17/12/2016 8:54 PM
Sáng 17/12, Hội Quy hoạch - Kiến trúc - Xây dựng và Hội Cầu đường Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Đà Nẵng - 20 năm quy hoạch và phát triển đô thị”.
Sau 20 năm kể từ chia tách tỉnh, trở thành TP trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có những bước phát triển đáng kể trong công tác quy hoach và phát triển đô thị, được cả nước đánh giá cao. Tuy nhiên để nhìn nhận một cách khách quan, bên cạnh những mặt được cần nhìn nhận, đánh giá đúng những vấn đề còn tồn tại cần khắc phục trong công tác quy hoạch phát triển của Đà Nẵng. Đó là ý kiến đóng góp của những chuyên gia, những nhà quản lý và những nhà khoa học tại Hội thảo mong mỏi được các cấp lãnh đạo lắng nghe để phát triển Đà Nẵng mang tính dài lâu và bền vững.
KTS Bùi Huy Trí (Sở Xây dựng Đà Nẵng) cho rằng: Nhìn chung đô thị Đà Nẵng phát triển khá bài bản, đồng bộ và còn được xem là hình mẫu của các địa phương. Nhưng so với dòng chảy của trào lưu phát triển đô thị thế giới mang tính bền vững thì đô thị Đà Nẵng đang ngụp lặn khá xa ở phía sau. Chúng ta cần xem xét lại mô hình phát triển đô thị hiện tại và cần có tư duy mới mẻ về tái cấu trúc đô thị trên cơ sở tiếp cận các mô hình phát triển tiên tiến. Mô hình các khu nhà ở chia lô tràn lan không phải là phương thức tổ chức môi trường sống tiên tiến. Hạn chế thấp nhất nền bê tông trong đô thị bằng các giải pháp kỹ thuật. Tăng cường công tác phản biện xã hội trong quy hoạch phát triển đô thị.
Để phát triển Đà Nẵng mang tính tầm cỡ rất khó thực hiện, bởi theo KTS Hoàng Sừ, nguyên Chủ tịch Hội KTS Quảng Nam cho rằng: Mô hình phát triển đô thị cơ bản thấp tầng và sinh thái theo quy hoạch chung làm cho thành phố phát triển nhanh nhưng đồng thời Đà Nẵng cũng gần như cạn kiệt quỹ đất. Đừng nói đến tương lai xa, ngay tại lúc này đây cũng khó tìm ra một khu đất vài chục hecta thuận lợi để xây dựng trung tâm thành phố mới hay trung tâm thương mại mua sắm tập trung. Khi dân số Đà Nẵng tăng gấp đôi, gấp 3 hiện nay thì câu hỏi về đất đai đô thị khó có lời giải.
Đối với phát triển giao thông trong quy hoạch đô thị cũng lộ ra nhiều khiếm khuyết lớn, ông Trần Dân, Chủ tịch Hội Cầu đường Đà Nẵng cho rằng: Sự phát triển nhanh chóng của hệ thống hạ tầng giao thông đã tạo tiền đề cho đô thị phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng, thay đổi bộ mặt của đô thị. Tác động tích cực đến việc phát triển các lĩnh vực kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng. Tuy nhiên sự phát triển nhanh, mạnh ấy cũng đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn. Nhiều ý kiến phản biện, tâm huyết về nghiên cứu của các nhà khoa liên quan đến việc quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông Đà Nẵng không được các cấp lãnh đạo Đà Nẵng lắng nghe dẫn đến nhiều công trình xây dựng xong chỉ trong một thời gian ngắn đưa vào sử dụng đã lộ ra nhiều điều bất cập trong thiết kế mà chúng tôi đã từng cảnh báo, phản biện, góp ý như việc xây dựng cầu Cẩm Lệ, cầu Thuận Phước, cầu Hòa Xuân…
Nhiều ý kiến cho rằng Đà Nẵng nên mạnh dạn làm một “cuộc đại phẫu” trong quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng 20 năm qua: Mạnh dạn đánh giá đúng những ưu khuyết điểm trong chặng đường đã qua; Thay đổi thói quen phát triển đô thị như hiện nay; Phát triển đô thị gắn với tầm nhìn dài hạn, tạo sự khác biệt riêng trong phát triển đô thị, gắn phát triển với bản sắc, chất lượng đô thị và bền vững thì đô thị Đà Nẵng mới có bước phát triển tiếp theo.
Nguyễn Nam (Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.