“Từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, liên kết và phân bố hợp lý trên các vùng; chú trọng phát triển đô thị miền núi, phát triển mạnh các đô thị ven biển…”. Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại “Hội thảo Việt - Nhật về phát triển đô thị” tổ chức tại Hà Nội ngày 1/3.
Cần quy hoạch một cách hệ thống
Phát biểu tại Hội thảo, bà Đỗ Tú Lan, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), cho biết, kiến trúc, cảnh quan đô thị được chính quyền đô thị quan tâm đầu tư phát triển với sự xuất hiện ngày càng nhiều quần thể kiến trúc, mảng đô thị hiện đại, ứng dụng công nghệ thiết kế, xây dựng tiên tiến của thế giới.
Đi đôi với việc tạo dựng ngày càng nhiều công trình kiến trúc cao tầng, các khu đô thị mới (KĐTM) hiện đại, đồng bộ thì công tác cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn các giá trị di sản kiến trúc đô thị cũng được coi trọng. Diện tích nhà ở bình quân đầu người đô thị đã đạt trên 18m2/người. Nhiều địa phương đang tập trung nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị như dự án đường sắt trên cao tại Hà Nội, dự án tàu điện ngầm tại TP. HCM, các tuyến giao thông huyết mạch...
Bên cạnh đó, phát triển đô thị tại Việt Nam còn một số hạn chế cần khắc phục như tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại các đô thị của cả nước còn thấp, trung bình đạt khoảng 45%, không đồng đều giữa các đô thị và vùng, miền. Tốc độ tăng trưởng và đô thị hóa cao tại nhiều đô thị dẫn đến sự mất cân đối trong khả năng đáp ứng của hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị. Tình trạng úng ngập, tắc nghẽn giao thông tại đô thị còn diễn ra phổ biến...
Tại Hội thảo, nhiều mô hình phát triển đô thị đã và đang được áp dụng tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới như đô thị sinh thái - Eco City, đô thị kinh tế sinh thái - Eco2 Cities, đô thị thông minh - Smart City... đã được giới thiệu để nghiên cứu áp dụng phù hợp tại các vùng miền ở Việt Nam.
Bà Lan cho biết, hiện 5 đô thị lớn ở Việt Nam là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ đang tham gia sáng kiến đô thị sinh thái - kinh tế (Eco2 Cities). Eco2 Cities giúp đỡ các thành phố quy hoạch, thiết kế, đầu tư và quản lý hệ thống đô thị toàn diện và tích hợp, chuyển từ những mục tiêu đơn lẻ và ngắn hạn sang các giải pháp tổng thể, đa mục tiêu và dài hạn. Theo mô hình đô thị sinh thái - Eco City, hiện có Khu đô thị Eco Park tại tỉnh Hưng Yên cách trung tâm thành phố Hà Nội 10km về hướng Đông Nam; Khu đô thị Ecolakes Mỹ Phước (Bình Dương) cách TP. HCM 40km về hướng Bắc; dự án đô thị sinh thái Đảo Kim Cương (Diamond Island) thuộc khu vực TP.HCM.
Tiêu
chí của mô hình này là xâm phạm ít nhất đến môi trường tự nhiên; đa
dạng hóa việc sử dụng đất, chức năng đô thị và các hoạt động khác của
con người; xây dựng hệ thống đô thị được khép kín và tự cân bằng; giữ
cho sự phát triển dân số đô thị và tiềm năng của môi trường được cân
bằng một cách tối ưu.
Đặc biệt, mô hình “đô thị thông minh - Smart City” là sự kết hợp giữa không gian đô thị và công nghệ thông tin, giúp người dân vận hành tất cả mọi công việc trên hệ thống công nghệ thông tin dưới sự điều hành của một trung tâm làm cuộc sống con người trở nên dễ dàng hơn, môi trường sinh hoạt an toàn và thoải mái hơn.
Tại
Hội thảo, Bộ trưởng Trinh Đình Dũng khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với
Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản khẩn trương triển
khai việc chọn địa điểm xây dựng dự án phát triển đô thị sinh thái “Eco
City” tại Hà Nội và TP. HCM.