Ngày 28/2, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã tổ chức họp báo về việc lấy ý kiến nhân dân góp ý vào Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

Giải thích về điểm mới trong cơ chế thu hồi đất trong Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho biết đã khắc phục được những bất cập của cơ chế thu hồi đất mà Luật Đất đai hiện hành quy định.

Thu hồi đất theo 2 hình thức

Theo đó, Dự thảo quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi đất để giao đất, cho thuê đất theo 2 hình thức.

Thứ nhất, thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất và thứ hai là thu hồi đất để giao, cho thuê đất theo hình thức chỉ định chủ đầu tư.

Dự luật bổ sung quy định tổ chức họp để lấy ý kiến người dân về phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư do các tổ chức chuyên nghiệp đảm nhận, nhà đầu tư không tham gia vào công việc này (tự thực hiện như trước đây).

Phân tích về hai cơ chế thu hồi đất mà Dự thảo đề cập, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, Nhà nước thực hiện thu hồi đất theo quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt là kế hoạch sử dụng đất hàng năm để hạn chế việc thu hồi đất tràn lan nhưng hiệu quả sử dụng thấp như thời gian qua.

Với kế hoạch sử dụng đất hàng năm, đặc biệt là việc sử dụng đất dành cho các dự án phát triển kinh tế phải được Hội đồng nhân dân xem xét, thông qua (có sự giám sát) mới được thu hồi.

Đối với cơ chế chỉ định nhà đầu tư thực hiện việc thu hồi đất cũng khác trước, sẽ không phải cứ có dự án là nhà đầu tư vào được mà giờ nhà đầu tư phải có các điều kiện về năng lực tài chính (qua kiểm toán), ký quỹ để đầu tư và các dự án trước do nhà đầu tư đó thực hiện phải đúng quy định của pháp luật.

Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng, với các quy định trên trong Dự thảo sẽ góp phần hạn chế tình trạng thu hồi đất tràn lan, trong khi việc đầu tư, sử dụng không hiệu quả gây lãng phí cho người dân và xã hội.

“Riêng đối với đất lúa, đât rừng thì việc thu hồi còn chặt chẽ hơn. Muốn thu hồi hai loại đất này địa phương phải báo cáo Thủ tướng trước khi chấp nhận cho đầu tư. Khi được chấp thuận đầu tư, nhà đầu tư phải có phương án “bóc” lớp đất mặt lên để nhà nước sử dụng khai hoang phục hoá ở các khu vực khác”, ông Nguyễn Mạnh Hiển cho biết.

Về các trường hợp đất đã có chủ trương đầu tư rồi (sau khi thu hồi) mà dự án thực hiện chậm, Dự luật cũng quy định chế tài để xử lý. Theo ông Nguyễn Mạnh Hiển, đối với dự án có chủ trương đầu tư, không qua thuê đất mà sau 3 năm không thực hiện dự án thì người dân (người có quyền sử dụng trước đó) có quyền thực hiện quyền của mình trở lại với mảnh đất.

Với dự án đã được giao đất rồi mà chưa triển khai trong vòng 12 tháng liền hoặc chậm tiến độ hơn 24 tháng (so với tiến độ ghi trong dự án) thì sẽ bị xử lý theo hướng cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận cho phép chậm tiến độ 1 lần và chậm không quá 12 tháng.

Trường hợp không được chấp thuận cho chậm tiến độ hoặc quá thời hạn cho phép chậm tiến độ, Nhà nước sẽ thu hồi đất và người có đất bị thu hồi do vi phạm sẽ không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp và không được thanh toán giá trị đã đầu tư vào đất còn lại, tài sản gắn liền với đất.

Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng, với Dự thảo này, Nhà nước tăng cường giám sát cả quá trình đầu tư, từ khi triển khai dự án đến lúc hoàn thành nhằm không để xảy ra lãng phí trong sử dụng đất đai.

Định giá đất có định hướng của Nhà nước

Đối với nguyên tắc định giá đất, Dự thảo quy định Nhà nước định giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường có định hướng của Nhà nước. Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng, nhiều ý kiến đề nghị nên định giá đất theo nguyên tắc thị trường nhưng thị trường bất động sản ở Việt Nam chưa ổn định, nên việc xác định giá thị trường là khó khăn. “Không thể giá đất ở Việt Nam như giá đất ở Tokyo, London được”, ông Hiển nói.

Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cũng cho biết, vấn đề giá đất không chỉ liên quan đến những người được thụ hưởng (từ việc đền bù do thu hồi đất) mà còn liên quan đến những người thực hiện các nghĩa vụ tài chính (có thể là mua nhà ở trên các mảnh đất được thu hồi). Những người thuộc nhóm thứ 2 bao giờ cũng đông hơn nhóm thứ nhất. Nếu giá đất theo thị trường có lợi cho nhóm thứ nhất nhưng có thể bất lợi cho nhóm thứ 2.

Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển nhấn mạnh thị trường bất động sản vẫn phải có định hướng của Nhà nước theo hướng khi giá đất cao Nhà nước có thể giảm thuế hoặc các biện pháp điều tiết khác.

Cơ chế thu hồi đất và việc định giá đất được cơ quan soạn thảo Dự luật coi là hai trong nhiều nội dung sửa đổi của Luật Đất đai năm 2003 nhằm khắc phục các bất cập trong quản lý, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên đất đai.

Trong buổi họp báo về việc lấy ý kiến nhân dân đối với toàn bộ dự án Luật đất đai (sửa đổi), Bộ Tài Nguyên và Môi trường, cơ quan chủ trì soạn thảo mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp, tháo gỡ những khó khăn trong quản lý, sử dụng đất đai.

Việc lấy ý kiến nhân dân, các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội được thực hiện từ đến hết ngày 31/3/2013.

Trước đó, cuối tháng 1/2013, Thủ thướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Thực hiện kế hoạch này, từ đầu tháng 2/2013, chính quyền địa phương ở nhiều nơi đã triển khai lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật.

Sau khi tập hợp đầy đủ ý kiến đóng góp về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), vào cuối tháng 4/2013, Chính phủ sẽ thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo. Trước ngày 10/5, Chính phủ sẽ gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả đóng góp của nhân dân về Dự thảo, kèm theo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Chính phủ chỉnh lý, hoàn thiện theo các ý kiến góp ý.

Thành Chung (Chinhphu.vn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.