01/08/2014 9:45 PM
Hoàn tất thủ tục giấy tờ và đền bù giải phóng mặt bằng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án xây dựng của Hà Nội bị đình trệ.

Hoàn tất thủ tục giấy tờ và đền bù giải phóng mặt bằng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án xây dựng của Hà Nội bị đình trệ.

Vì vậy, việc cần sớm có các giải pháp tháo gỡ những khó khăn này cho các doanh nghiệp xây dựng đang là nhiệm vụ quan trọng của Hà Nội hiện nay.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xây dựng nhà ở xã hội và thu nhập thấp tại ô đất CT1, CT4, CT5 và một phần ô đất CT2 (quỹ đất 20%) thuộc khu đô thị mới Tây Nam hồ Linh Đàm, Sở Xây dựng Hà Nội đang yêu cầu phía chủ đầu tư phải có báo cáo bằng văn bản về tình hình triển khai thực hiện dự án (chi tiết từng tòa nhà) kèm hồ sơ, văn bản pháp lý có liên quan để cơ quan chức năng này kiểm tra giám sát theo quy định.

Dự án nhà ở xã hội này được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao cho Công ty cổ phần BIC Việt Nam làm chủ đầu tư từ tháng 2/2013, với tổng số 1.037 căn hộ, tương đương với 75.815m2 sàn.

Tiếp đó, tháng 4/2013, Công ty cổ phần BIC Việt Nam đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư dự án này với Công ty cổ phần Phát triển nhà xã hội HUD.VN; trong đó, phía Công ty cổ phần BIC Việt Nam góp vốn 50% đầu tư các công trình CT4-B1và B2, CT5-A1và A2, CT5-C1; Công ty HUD.VN góp vốn 50% đầu tư các công trình CT1-A1và A2, CT2-TP và CT4-A1.

Việc hai doanh nghiệp tham gia góp vốn để thực hiện dự án được Ủy ban Nhân dân thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư; đồng thời, thành phố cũng có văn bản số 3407/QĐ-Ủy ban Nhân dân về việc điều chỉnh nội dung Quyết định giao đất số 4371/QĐ-Ủy ban Nhân dân ngày 18/7/2013 trong đó giao diện tích thu hồi tại khoản 1 cho Công ty cổ phần BIC Việt Nam để thực hiện hợp tác đầu tư với Công ty HUD.VN.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, trên cơ sở tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà của chủ đầu tư, Sở Xây dựng yêu cầu hai doanh nghiệp này lập hồ sơ điều chỉnh bổ sung chấp thuận đầu tư dự án theo quy định tại Nghị định số 71/2010/NĐ-CP, Thông tư số 16/2010/TT-BXD và các thủ tục pháp lý khác có liên quan trước khi thực hiện đầu tư xây dựng.

Đặc biệt, phải xác định rõ trách nhiệm của hai nhà đầu tư trong việc quản lý, khai thác vận hành các diện tích đất, công trình trong khuôn viên dự án để tránh xảy ra tranh chấp khiếu kiện của người dân trong quá trình sử dụng sau này. Sở Xây dựng khẳng định, sau khi thực hiện xong các nội dung trên chủ đầu tư mới có đủ cơ sở nhận đơn của người mua nhà.

Liên quan đến việc đầu tư xây dựng dự án nhà ở thu nhập thấp cũng của Công ty cổ phần BIC Việt Nam, từ tháng 1/2013, công ty này đã khởi công xây dựng dự án Rice City Sông Hồng tại lô đất A1-05 phố Gia Quất (phường Thượng Thanh, quận Long Biên).

Đây là dự án nhà ở xã hội có khoảng cách gần sát nhất với trung tâm Thủ đô khi chỉ cách Hồ Gươm khoảng 4km, dự kiến xây dựng 3 khối nhà cao 21 tầng, bố trí hơn 500 căn hộ. Tổng diện tích đất của cả dự án là hơn 10.000 m2, liên quan đến 16 hộ đất nông nghiệp và 4 hộ đất có nhà ở.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, hiện dự án này vẫn đang “dậm chậm tại chỗ” sau gần 20 tháng khởi công do phải giải quyết khiếu nại của một số hộ dân có đất bị thu hồi.

Khẳng định các cấp chính quyền và chủ đầu tư đã thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định pháp luật, lãnh đạo quận Long Biên cho biết, các đơn vị chức năng của quận sẽ tiến hành cưỡng chế đối với các hộ cố tình không bàn giao đất để chủ đầu tư thực hiện dự án đúng theo tiến độ cam kết./.

Minh Nghĩa (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.