Mục đích của đề xuất này là nhằm hạn chế đầu cơ và để thị trường bất động sản (BĐS) phát triển lành mạnh, minh bạch. Cũng như với đất, thuế nhà được Sở Xây dựng (XD) TP.HCM đề xuất đánh theo hình thức lũy tiến. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân càng có nhiều diện tích đất thì mức thuế càng cao, sở hữu nhiều nhà mức thuế càng tăng, nhà cao cấp mức thuế cao hơn hạng nhà trung bình. Với cách đánh thuế như vậy, theo Sở XD, không chỉ hạn chế nạn đầu cơ, đẩy giá BĐS lên cao bất thường, gây bất ổn cho phát triển kinh tế, mà còn giúp nhà nước tăng thu ngân sách…
Tăng thêm nghĩa vụ tài chính
Trên thực tế, đánh thuế nhà cũng đã được TP.Hà Nội và Bộ XD đề xuất nhằm điều tiết thị trường BĐS. Cụ thể, Bộ XD kiến nghị mỗi gia đình sẽ được định mức 100m2 nhà ở, nếu vượt con số này mức thuế đánh vào mỗi mét vuông nhà là 30.000 đồng/năm. Căn cứ vào đó, Bộ Tài chính đề nghị khung giá đánh thuế nhà ở đối với nhà từ 101m2 trở lên, với mức thuế từ 101 - 150m2 nhà ở sẽ đóng 130% thuế suất. Đối với những căn nhà có diện tích từ 150m2 trở lên sẽ đóng thế tăng lên thành 150%, nhà trên 200m2 sẽ có mức thuế suất là 200%.
Thuế nhà ở là cần thiết, nhưng thời điểm hiện nay chưa phải lúc - Ảnh: Thiên Bảo
Tuy nhiên, đề xuất trên chưa được Quốc hội thông qua do không nhận
được sự đồng thuận của người dân. Nhất là khi nền kinh tế chưa ổn định,
việc áp dụng thuế nhà ở sẽ tác động đến tâm lý và làm tăng thêm nghĩa vụ
tài chính đối với một bộ phận người dân. Bởi một trong những mục tiêu
áp dụng thuế đối với nhà ở là nhằm hạn chế đầu cơ nhưng giá trị nhà ở
lại gắn liền với giá trị đất. Mà đầu cơ lâu nay tập trung chủ yếu vào
đất. Do vậy, để hạn chế đầu cơ thì phải tập trung áp dụng công cụ điều
tiết đối với đất. Còn áp dụng thuế nhà ở thực chất là áp dụng thuế tài
sản.
Theo nhiều ý kiến, ngoài nhà ở còn có nhiều loại tài sản khác có giá
trị lớn như máy bay, tàu thủy, du thuyền... Nếu chỉ áp dụng thuế tài sản
đối với nhà ở thì chưa bảo đảm tính hợp lý, công bằng của một sắc thuế.
“Cho uống thuốc độc chắc chết luôn”
Không phản đối chuyện đánh thuế nhà ở về lâu dài, nhưng hầu hết các
doanh nghiệp đều cho rằng đây là thời điểm nhạy cảm để áp dụng đề xuất
này. BĐS đã ảm đạm nhiều năm nay bởi hàng loạt khó khăn chung và riêng,
thêm một "liều thuốc" mạnh này có thể nhấn chìm thị trường vốn đang kiệt
sức. Bởi đánh thuế lũy tiến có nghĩa là chỉ khuyến khích một loại hình
là mua nhà, đất để ở. Trong khi đó, luật cho phép mọi người có thể mua
để ở, hoặc để kinh doanh.
| Thuốc
uống phải đúng liều và đúng lúc, nếu không sẽ gây tác dụng ngược cho
bệnh nhân. Bệnh ngặt nghèo chưa hết, nay cho uống thuốc độc chắc chết
luôn |
| Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM |
Do đó, đánh thuế lũy tiến đối với cả nhà và đất sẽ khiến giới đầu tư
chùn tay. Đó là chưa kể, hiện nay thuế đánh vào lĩnh vực BĐS đã quá
nhiều, nếu tiếp tục đánh thuế đối với nhà sẽ khiến giá nhà đất tăng cao,
từ đó cơ hội cho những người có nhu cầu thật về nhà ở tiếp cận với nhà,
đất càng khó khăn hơn.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cũng đồng tình
với việc phải đóng thuế nhà ở vì "kinh doanh phải đóng thuế", nhưng cũng
khẳng định thời điểm này chưa phải lúc. Năm 2012 là năm các doanh
nghiệp BĐS phải vật lộn để tồn tại. Vì vậy, nếu quy định này được thông
qua sẽ khiến thị trường đã lạnh càng lạnh thêm. "Thuốc uống phải đúng
liều và đúng lúc, nếu không sẽ gây tác dụng ngược cho bệnh nhân. Bệnh
ngặt nghèo chưa hết, nay cho uống thuốc độc chắc chết luôn”, ông Đực ví
von.
Điều làm ông Đực bức xúc nhất là các cơ quan quản lý nhà nước luôn đưa ra những cơ chế, chính sách bất hợp lý. Ví dụ, lúc thị trường lạnh thì không bốc những liều thuốc làm nóng lên, lúc sốt lại không biết cách làm lạnh. Như năm 2007, khi người dân xếp hàng mua nhà thì không có động thái gì. Nay thị trường đang ngắc ngoải lại "tiêm" thêm những liều thuốc không đúng lúc. Đó là chưa kể, để tránh đầu cơ nhà đất, nhà nước đã đánh thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng BĐS là 2% trên tổng giá trị hoặc 25% trên lợi nhuận. Khi mua gạch, xi măng, sắt thép… để xây nhà người dân cũng phải chịu thuế tài nguyên, VAT… nếu đánh thuế nữa sẽ xảy ra tình trạng thuế chồng thuế.
Một chuyên gia khác thì cho rằng, để hạn chế đầu cơ, thổi giá đất, điều cần làm ngay lúc này là cắt giảm những thủ tục hành chính rườm rà, không minh bạch khiến quá trình thực hiện các dự án kéo dài, tạo quỹ đất sạch để đem đấu giá… từ đó giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận quỹ đất, rút ngắn thời gian triển khai dự án, tạo nguồn cung dồi dào sẽ kéo giá nhà, đất giảm mạnh. Khi giá nhà đất giảm, người dân sẽ có điều kiện mua được nhà giá rẻ và đầu cơ cũng không còn đất sống.
Luật sư Nguyễn Văn Trường, Trưởng văn phòng Luật sư Trường, nhận xét
thuế nhà ở đã được bàn đến trước đây nhưng vấp phải nhiều ý kiến trái
chiều. Kết quả là Quốc hội đã không quyết định đánh thuế nhà. Nay lại
bàn chuyện đánh thuế nhà ở là vô lý, nhất là trong lúc thị trường BĐS và
nền kinh tế, người dân đang gặp nhiều khó khăn.
Công khai thông tin quy hoạch Trong báo cáo gửi Bộ XD,
Sở XD TP.HCM cũng cho rằng hiện thị trường BĐS thiếu thông tin chính thống,
khách quan. Việc công khai các thông tin quy hoạch chưa được thực hiện triệt
để và rõ ràng dẫn đến tình trạng một số ít người nắm được thông tin quy hoạch
nên “đi trước đón đầu”, đầu cơ kiếm lợi. Để hạn chế tình trạng
trên, Sở XD cho rằng thị trường BĐS cần có những thông tin công khai như giá
mua bán, giao dịch thị trường, thông tin đấu thầu đất đai, quy hoạch, các dự
án kêu gọi đầu tư, các dự án bán nhà... Nhưng thực tế hiện nay tại VN cho thấy chưa có một trung tâm thông tin dự báo khách quan và đánh giá thị trường. Vì vậy, Sở XD kiến nghị Bộ XD phối hợp các ngành liên quan sớm hình thành trung tâm thông tin và dự báo thị trường BĐS của Trung ương, trên cơ sở đó TP.HCM và các địa phương xây dựng hệ thống thông tin thị trường BĐS của địa phương mình phục vụ dự báo thị trường, đề ra những chính sách quản lý, phát triển thị trường hiệu quả... |