22/01/2013 9:49 PM
Hà Nội sẽ ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng về đất đai, các trường hợp lấn chiếm đất công, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp xây dựng công trình trái phép…

Sáng 22/1, tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô đã diễn ra Hội nghị cán bộ chủ chốt TP Hà Nội học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu BCH TƯ Đảng (Khóa XI).

Tại Hội nghị, Chương trình hành động của Đảng Bộ Hà Nội thực hiện theo Nghị quyết Trung ương 6 (khoá XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đã được Thành Uỷ Hà Nội công bố.

Một trong 4 vấn đề quan trọng của Chương trình là siết chặt kỷ cương hành chính, tăng cường tính pháp lý trong quản lý, sử dụng đất đai, từng bước giảm bớt vụ việc tranh chấp, khiếu kiện về đất đai.

Theo đó, Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thiểu các thủ tục, bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý và trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp thông tin liên quan đến đất đai.

Đồng thời, Thành phố sẽ tiếp tục tổ chức kiểm tra, thanh tra quyết liệt công tác quản lý, sử dụng đất, thanh tra việc thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, kiên quyết xử lý kỷ luật hoặc chỉ đạo xử lý kỷ luật đối với những trường hợp vi phạm; yêu cầu thay thế những cán bộ lãnh đạo của địa phương, đơn vị để xảy ra tình trạng yếu kém kéo dài về công tác quản lý đất đai.

Chương trình cũng đề ra nội dung là xây dựng đề án ngăn ngừa, giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai, từng bước giảm tỷ lệ số vụ khiếu nại, tố cáo về đất đai trong tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo của Thành phố; tập trung giải quyết các vụ việc bức xúc kéo dài, tồn đọng.

Đảng Bộ Thành phố cũng đưa vào chương trình nội dung ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng về đất đai, các trường hợp lấn, chiếm đất công, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp xây dựng công trình trái phép; chuyển cơ quan công an điều tra xử lý hình sự đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

Thành phố cũng sẽ chấn chỉnh, giải quyết dứt điểm các hạn chế, yếu kém trong công tác giao đất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP; tích cực thực hiện việc dồn điền, đổi thửa, xây dựng cơ chế phù hợp tạo điều kiện tích tụ ruộng đất; kiểm tra, rà soát, tổng kết, chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất các nông, lâm trường, trạm trại trên địa bàn Thành phố.

Ảnh minh họa

Đất đai là lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng - ảnh minh hoạ

Đảm bảo công bằng quyền lợi của người bị thu hồi đất

Theo Chương trình, Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách về đất đai, đầu tư xây dựng, cơ chế lựa chọn chủ đầu tư dự án có sử dụng đất, cơ chế tạo quỹ đất sạch để tạo môi trường đầu tư lành mạnh, tạo nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá Thủ đô.

Thành phố cũng sẽ nghiên cứu hoàn thiện chế độ tài chính về đất đai (chính sách giá đất, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất) với mục tiêu vừa khuyến khích đầu tư, vừa tăng nguồn thu cho ngân sách, đảm bảo công bằng về quyền lợi của người bị thu hồi đất, nhà đầu tư và Nhà nước trong quan hệ về đất đai.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định của Thành phố về thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và các nội dung khác liên quan quản lý đất đai theo tinh thần Nghị quyết và quy định của Luật Thủ đô, Luật Đất đai bổ sung, sửa đổi, trong đó chính sách giá bồi thường về đất ở, chính sách giá bán nhà tái định cư là cơ bản và quan trọng. Thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng khu tái định cư theo hướng chủ động, linh hoạt. Thành phố cũng đặt ra mục tiêu kiện toàn các tổ chức phát triển quỹ đất để trong thời gian tới, việc thuhồi đất, giải phóng mặt bằng sẽ chủ yếu do các tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện.

Liên quan đến thị trường bất động sản, theo Chương trình, Thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện và phát triển chính sách quản lý, sử dụng đất trong thị trường bất động sản, đặc biệt là trong phát triển nhà ở, đầu tư xây dựng văn phòng cho thuê, phát triển hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu công nghệ cao; hoàn thành công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất theo Nghị quyết của Quốc hội và có biện pháp khuyến khích chủ sử dụng nhà đất tham gia thị trường để tạo hàng hoá đủ điều kiện tham gia thị trường, nhằm phát triển và lành mạnh thị trường bất động sản.

Tập trung rà soát lại cung, cầu về nhà ở, xác định lại nhu cầu của thị trường để cơ cấu lại sản phẩm. Xây dựng chính sách kích cầu, tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở tiếp cận được quỹ nhà và nguồn vốn tín dụng với lãi suất thấp; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản, nhất là giải quyết nợ xấu và chính sách hỗ trợ về vốn, giải quyết quỹ nhà tồn đọng.

Thêm vào đó, sẽ tăng cường quản lý nhà nước về phát triển nhà ở và thị trường bất động sản. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong quy hoạch, đầu tư, tài chính, xây dựng đất đai. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch các thông tin về nhà ở, đất đai để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Xuân Hưng (VnMedia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.