Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định chính quyền thành phố luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh. Năm 2013, thành phố tiếp tục ưu đãi tiền thuê đất, đơn giản hóa các thủ tục cho vay vốn và thông thoáng trong thu hút đầu tư. Thành phố dành 50 tỷ đồng cho công tác xúc tiến thương mại và 100 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần chủ động nghiên cứu các chế độ, chính sách để có những đề nghị sát thực.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Công Thương khẩn trương lập kế hoạch xúc tiến thương mại. Các Sở Quy hoạch kiến trúc, Tài nguyên Môi trường cần rõ ràng, minh bạch trong thủ tục, quản lý đất đai và quy hoạch. Ông Nguyễn Thế Thảo lưu ý, các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất cần quan tâm tới công tác an sinh xã hội, xây dựng các khu vui chơi giải trí, thể thao, sinh hoạt văn hoá cộng đồng, đầu tư mở rộng trạm y tế, nhà mẫu giáo, không để tình trạng quá tải như hiện nay.
Nhiều ý kiến đại diện các doanh nghiệp kiến nghị thành phố cần giải quyết dứt điểm tình trạng đất đã cấp cho doanh nghiệp nhưng bị xen kẹt hoặc có nhiều nhà dân xây dựng trái phép dẫn tới khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình quy hoạch sản xuất kinh doanh. Đại diện khu công nghiệp Nam Thăng Long cho biết hiện khu công nghiệp này đang thuê đất với thời hạn 47 năm và đã nộp tiền sử dụng đất 45 năm. Còn thời hạn hai năm, khu công nghiệp muốn thanh toán dứt điểm nhưng hiện chưa có các hướng dẫn và quy trình thủ tục nộp. Các khu công nghiệp cũng đề nghị thành phố cần tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công trình công ích, trong đó ưu tiên nhà trẻ, mẫu giáo, rạp chiếu phim, nhà văn hoá phục vụ tốt hơn đời sống tinh thần cho người lao động.
Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Khu chế xuất Hà Nội Nguyễn Xuân Chính đề nghị thành phố Hà Nội chỉ đạo đẩy nhanh phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện và quy hoạch phân khu các khu công nghiệp, đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai từ 5 năm trước để các chủ đầu tư tiếp tục thực hiện, gồm: KCN Bắc Thường Tín, Phụng Hiệp (Huyện Thường Tín); giai đoạn 2 KCN Hỗ trợ Nam Hà Nội (Phú Xuyên); Khu công nghệ cao sinh học (Từ Liêm); Nam Phú Cát (Quốc Oai); KCN Sạch Sóc Sơn (Sóc Sơn). Đề nghị thành phố cho phép điều chỉnh quy hoạch các khu Quang Minh I, Quang Minh II, Thạch Thất - Quốc Oai, Phú Nghĩa nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thu hút đầu tư...
Đến nay các khu công nghiệp Hà Nội đã thu hút 532 dự án, với số vốn đăng ký gần 11.000 tỷ đồng và trên 4,2 tỷ USD; trong đó có 250 dự án trong nước, 282 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.