05/02/2012 2:57 PM
Theo giới chuyên gia đánh giá, trong giai đoạn ngành BĐS đang sống dở chết dở như hiện nay, việc đánh thuế nhà chẳng khác gì liều thuốc độc dược giết các doanh nghiệp BĐS.

Xung quanh vấn đề này, PV Nguoiduatin.vn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đực, phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, phó giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành.


Đánh thuế nhà: “Đúng nhưng chưa hợp thời điểm”

Ảnh minh họa


"Nhiều doanh nghiệp rồng sẽ biến thành doanh nghiệp rắn"?


Xin ông cho biết quan điểm của mình về đề xuất mới này?


Như tôi đã nói, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh là phải đóng thuế cho Nhà nước. Tuy nhiên, thu thuế thế nào cho hợp lý và đúng lúc là điều cần tính toán kỹ chứ không phải thuế là tận thu sức dân. Mục tiêu làm minh bạch thị trường BĐS, tránh đầu cơ, thổi giá là rất đáng hoan nghênh, tuy nhiên sinh ra thuế nhà trong thời điểm hiện nay là không phù hợp.


Ví dụ, trước đây - thời điểm năm 2007, giai đoạn thị trường BĐS đang nóng, để hạ cơn sốt có thể Nhà nước cho đóng thuế nhà sẽ hợp lý hơn. Còn trong giai đoạn ngành BĐS đang sống dở chết dở, nhà đất đóng băng, tồn đọng hàng trăm ngàn căn hộ chưa bán được như hiện nay thì đóng thuế nhà sẽ như liều thuốc độc dược giết chết các doanh nghiệp.


Cách đây không lâu, Bộ Xây dựng cũng đề xuất đánh thuế nhà nhằm điều tiết thị trường BĐS nhưng chưa được Quốc hội thông qua do không nhận được sự đồng thuận của người dân...


Mục tiêu hướng đến của đề xuất này là nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, thổi giá nhưng hiệu ứng tiêu cực của nó sẽ rất lớn. Thay vì cởi mở, tạo điều kiện thông thoáng để thu hút người mua, giải pháp này sẽ ngăn chặn người mua, thậm chí đẩy giá nhà cao lên. Chúng ta biết rằng, nhà đất cũng là loại hàng hóa, giống như các hàng hóa khác đều có hai loại thị trường, một loại mua để tiêu dùng ngay, một loại mua để trữ lại khi đủ điều kiện sẽ bán kiếm lời. Hai thị trường đó luôn tồn tại song hành và là giải pháp kinh tế để giải quyết bài toán khi sản phẩm được sản xuất ra ào ạt mà chưa tiêu thụ được ngay.


Nhiều người cho rằng, đánh thuế đối với nhà sẽ khiến giá nhà đất tăng cao, từ đó cơ hội cho những người có nhu cầu thật về nhà ở tiếp cận với nhà, đất càng khó khăn hơn. Ông có đồng ý với ý kiến này?


Theo tôi, trong tình hình hiện nay, thị trường nhà đất đã chịu quá nhiều áp lực không nên đưa thêm bất kỳ chính sách thuế nào nữa, không những không cứu được thị trường mà có thể đẩy nó đến bờ vực phá sản.


Là người nhiều năm gắn bó với ngành BĐS, ông nhìn nhận thế nào về sự phục hồi của ngành trong năm 2012?


Thời điểm năm 2012 sẽ là giai đoạn tiếp tục khó khăn của ngành BĐS, các doanh nghiệp sẽ phải vật lộn để tồn tại. Năm nay là năm con rồng, sang năm 2013 là năm con rắn, nếu không có bước đi đúng đắn và kịp thời có thể sau năm 2012 nhiều doanh nghiệp “rồng” sẽ biến thành doanh nghiệp “rắn”.


Doanh nghiệp phải tự cứu mình


Vậy ông đánh giá thế nào về những động thái nhằm cứu thị trường BĐS cuối năm 2011của Bộ Xây dựng?


Theo quan điểm của tôi, những động thái mới đây của Bộ Xây dựng chưa có tác dụng nhiều bởi lẽ ra phải nhắm vào những giải pháp trong nội bộ ngành thì Bộ lại hướng sang lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Từ khoảng 1 năm nay, chưa có một văn bản nào để tháo gỡ cho thị trường BĐS. Bộ Xây dựng cần làm gấp những việc sau: Thứ nhất, là cải cách thủ tục hành chính, những yếu tố gây kéo dài thời gian đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án cần phải được thay đổi. Những dự án kéo dài đến 5-7 năm, giờ làm sao rút ngắn xuống khoảng 1, 5 năm đến 2 năm như vậy doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được từ 10 20% chi phí đầu tư.


Bên cạnh đó, Bộ cần tháo gỡ để tạo quỹ đất sạch để đem đấu giá, giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận quỹ đất, tạo nguồn cung dồi dào sẽ kéo giá nhà, đất giảm mạnh. Khi giá nhà đất giảm, người dân sẽ có điều kiện mua được nhà giá rẻ và đầu cơ cũng sẽ giảm.


Để hạn chế tình trạng đầu cơ, thổi giá nhà đất lên cao, mới đây Sở Xây dựng TP.HCM đã đề xuất Bộ Xây dựng đánh thuế với cả nhà theo hình thức luỹ tiến, thay vì chỉ đánh thuế đất như hiện nay. Hộ gia đình, cá nhân càng có nhiều diện tích đất thì mức thuế càng cao, sở hữu càng nhiều nhà mức thuế càng tăng, nhà cao cấp mức thuế nặng hơn nhà trung bình.

Bộ Xây dựng nhiều lần công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng về ý tưởng xây dựng những căn hộ diện tích nhỏ, trung bình phù hợp túi tiền của người dân nhưng chưa đưa ra bất kỳ văn bản nào để cụ thể hoá ý tưởng này, tức là có phát mà không có động?. Cá nhân tôi cũng rất nhiều lần kiến nghị phải có những quy định cụ thể về loại căn hộ này nhưng đều không nhận được hồi âm. Bản thân tôi cũng là một doanh nghiệp, Bộ Xây dựng kêu gọi chúng tôi làm căn hộ nhỏ, tính thanh khoản cao đáp ứng nhu cầu của người dân nhưng Bộ không ban hành quy định cụ thể làm sao chúng tôi dám thực hiện.


Theo tôi, phải làm nhanh nếu không doanh nghiệp BĐS sẽ ngày càng kiệt quệ. Khả năng, trong năm 2012 sẽ có nhiều doanh nghiệp bị xoá sổ, biến mất trên thị trường hoặc rơi vào tay các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài. Hệ quả doanh nghiệp bỏ trốn, nợ dây chuyền, và “cục nợ” đó Nhà nước sẽ phải gánh chịu hậu quả, xã hội sẽ chịu nhiều gánh nặng.


Để vực dậy ngành BĐS trong năm 2012, ngoài chờ đợi những chính sách mới từ trên, bản thân các doanh nghiệp nên làm gì, thưa ông?


Theo tôi, không còn cách nào khác doanh nghiệp phải tự tìm cách cứu mình. Sử dụng đồng thời hai chiến lược, tài chính và sản phẩm. Doanh nghiệp phải bán bớt dự án của mình, kể cả chấp nhận lỗ từ 10 - 20%, thậm chí 30 - 40% để thu hồi vốn, ổn định lại túi tiền. Năm 2012, các doanh nghiệp không nên tham vọng về mức lãi lớn, lãi “khủng” như những năm trước. Đối với chiến lược sản phẩm, làm sao đi vào sản phẩm diện tích nhỏ, hạ giá thành. Doanh nghiệp phải tìm cách tiết kiệm từ mẫu mã, thi công, thậm chí phải tự thi công một số công đoạn như xây thô, hoàn thiện, thiết kế nội thất, các căn hộ diện tích nhỏ, nội thất trung bình. Điều này sẽ tạo ra các căn hộ có giá bán thấp và mặt bằng căn hộ giá thấp sẽ được hình thành.


Xin cảm ơn ông!

Theo Anh Đức (Người đưa tin)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.