21/03/2012 4:17 AM
TP Hà Nội vừa giao nhiệm vụ cho các quận, huyện đấu giá hơn 21ha đất và gần 20 căn nhà thuộc sở hữu Nhà nước ở khu vực nội thành nhằm thu cho ngân sách 2.500 tỷ đồng trong năm 2012. Đây có thể nói là nhiệm vụ hết sức khó khăn nếu thị trường bất động sản không có những chuyển biến tích cực.
Đấu giá nhà đất bị thu hồi
Tình hình thị trường BĐS đang ảm đạm, hiện nay khó thu hút được nhà thầu tham gia đấu giá

Tránh kịch bản 2011

Ngày 16-3, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã phê duyệt kế hoạch thực hiện các dự án đấu giá quyền sử dụng đất năm 2012. Theo đó, Hà Nội sẽ có 94 danh mục dự án đấu giá quyền sử dụng đất với tổng diện tích đất nghiên cứu lập dự án là 362.609ha, dự kiến thu 2.500 tỷ đồng. Thông tin từ các đơn vị liên quan cho biết, hiện nay, có 53 dự án đủ điều kiện đấu giá năm 2012. Trong đó, khối quận huyện có 29 dự án; khối các sở, ngành 5 dự án và đấu giá đất, nhà khu vực nội thành. TP giao cho chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương triển khai, tổ chức thực hiện công tác đấu giá đất ngay từ quý I-2012 đối với các khu đất, dự án đủ điều kiện đấu giá, được UBND TP giao; lập, phê duyệt kế hoạch các dự án và tổ chức đấu giá đất xen kẹt, nhỏ lẻ theo phân cấp...


Cách đây vài năm, khi thị trường bất động sản còn sôi động, việc thu về cỡ 2.500 tỷ đồng/năm từ đấu giá đất đối với Hà Nội là không khó. Thế nhưng, trong bối cảnh thị trường nhà đất trầm lắng như hiện nay, con số này lại trở thành nhiệm vụ không đơn giản với các quận, huyện. Bằng chứng rõ ràng nhất cho việc thị trường ảnh hưởng tiêu cực tới đấu giá đất chính là năm 2011. Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội, ông Vũ Văn Hậu cho biết, năm ngoái, chỉ có 10/29 quận huyện tổ chức đấu giá được tổng cộng 5,7ha, thu về số tiền khiêm tốn 892 tỷ đồng, chỉ đạt 36% kế hoạch nguồn thu được giao. Thế nên, từ nay tới cuối năm, nếu thị trường bất động sản vẫn trì trệ, rất có thể kịch bản bết bát của đấu giá đất năm 2011 sẽ lặp lại.


Thêm “hàng” mới cho thị trường


Rút kinh nghiệm năm ngoái, TP Hà Nội sẽ làm phong phú hơn nguồn hàng đưa ra đấu giá với gần 20 căn nhà thuộc sở hữu Nhà nước tại 4 quận nội thành cũ (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng). Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, các căn nhà đem đấu giá có diện tích từ nhỏ tới trung bình (từ 19 đến hơn 80m2).


Tuy nhiên, do chiếm vị trí đắc địa ở các tuyến phố sầm uất nên có giá trị lớn, thu hút được sự quan tâm của người dân. Cụ thể, số nhà đem đấu giá nằm tại các phố Hàng Thùng, Khâm Thiên, Hàng Buồm, Đồng Xuân, Phố Huế, Nguyễn Trường Tộ, Đội Cấn, Tây Sơn, Hàng Cân, Hàm Long, Bạch Mai, Hàng Bún, Hàng Than... Kinh nghiệm từ những năm trước cho thấy, tất cả các phiên đấu giá nhà tại các quận nội thành diễn ra trước đây đều rất sôi nổi với mức giá trúng có khi cao hơn vài lần so với giá sàn. Hồi năm 2008, tại phiên đấu giá căn nhà tại địa chỉ 48 Hàng Bông, mức giá trúng lên tới 506 triệu đồng/m2 (giá sàn 120 triệu đồng/m2), lập kỷ lục mới cho giá nhà đất nội thành vào thời điểm đó.


Nâng cao hiệu quả sử dụng Quỹ nhà đất

Việc đưa ra kế hoạch đấu giá gần 20 điểm nhà trung tâm cho thấy, Hà Nội đang tìm mọi cách để nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ nhà chuyên dùng hiện có. Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hà Ninh cho rằng, với các cơ sở nhà đất nhỏ lẻ, xen lẫn với nhà dân có diện tích dưới 50m2, hoàn toàn có thể đề xuất xử lý thu hồi bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo sát giá thị trường cho các đối tượng đang thuê có nhu cầu mua lại nhằm tăng thu cho ngân sách thành phố, trường hợp các đối tượng đang thuê không có nhu cầu mua lại thì thu hồi thực hiện bán đấu giá tài sản trên đất.


Giữa lúc thị trường đang khó khăn, nguồn thu hạn hẹp, TP Hà Nội cũng “tranh thủ” siết chặt lại việc sử dụng quỹ nhà chuyên dùng, hạn chế lãng phí. Theo bà Nguyễn Thị Hà Ninh, các cơ sở nhà, đất nếu sử dụng không đúng mục đích, vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước hoặc hiện tại đang cho thuê, cho mượn, liên doanh liên kết, sử dụng kém hiệu quả, bị lấn chiếm thì cũng cần phải thu hồi. Các bất động sản này sau đó có thể bán đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo sát giá trị trường cho các đối tượng có nhu cầu. Tương tự, với những hợp đồng thuê nhà (đã hết hạn), trong năm 2012, phải xác định lại đơn giá cho thuê nhà với yêu cầu sát giá thị trường và theo cơ chế đấu thầu giá thuê nhà để đảm bảo tính công khai, minh bạch, góp phần tăng thu cho ngân sách...


Thanh tra việc cấp “sổ đỏ” nhà 61


Bộ Xây dựng vừa có quyết định tiến hành thanh tra quy trình bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định 61/CP tại Hà Nội. Cụ thể, đoàn thanh tra sẽ kiểm tra thủ tục hành chính, hồ sơ mua nhà, thủ tục cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, việc tiếp quản quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước... Qua đó, Bộ Xây dựng sẽ nắm bắt tình hình thực tiễn để đẩy nhanh tiến trình bán nhà theo Nghị định 61/CP, đồng thời nghiên cứu đề xuất quy định mới về quản lý nhà, kiểm tra nguồn vốn đã thu đưa về Quỹ Phát triển nhà ở.


Tại Hà Nội, 90% nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước đã được bán theo Nghị định 61/CP cho người dân. Trong đó, năm 2011 đã bán được 6.300 căn, doanh thu 350 tỷ đồng. Số GCN đã cấp là 7.000 giấy. Sắp tới, khi chính sách mua nhà sở hữu Nhà nước thay đổi, có thể người dân phải mua theo giá mới tính theo giá đất ban hành hàng năm.
Theo ANTĐ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.