Phát biểu bên lề phiên cuối kỳ họp 4 HĐND TP Hà Nội khóa XIV sáng 5-4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định, Hà Nội đã có giải pháp thực thi về mặt quy hoạch đất đai cũng như đã tính toán hợp lý nguồn vốn để thực hiện các quy hoạch.



Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo

PV: Xin ông cho biết, TP Hà Nội sẽ sử dụng nguồn lực nào để thực hiện năm bản quy hoạch vừa được HĐND TP thông qua?


Ông Nguyễn Thế Thảo: Năm quy hoạch về nông nghiệp, công nghiệp, y tế, giáo dục, thương mại là những quy hoạch chuyên ngành rất quan trọng khi mà TP triển khai quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.


Tuy nhiên, để thực hiện các bản quy hoạch này phải tính toán đến các mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu cụ thể, nguồn lực, nhất là nguồn vốn để thực thi các quy hoạch. Tất nhiên là khi tính toán nhu cầu về nguồn lực này thì phải dựa vào một là trên yếu tố khả thi, khả năng của thành phố. Tiếp đó, phải đưa ra những giải pháp để làm sao huy động được từ nguồn xã hội hóa để đáp ứng được nguồn vốn cho các quy hoạch đó. Sau khi tính toán xong, trong mỗi quy hoạch chúng tôi đều đưara dự toán kinh phí của từng quy hoạch một, và trong đó có tổng kinh phí, cơ cấu của nguồn vốn đó; phân kỳ ra giai đoạn để đầu tư. Có những mục tiêu tầm nhìn, định hướng 10-20 năm sau.


Trước tiên về cơ cấu nguồn vốn, đối với các ngành kinh tế như nông nghiệp – công nghiệp - dịch vụ thì phần cơ cấu nguồn vốn ngân sách khoảng 10% còn lại 90% là nguồn vốn huy động từ các thành phần kinh tế, xã hội để đầu tư vào phần sản xuất kinh doanh. Đối với các ngành xã hội như giáo dục đào tạo, y tế thì ngân sách là nguồn lực vốn lớn nên chiếm 65% còn huy động xã hội chỉ 35%.


Tổng nguồn ngân sách từ nay đến năm năm và 10 năm nữa được phân kỳ làm hai giai đoạn, (2011-2015) và (2015-2020). Nguồn vốn ngân sách dựa vào khả năng thu ngân sách hiện nay của TP Hà Nội trong năm năm tới để phân kỳ đầu tư cho các mục tiêu ưu tiên, những công trình cấp bách còn lại căn cứ vào khả năng thu năm năm tiếp theo để phân bổ ra.


Trên cơ sở cân đối tính toán này có thể khẳng định UBND TP đã căn cứ vào đó để tính toán đến tính khả thi để có thể thực thi nguồn lực. Vấn đề cơ bản là làm sao có cơ chế chính sách để huy động được nguồn vốn ngoài ngân sách, để khi vốn đưa vào mang lại hiệu quả xã hội. UBND TP đã tính toán sau khi quy hoạch được thông qua sẽ ban hành cơ chế, chính sách để làm sao huy động được nguồn vốn này theo cách đảm bảo lợi ích khi mà các nguồn vốn xã hội đầu tư vào không những mang lại hiệu quả cho quy hoạch mà còn mang lợi ích của xã hội.


PV: Vậy cụ thể là TP Hà Nội sẽ cần nguồn tài chính bao nhiêu để hiện thực hóa năm quy hoạch này?


Ông Nguyễn Thế Thảo: Tính toán ở đây có số liệu phân kỳ rất cụ thể. Tôi không nói được số liệu cụ thể, nhưng tôi chỉ muốn nói rằng khi tính toán những cái này thì đã cân đối vào khả năng để chi cho các ngành lĩnh vực của cả quy hoạch tổng thể đã được tính toán. Ví dụ như ba ngành kinh tế thì trong năm năm từ 2011-2015, tính toán giải ngân nguồn vốn cho vào là 1.500 tỷ. Còn đối với giai đoạn tiếp theo (2015-2020) là hơn 2000 tỷ. Cái này được cân đối từ đó để tính toán quay ngược lại khả năng thực tế của nó.


PV: Đó là về nguồn vốn, nhưng với bản quy hoạch về giáo dục và y tế thì trong 18 năm tới TP Hà Nội xây 25 bệnh viện và hơn 1200 trường học? Liệu có khả thi không khi quỹ đất của chúng ta ngày càng hạn hẹp?


Ông Nguyễn Thế Thảo: Quy hoạch mạng lưới trường học cũng như bệnh viện phải căn cứ vào xây dựng chung mà vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Quy hoạch chung này phụ thuộc vào dự báo và tính toán quá trình đô thị hóa của chúng ta và phân bổ dân số theo đô thị này. Trên cơ sở tính toán đó về nhu cầu, tốc độ phát triển dân số và điều kiện để chúng ta đưa ra mục tiêu là phải được bao nhiêu trường học. Những căn cứ này được tính theo những định mức, tiêu chuẩn hiện nay, chưa nói đến định mức hiện đại sau này. Nhưng chúng ta vẫn phải đưa ra được số lượng trường học cần xây dựng mới cũng như bệnh viện phải xây dựng mới. Bây giờ, giải pháp thực thi về mặt quy hoạch đất đai thì chúng ta có rồi, vấn đề cơ bản bây giờ là huy động nguồn vốn để đầu tư vào nó thôi.


Chủ trương của chúng ta trong những năm tới là đầu tư vào cơ sở hạ tầng của hệ thống giáo dục đào tạo cũng như y tế. Tuy nhiên chúng ta phải thiên về nguồn lực xã hội để đầu tư vào mạng lưới trường học, bệnh viện chứ không thể chỉ trông vào chủ trương, chính sách. Hiện nay chúng ta dựa hoàn toàn vào công lập. Tôi cho rằng đây cũng là một trong những mảng mà xã hội rất quan tâm và cũng rất muốn tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.


PV: Như vậy, chúng ta sẽ phải cố gắng tăng con số tài chính từ nguồn vốn xã hội hóa. Nhưng điều này cũng có thể dẫn đến tình trạng trường học lạm thu và bệnh viện tận thu. Vậy theo ông, chúng ta sẽ phải cân đối nguồn vốn xã hội hóa như thế nào?


Ông Nguyễn Thế Thảo: Khi xã hội hóa, chúng ta phải kiểm soát về giá thu, phí trong bất kỳ trường hợp nào. Đây là vấn đề chúng ta cần khắc phục trong xã hội hóa vừa qua.


PV: Xin cảm ơn ông


Box: Sáng 5-4, kỳ họp thứ 4 HĐND TP Hà Nội khóa XIV đã chính thức bế mạc sau phiên thảo luận về hai bản quy hoạch phát triển thương mai, công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Tuy đây là phiên họp HĐND không có chất vất song cả năm bản quy hoạch (nông nghiệp, công nghiệp, y tế, giáo dục. thương mại và một tờ trình về cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đã được các đại biểu nhất trí thông qua.


Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND Thành phố Ngô Thị Doãn Thanh đã khẳng định, những nghị quyết chuyên đề được HĐND Thành phố thông qua là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý đầu tư, phát huy tiềm năng, thế mạnh, xây dựng, phát triển các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, y tế nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Thủ đô.

Theo Báo Nhân Dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.