31/03/2014 7:54 AM
Hàng vạn căn chung cư "tắc" sổ hồng, hàng nghìn thửa đất đã có chủ nhưng chưa được chứng nhận…Dịch vụ làm sổ vì thế cũng "hốt bạc".

Hai mối quan tâm lớn nhất của người chưa có nhà ở ổn định là khả năng tiếp cận vốn ưu đãi từ nguồn tài chính công và vấn đề pháp lý sở hữu BĐS họ đã mua. Trong đó, ngay cả những ai đã mua và dọn vào sinh sống ổn định, vấn đề chứng nhận sở hữu nhà đất (sổ đỏ, sổ hồng) luôn là một cuộc "hành trình" gian nan.

Nhận sang tên số lượng lớn

Theo số liệu thống kê về lượng BĐS (nhà, đất) chưa có sổ đỏ, gặp "vấn đề" tại Hà Nội, tình trạng đất "treo" sổ, nhà không sổ diễn ra trên diện rộng từ khu nội đô tới ngoài vành đai 3. Tại khu vực Q.Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, hàng trăm hộ dân, hàng nghìn căn hộ chung cư "dài cổ vì sổ" kéo dài nhiều năm nay (khu Trung Hòa – Nhân Chính là một điển hình trong số đó).
Theo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), các chủ đầu tư hoàn thành thủ tục cấp sổ đỏ cho chủ sở hữu nhà trong 30 ngày, kể từ khi bàn giao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp tạo lập BĐS có uy tín, quy định trách nhiệm cho chủ đầu tư trong trường hợp này là khó khả thi, vì thủ tục liên quan tới quá nhiều các cơ quan quản lý chức năng. Đó là chưa kể, tình trạng nhiều dự án đã bán xong sản phẩm, người mua mới "ngã ngửa" vì cơ quan thanh tra công bố sai phạm của chủ đầu tư. Cuối năm 2013, trong tổng số khoảng 120.000 căn hộ đã bàn giao cho người mua nhà, khoảng 80.000 căn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, vì lỗi chủ yếu từ… doanh nghiệp).

Về phần nhà, thổ cư, đặc biệt là những mảnh đất xen kẹt, đất nông nghiệp chưa chuyển mục đích ở hay đất lấn chiếm, việc "nhà nhà đi làm sổ, người người gõ cửa dịch vụ" đã trở thành chuyện thường nhật. Điều này xuất phát từ thực tế rất nhiều người mua nhà đất (vì thiếu am hiểu, không có thời gian) không thể tự mình thực hiện thủ tục sang tên hoặc tách sổ đỏ khi giao dịch. Tìm hiểu được biết, nhu cầu làm sổ, tách sổ trải rộng ở các địa bàn nội đô tới ngoại vi. Sức cầu khổng lồ này đang là "miền đất hứa" cho rất nhiều đơn vị, công ty kinh doanh dịch vụ địa ốc khai thác.

Nếu được in ấn từ những chiếc phôi sổ đỏ thật (bị thất lạc), việc phân biệt sổ đỏ giả gần như là không thể

Trên các diễn đàn cộng đồng, khá nhiều lời chào mời quảng cáo của các công ty địa ốc đua nhau xuất hiện với nội dung công khai chi tiết về mức phí dịch vụ cũng như thời gian thực hiện "trọn gói" cấp sổ cho khách. Ví dụ, theo quảng cáo của một thành viên trên lamchame.com, "nhận làm các sổ trong các quận (Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Từ Liêm, Thanh Xuân, Thanh Trì, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng).

Và rủi ro rình rập

Phí dịch vụ làm sổ đỏ là 3 triệu đồng/bộ…". Được biết, thành viên này nhận được không ngớt yêu cầu tư vấn, "đặt vấn đề" của nhiều người. Đáng chú ý, người này còn nhận đơn hàng với số lượng lớn và không quên chi tiết cụ thể về thời gian, chi phí: "thời gian sang tên sổ đỏ ở Từ Liêm và Cầu Giấy: nếu làm bình thường mất 40 ngày. Còn nếu làm dịch vụ, chi phí sẽ tốn kém hơn và mất 14-20 ngày".

Trong những giao dịch đặt hàng dạng này, thông thường khách hàng (người cần tách, sang tên sổ) căn cứ vào uy tín của dịch vụ cung cấp (thông qua những người đã dùng trước đó). Cơ sở để "gửi trọn niềm tin" vào "cò" không ai dám chắc đó cũng là bộ sậu của dịch vụ đó. Làm ăn tin nhau là chính, tin đến mức không làm hợp đồng giao kèo (luật bất thành văn trong giới "cò"), hay có chăng chỉ là hợp đồng ủy quyền một cách sơ sài. Với số tiền vài triệu đồng đánh đổi để được cấp "bìa đỏ" nhanh chóng (nhanh hơn hẳn so với vào bộ phận một cửa), rất nhiều người đã tìm tới dịch vụ làm sổ đỏ kiểu này.

Năm 2013, dư luận "rung động" vì sự kiện 123 sổ đỏ cấp sai luật ở P.Định Công (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) dẫn tới phải thu hồi. Đầu năm 2014, cơ quan điều tra Công an Hà Nội bóc tách vụ án Nguyễn Thị Xuân Nhàn "chế" sổ đỏ giả, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng bằng cách thế chấp vay tiền của nhiều cá nhân… Và còn có rất nhiều vụ việc tương tự được "chỉ mặt, vạch tên" thời gian qua. Theo Công an Hà Nội, không thể biết chính xác còn có bao nhiêu sổ đỏ giả đang nằm trong các ngân hàng thương mại.

Thậm chí, liên quan tới chuyện thất thoát phôi sổ đỏ, chính lãnh đạo Bộ Tài nguyên & Môi trường (cơ quan cấp, quản lý trực tiếp từ số sê-ri của mỗi cuốn sổ) đã nhận trách nhiệm từ năm 2012. "Tôi nhận khuyết điểm trong vấn đề phôi này. Có 2 trường hợp có thể xảy ra: hoặc phôi có serie mà lọt ra ngoài là liên quan tới việc quản lý của các sở, hoặc các phôi đó là giả. Hà Nội vừa qua có nơi làm mất phôi sổ đỏ, có nơi làm mất 483 chiếc có seri. Dư luận lo ngại người ta sẽ sử dụng cái này để làm thế chấp hoặc lừa đảo, có trường hợp nhà 5 tầng có 5 giấy khác nhau…", ông Nguyễn Minh Quân, Bộ trưởng, Bộ TN&MT trả lời trực tuyến ngày 6/4/2012.

Như vậy, trong trường hợp vì cả tin, người chủ BĐS ủy quyền toàn bộ cho dịch vụ và chỉ chờ tới lúc được cầm tấm bìa đỏ trong tay, nguy cơ bị lừa đảo là hiển hiện. Bởi lẽ, nếu được in ấn từ những chiếc phôi sổ đỏ thật (bị thất lạc), việc phân biệt sổ đỏ giả gần như là không thể (trừ trường hợp chủ sở hữu mang sổ tới cơ quan chức năng để kiểm định).

Đông Hưng (Thời báo kinh doanh)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.