá dốc... Nước sinh hoạt thì lúc có, lúc không do hệ thống cấp nước rất chập chờn, xung quanh không có sông suối để bổ sung nguồn nước sinh hoạt cho dân”. Còn theo khảo sát mới đây của Sở NNPTNT, các hộ đều không gửi tiền đền bù ở ngân hàng mà để tại nhà cho dễ chi tiêu, trong khi hàng quán, các dịch vụ mở ra ngày càng nhiều. Không việc làm, tiêu tiền đền bù không có kế hoạch, không được tư vấn là nguy cơ rất đáng lo ngại đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở khu TĐC.

Bế tắc vụ 53 hộ vào rừng

Sau chuyến thị sát thực trạng TĐC thuỷ điện Đồng Nai 3, ông Nguyễn Văn Toàn - PGĐ Sở NNPTNT - cho biết: “Tại khu TĐC, phải khẩn trương giao đất đi kèm một chương trình khuyến nông, khuyến lâm đủ mạnh và đủ chiều sâu với cây trồng, vật nuôi phù hợp khí hậu, đất đai, tập quán của đồng bào. Hệ thống cấp nước khó đảm bảo về lâu dài, do vậy cần xây dựng hồ chứa gần khu TĐC để bổ trợ nguồn nước cho sản xuất và đời sống. Chủ đầu tư thuỷ điện Đồng Nai 3 phải mở hầu bao, bổ sung các hạng mục này vào dự án tái định canh, tái định cư”. Đối với khu tạm cư ở Tà Đùng, BQLDA thuỷ điện 6 phải có phương án cứu hộ khu vực lòng hồ, phối hợp hướng dẫn người dân bơi lội, đi lại trên lòng hồ nhằm tránh sự cố chết người như đã từng xảy ra”.

Tuy nhiên, vấn đề cấp bách nhất, nan giải nhất là giải quyết việc 53 hộ dân trong Khu BTTN Tà Đùng. Đến đầu tháng 11, nước hồ thuỷ điện đã phong tỏa các ngả đường dẫn vào khu tạm cư, trong khi đường tránh ngập quốc lộ 28 qua khu vực này khó thông tuyến trong năm 2011. Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão & Giảm nhẹ thiên tai đã cảnh báo việc 53 hộ dân đi lại bằng thuyền bè để thu hoạch cây trồng trong lòng hồ có thể dẫn đến chết người - đồng bào còn lạ kế sinh sống ở lòng hồ, dù từ lâu đã quen với ghềnh thác.

Ông Toàn cho rằng việc định canh định cư của một số gia đình trên rẫy cũ có thể ít phương hại đến Khu BTTN Tà Đùng, thậm chí nếu giao rừng cho đồng bào quản lý thì khả năng rừng sẽ được bảo vệ tốt. Việc tạm thời chấp nhận nguyện vọng định cư tại Khu BTTN Tà Đùng cũng là vấn đề nên thận trọng xem xét. “Nhưng cuối cùng, chủ đầu tư thuỷ điện Đồng Nai 3 phải nhận ra trách nhiệm của mình để tiếp tục thực hiện hạng mục di dân, tái định canh, tái định cư bền vững cho nhân dân” - ông Toàn nói.

Cafeland.vn - Theo Nguyễn Trung Kiên (LĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland