Theo số liệu của NHNN về kết quả cho vay gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng, đến 31/12/2013, các ngân hàng đã cam kết cho vay 1.789 khách hàng với tổng số tiền vay 1.881,4 tỷ đồng, đã giải ngân cho 1.765 khách hàng, dư nợ cho vay đạt 758,7 tỷ đồng.
Như vậy, tốc độ giải ngân cho vay gói hỗ trợ nhà ở đã tăng 61% so với cuối tháng 11/2013 và tăng 20 lần sau nửa năm thực hiện, cho thấy những nỗ lực của cả hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, so với quy mô chung thì mức độ giải ngân này được đánh giá là vẫn còn chậm chạp. Hội nghị trực tuyến ngành xây dựng được tổ chức mới đây chỉ ra nguyên nhân của vấn đề này: do trên thị trường hiện đang thiếu hụt lớn nguồn cung nhà ở xã hội.
“Các dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp ra đến đâu hết đến đấy, nhưng nguồn đầu tư tiếp thì chưa có”, ông Ngô Văn Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa nói về thực trạng trên địa bàn tỉnh này.
Ảnh minh họa
Còn tại tỉnh Lào Cai, Giám đốc Sở Xây dựng Tô Trọng Tôn đã đưa ra so sánh để thấy nhà ở xã hội của tỉnh này hiện còn kém hấp dẫn. Theo đó, giá một căn nhà ở xã hội tại Lào Cai dao động trong mức 350-500 triệu đồng. Trong khi đó, để mua một miếng đất 100m2 chỉ mất khoảng 200-450 triệu đồng, tùy vị trí.
Theo ông Tuấn, mức giá chênh lệch không quá lớn giữa nhà ở và đất thổ cư khiến các dự án nhà ở xã hội tại tỉnh này không đủ sức hấp dẫn người mua, dù nhu cầu tại Lào Cai vẫn còn rất lớn. Vị này cho rằng, với các tỉnh miền núi cần cơ chế chính sách phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội đặc thù hơn.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trên toàn quốc hiện nay có 124 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai với quy mô xây dựng khoảng 78.700 căn. Tuy nhiên, con số này còn cách xa nhu cầu nhà ở trên cả nước là khoảng hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội, trong đó riêng hai thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội cần khoảng hơn 130.000 căn và 115.000 căn. Một số địa phương khác nằm ở Đông Nam bộ như Đồng Nai, Bình Dương và những tỉnh trong vùng trọng điểm kinh tế Bắc bộ cũng có nhu cầu lớn về loại nhà ở này.
Cũng tại Hội nghị trên, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, gói 30.000 tỷ đồng giải ngân chậm vì nguồn cung không có. Phó thủ tướng nhấn mạnh, ngành xây dựng và các DN phải nhìn xa hơn, không thể trông chờ vào gói 30.000 tỷ đồng để giải cứu cho thị trường bất động sản. Thay vào đó, phải tiếp tục xây dựng cơ chế triển khai các chương trình nhà ở.
“Các chương trình nhà ở cho đồng bào vùng lũ lụt miền Trung vừa qua được đánh giá rất tốt. Giai đoạn 2 sắp tiến hành cung cấp cho 40.000 hộ dân, tăng đáng kể so với 7.000 hộ của giai đoạn 1. Những chương trình như vậy cần được áp dụng rộng hơn, tùy theo đặc thù của từng địa phương”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Hiện công tác phát triển nhà ở xã hội tại một số địa phương chưa thực sự được quan tâm đúng mức, chưa thu hút được các DN tham gia đầu tư; nguồn cung nhà ở xã hội thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế; chất lượng dịch vụ, công tác quản lý sử dụng chung cư ở một số nơi còn nhiều bất cập.
Trong năm 2014, ngành xây dựng cho biết sẽ rà soát các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hỗ trợ nhà ở vượt lũ khu vực miền Trung để lồng ghép hỗ trợ nhà ở cho các hộ dân trong vùng ảnh hưởng của bão, lũ để giúp người dân có nhà ở an toàn; Tiếp tục triển khai các Chương trình nhà ở quốc gia; Chương trình nhà ở cho sinh viên, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp; Triển khai trên diện rộng Chương trình xây dựng phòng chống lũ, lụt tại các tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; Tập trung hoàn thành dứt điểm giai đoạn 2 Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long.