Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) vừa hoàn tất báo cáo và trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, khóa XII để gửi đến các đại biểu Quốc hội kỳ họp thứ 8 kết quả bước đầu về thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật đất đai và các dự án sân golf trên toàn quốc.

Sân golf được quy hoạch, phát triển tràn lan trong những năm qua

13 tỉnh “lờ” quyết định của Thủ tướng

Bộ TN-MT đã thành lập đoàn thanh tra để trực tiếp thanh tra tại 30 tỉnh, TP; các tỉnh, TP còn lại tự kiểm tra và báo cáo về Bộ TN-MT. Kết quả cho thấy cả nước có tổng số 117 dự án sân golf. Đáng chú ý là có 27 sân golf nằm ngoài quy hoạch tại địa bàn 13 tỉnh (nhiều nhất là Kiên Giang, có 5 sân). Trong đó có 5 sân golf đang triển khai xây dựng; 7 sân golf được cấp giấy chứng nhận đầu tư; 15 sân golf có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư. 5/27 dự án sân golf (Khánh Hòa 1 sân và Bình Thuận 4 sân) đã thu hồi, giao đất, đang triển khai thực hiện dự án với diện tích 1.216 ha, gồm 100 ha đất nông nghiệp (không có đất lúa) và 1.116 ha đất khác. Diện tích đất quy hoạch xây dựng sân golf là 241 ha (chiếm 20%), còn lại 975 ha (chiếm 80%) được sử dụng cho các mục đích xây dựng khu du lịch, giải trí, trung tâm thương mại.

Bộ TN-MT cho rằng 13 tỉnh để “lọt lưới” sân golf chưa thực hiện việc kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch sân golf theo Quyết định 1946 của Thủ tướng Chính phủ (ngày 26-11-2009), vẫn cho phép 27 dự án nằm ngoài quy hoạch sân golf VN đến năm 2020 được tiếp tục triển khai. Việc thu hồi, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án sân golf đã không đúng thẩm quyền, không theo quy hoạch; cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng với diện tích theo quy hoạch chi tiết được duyệt...

Đối với 27 dự án nằm ngoài quy hoạch, Bộ TN-MT đề nghị dừng việc xây dựng dự án, báo cáo kết quả rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch sân golf về Bộ Kế hoạch - Đầu tư để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thu hồi các khu đất “vàng”

Bộ TN-MT đã thành lập 2 đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra đất đai tại Hà Nội và Tp.HCM. Đồng thời, bộ đã có công văn tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo UBND các tỉnh, TP tự kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện. Bộ TN-MT cho biết mới có 26 tỉnh, TP và Bộ Công an đã lập kế hoạch triển khai Chỉ thị số 134 của Thủ tướng Chính phủ (ban hành tháng 1-2010). Một số tỉnh đã thực hiện tốt việc xử lý đất của các tổ chức có vi phạm như Hà Nội trên 30 ha, Tp.HCM thu hồi 49 mặt bằng kho bãi sử dụng sai mục đích với diện tích 11,9 ha, trong đó, có một số khu đất “vàng”.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên cho biết qua kết quả kiểm tra trực tiếp của bộ tại 19 tổ chức trên địa bàn Tp.HCM và Hà Nội, các đoàn thanh tra đang hoàn thiện thủ tục, kiến nghị thu hồi đất của 6 tổ chức vi phạm với diện tích khoảng trên 4 ha.

Trong quý IV/2010, Bộ TN-MT sẽ thành lập tiếp 2 đoàn thanh tra xử lý vi phạm đất đai tại TP Hải Phòng và tỉnh Kiên Giang. Dự kiến trong năm 2011, bộ sẽ thành lập 4 đoàn thanh tra tại các tỉnh, TP Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa, Bình Dương.

Doanh nghiệp “ôm” đất để trục lợi

Theo Bộ TN-MT, vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng, đặc biệt đối với các dự án lớn, luôn gặp khó khăn dẫn đến thời gian thu hồi đất thực hiện dự án bị kéo dài; giá bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi đất nông nghiệp chưa phù hợp, không đủ để ổn định đời sống... dẫn đến tình trạng khiếu kiện đông người vượt cấp. Nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính “ôm” đất để đầu cơ trục lợi dẫn đến lãng phí tài nguyên đất, gây tác động không tốt cho thị trường bất động sản.

Cafeland.vn - Theo NLĐ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0