11/04/2013 4:09 PM
Sáng 11-4, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã tổ chức hội nghị giao lưu trực tuyến với với các quận, huyện, thị xã về công tác thu hồi đất với các dự án chậm triển khai trên địa bàn. Bên cạnh đó là đánh giá, chấn chỉnh lại thực trạng cho thuê đất trái thẩm quyền, vi phạm luật đất đai.

Dự án vi phạm nhiều nhưng quyết định thu hồi còn ít

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, các sở ngành và UBND các quận huyện, thị xã đã tổ chức các đoàn thanh kiểm tra việc sử dụng đất của các tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất trên địa bàn TP có dấu hiệu vi phạm như chậm bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; chưa đưa đất vào sử dụng sau 12 tháng kể từ ngày nhận, giao đất trên thực địa; tiến độ sử dụng đất chậm sau 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; không thực hiện nghĩa vụ tài chính; sử dụng sai mục đích cho thuê, chuyển nhượng trái pháp luật, để đất bị lấn chiếm…

Theo đó, từ 2009 đến quý I-2013, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã tiến hành thực hiện thanh kiểm tra 653 tổ chức. Kết quả, 39 dự án với tổng diện tích 425,2ha được nhà nước giao đất, cho thuê nhưng thực hiện chậm 24 tháng so với tiến độ trong dự án đầu tư được phê duyệt; 514 dự án có dấu hiệu vi phạm Luật đất đai; 482 dự án sử dụng đất sai mục đích, sử dụng đất không hiệu quả, cho thuê, chuyển nhượng trái pháp luật.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên Môi trường đã lập hồ sơ và trình UBND TP Hà Nội ban hành 43 Quyết định thu hồi đất với tổng diện tích 832,65 ha. Cụ thể, 17 quyết định đã thực hiện thu hồi xong với tổng diện tích thu hồi 818 ha và 26 quyết định đang thực hiện công tác bồi thường thu hồi đất. Trong đó, 3 dự án thu hồi được UBND TP giao cho UBND các quận, huyện xây dựng trường học, 2 quyết định được xây công trình công cộng, 2 dự án giao cho các Trung tâm phát triển quỹ đất…

Báo cáo tại hội nghị, là một trong những quận có nhiều dự án chậm triển khai, ông Trường Sơn – Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông nêu rõ: hiện trên địa bàn huyện có 55 dự án chậm triển khai, có 3 tổ chức cá nhân vi phạm luật đất đai. Quận đã kiến nghị thu hồi 11.417m2 đất của Công ty Bitis, quá 43 tháng dự án không triển khai. Bên cạnh đó Sở TNMT đã thanh tra và đồng ý với kiến nghị của quận thu hồi đất của Công ty xây dựng và VLXD Sunway để xây dựng trường học, mong UBND TP sớm xem xét, quyết định…. Ngoài ra, trên địa bàn quận cũng có 60 hộ cho thuê đất, có 2 trường hợp thị xã Hà Đông cho thuê đất (trước thời điểm hợp nhất với Hà Nội) trái pháp luật; quận đã đôn đốc và hủy các hợp đồng cho thuê đất.

Liên quan đến việc cho thuê đất trái pháp luật, lãnh đạo quận Hoàng Mai cũng thừa nhận, không cho các hộ dân, tổ chức cho thuê đất nhưng trên địa bàn một số phường cho DN thuê đất trái thẩm quyền, quận hiện đã chỉ đạo các phường thanh lý việc cho thuê đất.

132 dự án chậm triển khai trong GPMB

Riêng về các dự án chậm triển khai trong công tác GPMB, báo cáo tại hội nghị , Đại diện Ban chỉ đạo GPMB TP cho biết: Trong 3 tháng đầu năm 2013, các quận, huyện, thị xã liên ngành đã rà soát, tháo gỡ khó khăn và trình UBND TP xem xét, giải quyết vướng mắc ở một số dự án chậm tiến độ như: Dự án xây dựng trường trung cấp nghề công nghệ Tây An, Nhà máy nước xã Tân Lập… Tuy nhiên, theo báo cáo sơ bộ của các quận, huyện, đến thời điểm hiện nay nhìn chung các dự án chậm triển khai GPMB vẫn chưa có chuyển biến nhiều (chưa có dự án giải quyết dứt điểm, hoàn thành GPMB). Theo đó, trong 132 dự án chậm triển khai có 15 dự án vướng mắc nhưng được giải quyết đang tiếp tục triển khai; 40 dự án vướng về khiếu kiện, thắc mắc chính sách khác; 16 dự án thiếu vốn, tái định cư; 7 dự án vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết của UBND TP (các dự án này đang chờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, kết luận của Thanh tra Chính phủ); 47 dự án không, chưa triển do nhiều nguyên nhân khác nhau…

Theo đó, với các dự án chưa triển khai do chờ rà soát quy hoạch, Ban chỉ đạo GPMB TP đề nghị UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các sở, ngành có liên quan đề xuất giải pháp cụ thể. Đối với các dự án chưa triển khai được do quyết định thu hồi đất hết hiệu lực, đề nghị Sở TNMT tổ chức thanh tra, rà soát làm cơ sở xem xét điều chỉnh, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất. Đối với các dự án chủ đầu tư không liên hệ để triển khai tiếp, chưa có thông tin kiểm tra, đề nghị Sở TNMT tổ chức thanh tra, rà soát làm cơ sở xem xét điều chỉnh, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất.

Tăng cường phát hiện, kiên quyết xử lý các vi phạm Luật đất đai

Nhìn nhận về tình trạng trên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa cũng đã chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Nguyên nhân chủ yếu là các tổ chức không đủ năng lực thực hiện dự án hoặc có thay đổi phương án sản xuất kinh doanh mới. Một số tổ chức sử dụng đất là đối tượng điều chỉnh của chính sách kinh tế vĩ mô về tín dụng, nhiều tổ chức khó khăn về vốn để thực hiện các dự án theo tiến độ; thị trường bất động sản đóng băng, nhiều tổ chức kinh doanh bất động sản không huy động được vốn chưa thực hiện dự án theo tiến độ;

Đối với các doanh nghiệp nhà nước sau khi quyết định cổ phần hóa và thay đổi mô hình doanh nghiệp, một số tổ chức không thực hiện việc lập hồ sơ xin cấp đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định Luật đất đai; không nộp tiền thuê đất theo thông báo của Chi cục Thuế các quận, huyện…

Mặt khác, nguyên nhân cũng do Quy định số 105/2009/NĐ-CP ngày 11-11-2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai không rõ ràng, thiếu cụ thể gây khó khăn cho việc áp dụng để xử lý vi phạm; khung xử phạt các lỗi vi phạm về đất đai còn thấp, không có tác dụng răn đe, việc quy định thời hiệu xử phạt hành chính theo Nghị định còn nhiều bất cập, không rõ ràng, gây khó khăn trong việc xác định thời điểm vi phạm để xử phạt…

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh đánh giá trong thời gian qua, TP đã có bước tiến trong chỉ đạo, xử lý các vi phạm liên quan đến Luật Đất đai. Tuy nhiên, tình hình vi phạm về Luật đất đai vẫn còn diễn ra. Phó Chủ tịch chỉ đạo trong thời gian tới các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cần tập trung cao độ phát hiện các vi phạm. Tất cả các vi phạm cần xử lý kiên quyết theo quy định của luật. Bên cạnh đó phải tăng cường theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, giúp đỡ các chủ sử dụng đất thực hiện theo quy định. Trong thanh tra, kết luận, xử lý phải phân tích được nguyên nhân, tập trung tháo gỡ những khó khăn với doanh nghiệp, chủ sử dụng đất. Ví như với nơi đang chờ quy hoạch, chính quyền các địa phương phải giải thích rõ. Hiện Chính phủ có chủ trương giãn, hoãn một số dự án, các quận, huyện, thị cũng phải nắm rõ và thông tin kịp thời đến các đơn vị sử dụng đất.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch yêu cầu Sở TNMT sẽ tổng hợp lại kết quả xử lý các vi phạm, giúp TP thông tin đến các quận, huyện và các cấp thẩm quyền về kết quả này.
  • Lượng giao dịch căn hộ Tp.HCM tăng 25%

    Lượng giao dịch căn hộ Tp.HCM tăng 25%

    CafeLand - Theo báo cáo thị trường bất động sản Tp.HCM quý 1/2013 của Savills Việt Nam, số lượng giao dịch căn hộ trong quý 1/2013 đã có mức tăng ấn tượng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lan Hương (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.