Từ khi dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm thi công có đến 143 nhà dân tại quận 6 nơi dự án đi qua bị nứt, lún và nghiêng.
Sống phập phồng trong nhà nứt
Theo UBND phường 14, quận 6, có 113 căn nhà tại khu phố 1 bị ảnh hưởng. Trong đó, 39 căn có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.
Ông Đặng Văn Hải (23/7 đường Tân Hóa) bức xúc: “Nhà tôi bị nứt tường, trần nhà rơi từng khúc. Lãnh đạo phường và đơn vị thi công đã ghi nhận và hứa hỗ trợ tôi 6 triệu đồng/tháng để thuê nhà nơi khác nhưng đến nay chưa nhận được tiền hỗ trợ, tôi đành chấp nhận sống trong căn nhà này”. Nhiều người dân không dám cho con cái ở trong nhà, như trường hợp bà Bùi Thị Tự (47/44C Tân Hóa). Bà Tự kể: “Đêm nào đơn vị thi công hoạt động nhà tôi cũng bị lung lay. Vì sợ nhà sập nên tôi đã gửi các con sang ở nhờ nhà bà con. Phía thi công hứa hỗ trợ tiền thuê nhà nhưng nói tôi đợi, chúng tôi phải đợi tới bao giờ?”.
Ngôi nhà của ông Nguyễn Lộc (103/21 đường Tân Hóa, phường 14) nghiêng sang một bên. Ảnh: MINH QUÝ
Nhiều căn nhà trước đây xây tường liền kề nay mỗi nhà nghiêng một bên khiến có nơi hai bức tường cách nhau đến 20 cm. Tường nhà nứt toác nhiều chỗ, nền gạch men bị bể làm đôi. Ngoài 113 căn nhà tại phường 14, tại phường 12 và phường 7 cũng có 30 trường hợp bị ảnh hưởng.
Ông Phan Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND phường 12, cho biết: “Dự án thi công từ tháng 3-2012, trên địa bàn phường có 25 trường hợp bị nứt tường, lún nền. Có năm căn thuộc dạng nguy hiểm không ở được, phường đã kết hợp với đơn vị thi công thuê nhà để người dân sinh sống. Chúng tôi đã kiến nghị đơn vị thi công và nhà thầu hứa khi thực hiện xong dự án sẽ đền bù cho người dân một lần. Vì nếu bây giờ đền bù, khi thi công tiếp sẽ lại gây nứt nhà”. Lãnh đạo phường 7 đã hai lần gửi văn bản, yêu cầu chủ đầu tư hỗ trợ cho người dân nhưng không thấy phản hồi.
Vai trò nhà thầu còn mờ nhạt
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Thanh Liêm, chủ đầu tư dự án, khẳng định: “Các hộ bị chậm tiền hỗ trợ tạm cư chúng tôi sẽ nhanh chóng giải quyết. Đối với các căn nhà bị hư hỏng nặng, đề nghị người dân di dời để tháo dỡ, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng”.
Theo ông Liêm, dọc tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm có rất nhiều nhà dân nằm sát công trình. Nhiều nơi nhà xây dựng đã lâu, nằm trên nền đất yếu nên khi công trình thi công chắc chắn bị ảnh hưởng. “Việc thi công dự án sẽ tạo bộ mặt khang trang, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Do mặt bằng thi công chật hẹp, khó tránh gây ảnh hưởng, làm xáo trộn sinh hoạt. Đây là sự cố không mong muốn, chúng tôi mong người dân thông cảm và chia sẻ” - ông Liêm phân trần.
Chủ đầu tư xác nhận đã yêu cầu nhà thầu tạm ngưng thi công và đề nghị đơn vị bảo hiểm giải quyết. Trước tiên là phong tỏa các căn nhà có nguy cơ đổ sập để tháo dỡ, hỗ trợ tiền cho người dân thuê nhà tạm cư. “Chúng tôi đã đề nghị TP.HCM bố trí tái định cư cho một số trường hợp nhà có diện tích quá nhỏ. Những trường hợp khác, sau khi thi công xong phần nền hạ, ổn định đất hai bên bờ kênh thì sẽ xác định hư hỏng cụ thể để sửa chữa. Những trường hợp bảo hiểm không chấp nhận chi trả, chủ đầu tư đề xuất TP.HCM có chính sách hỗ trợ cho người dân” - ông Liêm thông tin thêm.
Đình chỉ, phạt nặng nhà thầu thi công Tại quận Tân Phú cũng đang xảy ra hiện tượng nhà dân bị hư hỏng. Đơn vị thi công đã ghi nhận hiện trạng, cam kết sẽ khắc phục sau khi thi công xong. Liên quan đến việc thi công ẩu, gây ảnh hưởng đến người dân, Thanh tra Sở GTVT đã nhiều lần xử phạt các nhà thầu. Nặng nhất là việc đình chỉ thi công các gói thầu số 14, 15 (khu vực giáp ranh quận 11 và Tân Phú). “Trách nhiệm đối với các thiệt hại này thường được thể hiện trong hợp đồng thi công giữa chủ đầu tư và các nhà thầu. Thanh tra Sở GTVT chỉ có thể kiểm tra, xử phạt nhà thầu thi công không đúng phương án thi công, không có rào chắn, lôi đất cát ra ngoài công trình… Nếu không có căn cứ nhà thầu thi công không đúng phương án, chúng tôi khó có thể xử phạt hay buộc nhà thầu, chủ đầu tư khắc phục các hư hỏng của nhà dân”. Ông NGUYỄN BẬT HẬN, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT |