CafeLand - Tại buổi làm việc ngày 27-5 Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội hoài nghi việc điều chỉnh, phá vỡ quy hoạch thời gian qua có sự góp tay của lợi ích nhóm, sân trước-sân sau. Việc điều chỉnh quy hoạch còn tuỳ tiện, chủ quan và vẫn theo ý chí của chủ đầu tư.

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Đồng Nai) dẫn số liệu, cho biết cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 - 6 lần. Mỗi lần quy hoạch điều chỉnh là theo xu hướng tăng tối đa lợi ích nhà đầu tư, giảm tối đa các tiện ích công cộng. Chính điều này đã gây bức xúc cho xã hội, thậm chí không thể khắc phục được như tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa là ngập ở các thành phố lớn.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân đặt câu hỏi, trong 1.390 dự án có quy hoạch được điều chỉnh đó có bao nhiêu đề xuất điều chỉnh theo dự án của họ (nhà đầu tư)? Quốc hội nghĩ gì khi mật độ xây dựng điều chỉnh nâng từ 24,6 lên 40%, tầng cao bình quân từ 20,33 tầng lên đến 40 tầng?

Theo ông Nhân, thay vì thuyết phục các nhà đầu tư tuân thủ quy hoạch của Nhà nước thì quy hoạch lại bị bẻ cong theo đề xuất của họ. Lý do gì mà các nhà quản lý không thể bảo vệ điều do chính mình thực hiện thì hẳn ai cũng có câu trả lời.

Một khu đất trong Khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính đang được điều chỉnh để xây nhà cao tầng.

Ông dẫn chứng câu chuyện chủ trương di dời trường học, nhà máy, bệnh viện tại thủ đô Hà Nội để lấy quỹ đất xây dựng công trình công cộng, hạ tầng xã hội nhưng cuối cùng lại biến thành các dự án nhà ở cao tầng. Điển hình như Trường Y tế công cộng, 138B Giảng Võ trở thành tổ hợp thương mại văn phòng, căn hộ, nhà liền kề, biệt thự cao cấp.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhận định: có những khu vực quy hoạch rồi, tiến hành rồi nhưng do chi phối của các doanh nghiệp nên nhiều lãnh đạo tỉnh đi theo lợi ích doanh nghiệp, lợi ích cá nhân và làm cho quy hoạch thay đổi gây bức xúc cho người dân. Đặc biệt điều này còn làm ách tắc giao thông ở đô thị hoặc vấn đề khác trong cảnh quan.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho rằng trong quá trình triển khai quy hoạch vẫn cần phải điều chỉnh, nhưng nhiều quy hoạch điều chỉnh theo hướng tư lợi hay tư duy chủ quan hoặc theo đề xuất của chủ đầu tư. Điều chỉnh quy hoạch chi tiết tuy có điều chỉnh nghĩa vụ tài chính của nhà đầu tư nhưng trong nhiều trường hợp còn chưa tương xứng, dẫn đến thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước.

Vị này đề nghị, quy hoạch sử dụng đất được sử dụng phải là kịch bản cho kế hoạch sử dụng đất ngắn hạn, trung hạn và dài hạn sao cho phản ánh được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và môi trường. Quá trình lập kế hoạch chi tiết phải được công khai từ khâu đề xuất lấy ý kiến chuyên gia, người dân và doanh nghiệp. Việc điều chỉnh quy hoạch nên giao cho cấp trên của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thực hiện.

  • Hancorp điều chỉnh quy hoạch, cư dân xuống đường phản đối

    Hancorp điều chỉnh quy hoạch, cư dân xuống đường phản đối

    CafeLand - Hàng trăm cư dân khu đô thị (KĐT) khu Ngoại giao đoàn (phường Xuân Tảo (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) ngày 12-5 đã tập trung căng băng rôn, phản đối việc Tổng công ty xây dựng Hà Nội –CTCP (Hancorp) điều chỉnh quy hoạch dự án KĐT này. Sự việc diễn ra suốt hai năm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.