06/06/2015 6:16 PM
Sự phát triển mạnh mẽ của chợ cóc cho đến thời điểm này như một cánh tay vươn dài. Các cơ quan chức năng dù đã có nhiều cố gắng nhưng chợ cóc vẫn hoạt động hoặc là âm thầm, lén lút, hoặc là công khai, tấp nập. Đáng chú ý, nhiều chợ cóc họp ngay trên vỉa hè, lòng đường của các khu đô thị tạo ra một bức tranh tương phản giữa văn minh và nhếch nhác, rất đáng phê phán.

Ảnh hưởng mỹ quan

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại Khu đô thị (KĐT) Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội), hầu hết những địa điểm công cộng như vườn hoa, khu vui chơi giải trí đã bị một số tiểu thương, hộ dân chiếm dụng làm chỗ kinh doanh. Điển hình, vỉa hè giáp ô đất C2 và giáp với nhà N6A, B đã bị biến thành nơi họp chợ từ sáng sớm đến tối với đủ các chủng loại mặt hàng từ đồ khô, rau quả đến các loại thực phẩm tươi sống.

Từ sáng sớm, lượng quầy hàng rong bày bán tại khu chợ này đã khá nhiều, nhất là các sạp củ quả, thực phẩm tươi sống, xen kẽ là những hàng bán gia cầm. Bên cạnh những ô hàng thực phẩm là sự xuất hiện của rất nhiều sạp hàng quần áo thời trang, những quầy hàng trà đá, giải khát. Tất cả đang xâm chiếm dần không gian vỉa hè của khu đô thị.

Chị Trần Th (36 tuổi), cư dân sống trong KĐT này chia sẻ: “Ở chợ cóc này, nếu tinh mắt có thể bắt quen được với nhiều người dân ở các vùng ngoại thành mang đồ sạch lên đây bán, rất ngon lại đảm bảo. Nếu ở quê, họ sẽ phải bán giá thành sản phẩm rất rẻ, hoặc cũng có khi ế ẩm phải đổ bỏ. Còn mang lên đây, chúng tôi rất thích vì cảm thấy an toàn khi sử dụng thực phẩm”.

Đã hai năm nay, chị Lê Phương A thường xuyên mua rau xanh, thực phẩm tươi sống ở chợ cóc trong KĐT Trung Hòa – Nhân Chính. Theo chị A, nếu mua sắm vật dụng gia đình thì đến siêu thị là hợp lý, nhưng mua thực phẩm tươi sống, rau xanh thì ra chợ cũng rất tiện lợi bởi nó phù hợp với quỹ thời gian eo hẹp của chị.

Không riêng chị A, rất nhiều bà nội trợ ở KĐT mới Trung Hòa – Nhân Chính coi chợ cóc này là địa điểm chính trong việc mua sắm thực phẩm chuẩn bị cho bữa cơm gia đình. Bởi vậy, chợ cóc này hình thành và tồn tại như một hệ quả tất yếu từ nhu cầu thực tế của người dân. Điều đó lý giải vì sao đã nhiều năm, cho dù diện mạo KĐT mới này có “nhem nhuốc” nhưng nó vẫn được người dân nơi đây chấp thuận, chung sống.

Sau nhiều ngày “lang thang” ở khu chợ cóc này để tác nghiệp, chúng tôi thấy chợ thường họp từ sáng sớm, kết thúc vào khoảng 19g tối và trong cả 7 ngày/tuần. Giờ tan tầm buổi chiều cũng là lúc các bà nội trợ ghé thăm chợ nhiều nhất. Phương tiện giao thông qua khu vực này thời điểm ấy càng lúc càng đông, cộng với việc các bậc phụ huynh đón con em học ở trường tiểu học nằm gần đó khiến KĐT thường xuyên rơi vào cảnh tắc đường cục bộ.

Ông Nguyễn Văn Ch (66 tuổi) cho biết: “Chợ cóc này đúng là tiện lợi cho nhiều gia đình khi mua sắm thực phẩm, rẻ lại tiện đường về, đỡ lích kích gửi xe, gửi đồ như vào siêu thị. Nhưng xét trên góc độ mỹ quan trong một KĐT mới thì rất đáng phê phán”.

Đấy là chưa kể đến việc người bán, người mua thắc mắc nhau về giá cả, chất lượng mặt hàng, rồi những tiếng cãi vã kèm theo cả sự xô xát xảy ra như cơm bữa.

“Không biết bao giờ KĐT mới này mới hết cảnh chợ cóc họp trên vỉa hè, hàng tràn xuống đường như hiện nay. Để một cụ già như tôi không còn phải thở dài trăn trở khi nghĩ đến diện mạo KĐT mới bị “khoác” trên mình chiếc “áo” ngoài nhếch nhác của tình trạng chợ búa tự phát”, ông Ch buồn rầu nói.

Không chỉ mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, trật tự công cộng mà sau mỗi buổi chợ tự phát như thế này, rác thải không được dọn dẹp sạch sẽ, lâu ngày tích tụ bốc mùi xú uế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe của những hộ dân xung quanh. Buổi tối, hầu như người dân sống trên những tòa nhà gần đây ngại không dám ra đường hay đi tập thể dục vì rác thải vương vãi rất ô nhiễm.

Sự tiện lợi của nhiều người khiến đô thị trở nên nhếch nhác. Ảnh: K.Phong

Vỉa hè thành bãi trông xe

Không chỉ bị chợ cóc chiếm dụng, nhiều tuyến đường đi trong KĐT này còn bị một số cá nhân biến thành bãi trông giữ xe ô tô, xe máy. Thậm chí, một số khu vực sân chơi dành cho trẻ em của các tòa nhà cũng bị xe cộ đậu kín. Đường liên thông giữa các tòa nhà bị quán ăn, quán nước đua nhau "mọc" lên. Mỗi một hàng quán lại kèm theo các đống rác thải gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường.

Tỏ ra bức xúc, ông P, một cán bộ về hưu chia sẻ: “Nói thật là tôi hết tuổi lao động rồi, tìm mua căn nhà ở KĐT mới cũng muốn được thụ hưởng những cái mới, văn minh, hiện đại. Chẳng ngờ về đây chưa lâu thì chợ cóc này hình thành, vừa nhếch nhác, vừa mất trật tự. Nhiều khi bạn bè qua thăm, chê khu dân cư của mình không văn minh thấy xấu hổ lắm. Mà không hiểu sao, dù hoạt động bát nháo hàng ngày nhưng chợ cóc này vẫn chưa bị dẹp bỏ.

Cũng những bức xúc như trên, một người dân xin được giấu tên nói: “Chợ cóc tồn tại nhiều năm rồi mà không thể dẹp bỏ. Chúng tôi nộp các khoản phí cho Ban quản lý khu nhà là để có được cuộc sống tốt đẹp, văn minh hơn. Vậy mà, chợ cóc này làm cho cuộc sống chúng tôi phiền hà, rắc rối hơn nhiều. Nó có thể tiện cho một số người nhưng nó không phù hợp với cuộc sống đô thị văn minh. Bên cạnh đó, tôi nghĩ, người dân cũng nên bỏ thói quen tiện thể gặp đâu mua đấy thì sẽ tốt hơn. Chính quyền vào cuộc đã đành, nhưng ý thức của người dân cũng rất quan trọng”.

Thiết nghĩ, việc xây dựng KĐT mới Trung Hòa - Nhân Chính là nhằm tạo bộ mặt văn minh đô thị. Thế nhưng, với cảnh tượng nêu trên nếu không có biện pháp xóa bỏ sớm, chẳng mấy chốc nơi đây sẽ trở thành nhếch nhác như các khu nhà tập thể cũ. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng để nhanh chóng lập lại trật tự đô thị, trả lại mỹ quan cho khu đô thị này.

Khánh Phong (PL&XH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.