Như nội dung đã đưa ở bài 1: công tác triển khai thực hiện quy hoạch ở TPHCM còn rất nhiều bất cập. Không ít đồ án quy hoạch có chất lượng tốt xong không được triển khai đầy đủ trong thực tế. Giải quyết vấn đề này như thế nào? Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã trao đổi với ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, về vấn đề này.

Nhà lụp xụp trên kênh đang được thay thế bởi các chung cư. Ảnh: Kim Ngân

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, tại sao thời gian qua công tác triển khai thực hiện quy hoạch còn nhiều bất cập?

Ông NGUYỄN THANH TOÀN: Nguyên nhân thì có nhiều, song tựu trung là thiếu cán bộ có chuyên môn cho công tác này. Hiện nay, nhân sự cho việc hậu kiểm quy hoạch ở Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM chỉ có 7 - 8 người. Ở nhiều quận, huyện chỉ có 4 - 5 người, hoàn toàn không đủ để kiểm tra việc thực hiện quy hoạch trên toàn địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, cũng phải nói đến một thực tế, công tác này trong thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức cả ở Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các quận, huyện. Tuy nhiên, điều này đang được khắc phục. Riêng Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang dự kiến đề xuất UBND TPHCM cho bổ sung 15 - 20 người cho công tác kiểm tra thực hiện quy hoạch. Tôi được biết nhiều quận, huyện khác cũng đang nghiên cứu, đề xuất UBND TPHCM tăng nhân sự cho công tác này.

Bổ sung đội ngũ này như thế nào khi nhân lực cho công tác làm quy hoạch nói chung trên địa bàn TPHCM còn thiếu và yếu? Việc đào tạo mới ít ra cũng cần đến 4 - 5 năm?

Đúng là nhân sự làm công tác quy hoạch nói chung còn thiếu. Thế nhưng, cứ đặt mục tiêu và quan tâm đúng mức đến nó thì sẽ đạt được kết quả như mong muốn. Hiện nay công tác triển khai thực hiện quy hoạch rất khác nhau ở mỗi quận, huyện do các địa phương có tốc độ và yêu cầu đô thị hóa khác nhau. Do đó, trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung nhân lực cho công tác kiểm tra thực hiện quy hoạch ở các quận, huyện ven - nơi đang có tốc độ đô thị hóa rất mạnh mẽ. Kế đến là kiểm tra ở các dự án phát triển địa ốc để hạn chế đến mức tối đa tình trạng “bỏ ngỏ” công tác quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng đang tính đến khả năng mời thêm giáo sư trong các trường đại học kiến trúc và xây dựng tham gia vào công tác hậu kiểm.

Nói đến việc hậu kiểm ở các dự án phát triển địa ốc, trước đây Nhà nước có quy định nếu chủ đầu tư không hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật thì không được cấp giấy tờ nhà đất như một trong những giải pháp buộc các chủ đầu tư phải có trách nhiệm với công tác này, vì nếu chủ đầu tư không được cấp giấy tờ nhà, đất thì họ sẽ không có cơ sở làm giấy tờ nhà cho khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay, theo quy định mới, Nhà nước sẽ chủ động cấp giấy tờ nhà đất cho người dân - khách hàng của các chủ đầu tư này ngay cả trong trường hợp chủ đầu tư chưa hoàn thiện hệ thống hạ tầng. Đây là quyết định hợp lý nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân - khách hàng, thế nhưng, không có biện pháp chế tài, công tác hậu kiểm quy hoạch có đạt hiệu quả cao?

Sở Quy hoạch - Kiến trúc cùng các sở ngành chức năng sẽ nghiên cứu, đề xuất giải pháp khắc phục bất cập này. Về nguyên tắc, phải có các biện pháp chế tài đủ mạnh thì việc thực thi pháp luật mới đạt hiệu quả cao.

Thưa ông, công tác hậu kiểm quy hoạch sẽ được triển khai như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất?

Trước hết, phải tiến hành công bố quy hoạch. Sau đó phải triển khai cắm mốc theo chỉ giới quy hoạch được duyệt, đặc biệt phải khoanh được các khu vực dành cho việc xây dựng các công trình công cộng và phải có kế hoạch cụ thể nhằm bảo vệ các diện tích đất này. Trên cơ sở quy hoạch đã được duyệt, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ phân công cán bộ đi kiểm tra công tác thực hiện quy hoạch. Những cán bộ này ngoài trách nhiệm đối chiếu thực tế với quy hoạch được duyệt còn phải chủ động phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại quy hoạch. Quy hoạch nào không phù hợp với thực tế, sẽ được xem xét điều chỉnh. Bên cạnh đó, một công tác khác đặc biệt quan trọng cần phải triển khai ngay là Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ chủ trì, lấy ý kiến thêm của các chuyên gia để xây dựng Quy chế quản lý quy hoạch và kiến trúc đô thị ở tầm chung cho toàn TP và cụ thể cho từng quận, huyện. Những khu vực đặc biệt hoặc những khu vực nằm dọc các tuyến đường lớn, có tính chất huyết mạch của TP sẽ có những quy chế quản lý quy hoạch và kiến trúc đô thị riêng. Tất cả những quy định nêu trên sẽ là điều kiện tiên quyết cho việc triển khai quản lý thực hiện quy hoạch tốt trong thực tế. Mọi quy định này sẽ được công khai cho người dân biết để giám sát.

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM đang khẩn trương, chủ động phối hợp với các quận, huyện hoàn thiện quy hoạch chi tiết 1/2.000 cho các địa phương này. Nếu như trước kia, trước mỗi đồ án quy hoạch chi tiết 1/2.000 các quận, huyện trình lên, Sở Quy hoạch - Kiến trúc chỉ xem và có ý kiến, sau đó để các quận, huyện tự điều chỉnh thì nay Sở Quy hoạch - Kiến trúc trực tiếp phối hợp cùng với các quận, huyện điều chỉnh quy hoạch cho đến khi hoàn tất.
  • Đô thị hóa ở TPHCM - Bài 3: Nên áp dụng quy hoạch “cắt lớp”

    Đô thị hóa ở TPHCM - Bài 3: Nên áp dụng quy hoạch “cắt lớp”

    Làm thế nào để khắc phục tình trạng xây dựng tự phát ở các quận, huyện ngoại thành? PV Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, về vấn đề này.

  • Đô thị hóa ở TPHCM - Bài 2: Còn đó nỗi lo

    Đô thị hóa ở TPHCM - Bài 2: Còn đó nỗi lo

    Mặc dù còn hết sức khó khăn nhưng thời gian qua TPHCM đã xây dựng được hơn 600 cây cầu và hơn 2.000km đường, không những góp phần chống ùn tắc giao thông mà còn đóng góp quan trọng cho việc chỉnh trang đô thị ở TP. Tuy nhiên, hiện tượng đô thị hóa tự phát, xây dựng trái phép vẫn là nỗi lo thường trực của TPHCM.

  • Đô thị hóa ở TPHCM - Bài 1: Gương mặt mới

    Đô thị hóa ở TPHCM - Bài 1: Gương mặt mới

    Ngày nay, người dân TPHCM có quyền tự hào về những “thay da đổi thịt” của thành phố. Quận 4, một thời là “vùng đất dữ” nay đã trở thành vùng đất mà “khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn”. Quận 7 ngập sình lầy ngày xưa nay đã có thể tự hào về khu đô thị hiện đại Phú Mỹ Hưng với khu A xứng đáng đô thị mẫu của cả nước. Kênh “đen” Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé nay đã xanh trong... TPHCM hiện nay đã lớn gấp hơn 2 lần so với trước năm 1975. Một thành phố đã đô thị hóa cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Theo Nguyễn Khoa (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.