14/08/2013 2:21 PM
Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhà ở, đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam.

Để triển khai thực hiện đúng quy định của Quốc hội và của Chính phủ về chính sách mua và sở hữu nhà ở đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương hướng dẫn các tổ chức chuyên môn khi làm thủ tục công chứng, chứng thực cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam cần thực hiện đúng quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:


Ảnh minh họa

Về thủ tục công chứng, chứng thực các giao dịch về nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam:

Khi thực hiện công chứng hoặc chứng thực các giao dịch về nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam thì không yêu cầu phải có hộ khẩu thường trú và chứng minh thư nhân dân mà chỉ cần có hộ chiếu Việt Nam hoặc hộ chiếu nước ngoài kèm theo Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam hoặc Giấy xác nhận gốc Việt Nam và các giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo đúng quy định tại Điều 66 và Điều 67 của Nghị định số 71/2010/NĐ-CP;

Về xác định điều kiện cư trú để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam:

Khi làm thủ tục công chứng, chứng thực hợp đồng và khi cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở thì không bắt buộc người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải đáp ứng điều kiện cư trú thực tế tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên mà chỉ cần có các giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên là đủ điều kiện được mua và sở hữu nhà ở theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 19 của Thông tư số 16/2010/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

Đề nghị thống nhất thực hiện quy định về điều kiện cư trú 3 tháng cũng được hiểu là 90 ngày (theo quy định tại Điều 151 của Bộ Luật dân sự) mà cơ quan xuất nhập cảnh đóng dấu ghi vào hộ chiếu khi người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam;

Về khu vực người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam:

Theo quy định tại Điều 66 của Nghị định số 71/2010/NĐ-CP thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, đổi nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở (không phân biệt trong dự án phát triển nhà ở hay tại các khu dân cư hiện hữu); được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại khu vực được phép chia lô bán nền để tự xây dựng nhà ở.

Vì vậy, đề nghị các địa phương hướng dẫn người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện quyền sở hữu nhà ở và việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở theo đúng quy định tại Nghị định số 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo để các cơ quan chuyên môn của địa phương thực hiện đúng các quy định của pháp luật về nhà ở, đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam, nhằm bảo đảm quyền lợi cho kiều bào khi về Việt Nam mua và sở hữu nhà ở.

V.M (Thời báo ngân hàng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.