Báo NLĐ vừa nhận được đơn của ông Nguyễn Xuân Thắng (ngụ xã Ea Toh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) khiếu nại UBND huyện Krông Năng đã lừa lấy đất của ông cấp cho người khác.
16 năm đòi đất
Theo đơn ông Thắng trình bày, năm 1998, Ban Quy hoạch khu vực Bãi Bằng (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) chuẩn bị thu hồi 12.400 m2 đất của gia đình ông và dự kiến đền bù với số tiền là 32 triệu đồng để quy hoạch khu trung tâm xã. Khi ông Thắng chuẩn bị nhận tiền và ký vào biên bản thỏa thuận thì lực lượng chức năng huyện Krông Năng đình chỉ vụ việc. Nguyên do là Ban Quy hoạch khu vực Bãi Bằng không đủ thẩm quyền thu hồi đất.
Thế nhưng vào thời điểm đó, Ban Quy hoạch khu vực Bãi Bằng đã “lỡ” phân lô, bán đất của ông Thắng cho một số hộ dân nên mặc dù chưa có quyết định thu hồi nhưng thực tế số diện tích này ông Thắng không được quyền sử dụng mà thuộc quản lý của cơ quan chức năng. Ông Thắng đã làm đơn đề nghị cơ quan chức năng trả 32 triệu đồng tiền đền bù theo thỏa thuận hoặc giải tỏa số hộ dân để trả đất lại cho ông nhưng không được giải quyết. Đến năm 2007, UBND huyện Krông Năng lại tiếp tục cấp phép xây dựng Phòng Giao dịch Tân Phát (thuộc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Năng) và một số cơ sở hạ tầng trên một phần diện tích đất của ông Thắng.
Nhận được khiếu nại của ông Thắng, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có công văn số 4482/UBND-NC ngày 31-8-2010 giải quyết vụ việc. Theo đó, do chưa được bồi thường nên 12.400 m2 đất trên vẫn thuộc quyền sử dụng của ông Thắng. UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu UBND huyện Krông Năng giải quyết khiếu nại của ông Thắng theo hướng: Công nhận quyền sử dụng đối với toàn bộ diện tích đất trên, đồng thời cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất đối với phần diện tích còn lại (sau khi trừ của chi nhánh ngân hàng, bưu điện văn hóa và một số hộ gia đình đã sử dụng). Đối với diện tích 1.000 m2 mà ngân hàng và bưu điện đang sử dụng trên diện tích đất của ông Thắng thì lập thủ tục thu hồi và bồi thường cho gia đình ông.
Chỉ đạo một đằng làm một nẻo
Văn bản của UBND tỉnh Đắk Lắk đã hướng dẫn rất rõ ràng nhưng thay vì thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên thì cuối năm 2010, UBND huyện Krông Năng lại “năn nỉ” ông Thắng hiến tặng 3.640 m2 đất đã lỡ sử dụng và hứa sẽ cấp GCNQSD đất cho diện tích còn lại (8.760 m2) và được ông Thắng chấp nhận. Thế nhưng sau đó, UBND huyện Krông Năng lại không cấp GCNQSD cho ông Thắng.
Tháng 5-2011, UBND huyện Krông Năng tiếp tục “xin” ông Thắng thêm 2.400 m2 đất. Đổi lại, UBND huyện sẽ cấp 100 m2 đất tại khu giáp ranh với chi nhánh ngân hàng nằm trên khu đất cũ của ông Thắng và cấp GCNQSD đất cho ông Thắng sau khi trừ các diện tích đã hiến. Điều đáng nói là đến năm 2013, UBND huyện Krông Năng lại lấy diện tích đất mà ông Thắng hiến tặng chia lô giao cho hàng chục hộ dân nhưng lại “quên” cấp 100 m2 đất cho gia đình ông như đã thỏa thuận. “UBND huyện không cấp 100 m2 đất cho tôi, đồng nghĩa với việc thỏa thuận bị phá vỡ nhưng huyện vẫn vô tư lấy đất của tôi đem cấp cho người khác. Như vậy, chẳng khác nào UBND huyện lừa lấy đất của tôi” - ông Thắng bức xúc.
Nói về sự bất nhất trên, ông Trương Hoài Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Năng, vòng vo: “Khi có quy hoạch thành lập chợ tại khu Bãi Bằng, nhiều hộ dân đã nộp tiền mua đất trên phần đất của ông Thắng. Việc này kéo dài đã nhiều năm nên để ổn định tình hình an ninh trật tự, lúc ông Thắng hiến đất và đưa ra thỏa thuận, huyện có đồng ý cấp 100 m2 đất nhưng thực ra chỉ là “ghi nhận”(!?). Do vị trí “ghi nhận” cấp đất cho ông Thắng trước đó đã được quy hoạch đất chuyên dùng nên giờ không thể cấp cho ông Thắng được”.
Trả đất trên giấy! Thực hiện 1 trong 2 nội dung thỏa thuận hiến đất, tháng 10-2011, UBND huyện Krông Năng đã cấp GCNQSD đối với 6.360 m2 cho ông Thắng, đồng nghĩa trả lại số diện tích chưa sử dụng. Tuy nhiên, ông Thắng cho biết: “Mang tiếng được huyện trả đất nhưng gia đình tôi không sử dụng được vì đất đã bị lấn chiếm mà huyện không có biện pháp giải tỏa. UBND huyện hướng dẫn tôi làm đơn kiện các hộ đó ra tòa nhưng tòa không xử được vì bản đồ địa chính xã ghi số thửa khác so với GCNQSD đất do UBND huyện cấp”. |