Những bức xúc đó được DN nêu ra tại hội nghị “Tháo gỡ khó khăn cho về tình hình thuê đất và các vấn đề liên quan đến thuế” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Hà Nội.
Tiền thuê đất tăng chóng mặt
Theo khảo sát của VCCI tại Hải Phòng, tiền thuê đất DN phải nộp năm
2011 so với năm trước tăng bình quân từ 3-10 lần, tại một số DN tăng
14-15 lần, thậm chí có DN tăng đến 20 lần. Việc tăng đột biến tiền thuê
đất lên nhiều lần càng làm DN khó khăn hơn.
Giám đốc Công ty TNHH Hồng An (Hải Phòng) phản ánh: “Chúng tôi rất
bất ngờ với số tiền phải nộp thuê đất năm 2011. Năm 2010 chúng tôi phải
đóng hơn 20 triệu đồng thuê đất, năm nay được thông báo tăng gấp 18,5
lần. So với DN liên doanh, cao hơn 215 lần dù cùng trên một mặt bằng.
Trong khi đó, do sản xuất khó khăn, 6 tháng đầu năm nay, Hồng An chưa thực hiện được hợp đồng sửa chữa, đóng mới tàu biển nào, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chúng tôi đồng ý việc tăng tiền thuê đất, nhưng phải có lộ trình và điều chỉnh vào thời điểm thích hợp”.
Bà Trương Thúy Nga, đại diện Công ty TNHH MTV Cảng Khuyến Lương (Hà
Nội), cho biết: “Năm 2010, công ty phải đóng tiền thuê đất tăng 8,8 lần
so với năm 2005, nhưng năm 2011 khoản tiền này lại lên tới hơn 4 tỷ
đồng, tăng gấp 32 lần so với năm 2005. Với doanh thu năm 2010 hơn 47 tỷ
đồng, lợi nhuận trên 500 triệu đồng, số tiền phải đóng quá lớn. Nếu nộp
chậm sẽ bị phạt và nếu gánh thêm cả tiền nộp phạt, cảng Khuyến Lương sẽ
phá sản. Trong khi diện tích đất của công ty thuê có 40% không mang lại
doanh thu”.
Theo phản ánh của hầu hết DN, sự bất hợp lý trong việc cho thuê đất
sản xuất - kinh doanh hiện nay là tính giá thuê đất theo giá thị trường,
mà giá thị trường lại biến động (tăng rất cao), hệ số phần trăm điều
chỉnh cũng tăng từ 0,5% lên 1,5-2% tùy từng địa phương. Điều này dẫn đến
số tiền phải nộp của các DN tăng lên vài chục lần so với năm ngoái.
Trong khi đó, lợi nhuận của các DN thuộc lĩnh vực công nghiệp, dịch
vụ, thương mại lại khác nhau. Thí dụ DN gia công giày dép có doanh thu
cao nhưng lợi nhuận không cao, phải chịu mức thuế thuê đất ngất ngưởng.
Đó là chưa nói đến năm nay các DN đang phải đối mặt với rất nhiều khó
khăn, đặc biệt là vấn đề lãi suất cao, khó vay vốn sản xuất - kinh
doanh.
Phân biệt ngành sản xuất và giảm tiền thuê
Giải đáp thắc mắc của các DN, ông Phạm Văn Thọ, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh
tế và Phát triển quỹ đất (Bộ Tài nguyên - Môi trường), cho biết: Hiện
nay chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng cao, nên nếu không tăng đơn
giá thuê đất lên 1,5-2%, ngân sách không còn gì để thu, hệ số thuê đất
trên là hợp lý.
Cũng theo ông Thọ, do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, nhiều xã
chuyển lên phường, trở thành đất đô thị nên giá đất tăng rất mạnh. Đây
là yếu tố khách quan khiến tiền thuê đất của DN tăng cao.
Chia sẻ với khó khăn của DN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh
Tuấn cho rằng cần áp dụng quy định tính thuế thuê đất đúng thời điểm và
đúng đối tượng. Đồng thời, phân biệt vị trí thương mại và ngành sản xuất
để tính thuế với DN. Liên quan đến vấn đề căn cứ vào giá thị trường để
tính thuế, ông Tuấn cho rằng căn cứ vào khung giá đất do UBND tỉnh,
thành phố quy định là hợp lý hơn cả.
Ông Tuấn nhấn mạnh: Về tỷ lệ phần trăm tính thuế thuê đất, tỷ lệ này
khó thay đổi. Tuy nhiên, DN có thể kiến nghị tạm thời giảm 30% hoặc 50%
thuế phải đóng trong năm 2011, thậm chí cả năm 2012 để các cơ quan chức
năng xem xét.
Chủ trương của Chính phủ là đúng đắn, nhưng quá trình triển khai thực hiện, có địa phương nào làm chưa đúng, cần chấn chỉnh. Trong khi chờ Thủ tướng giải quyết các kiến nghị trên, cơ quan thuế, sở tài chính địa phương không được gây khó khăn, bức xúc cho DN.