Đi tìm nguyên nhân
Theo Báo cáo số 135/BC-UBND huyện Thủy Nguyên ngày 31/7/2013 báo cáo UBND thành phố Hải Phòng thì dự án Làng nghề đúc Mỹ Đồng được triển khai thực hiện từ năm 2002 do Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng của huyện làm chủ đầu tư. Sau khi thi công xong các hạng mục, hạ tầng kỹ thuật, huyện đã tổ chức cho các hộ gia đình làm nghề đúc ở xã Mỹ Đồng được thuê đất và giao đất cho các hộ để xây dựng nhà xưởng. Nhưng do nhu cầu phát triển và thể theo nguyện vọng của các hộ gia đình được thuê đất trong làng khi thành lập DN nên huyện đã thống nhất cho lập hồ sơ đề nghị cho các DN này thuê đất. Đồng thời việc lập hồ sơ đề nghị với thành phố như nêu trên thì các DN ở đây đã tiến hành xây dựng nhà xưởng của các DN trong làng nghề do huyện buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra của UBND xã Mỹ Đồng nên đã để các DN trong làng nghề xây dựng chồng lấn vào phần đất quy hoạch để trồng cây xanh, vỉa hè và một số hạ tầng khác nên không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Chính vì vậy, với những vi phạm như hiện nay việc yêu cầu thành phố Hải Phòng cấp giấy theo hiện trạng là rất khó khăn, vì công trình xây dựng lấn ra cả vỉa hè và đường trục chung.
Ông Đinh Văn Vĩ - Phó chủ tịch Hiệp hội đúc Mỹ Đồng cho biết: Hiện tại xã có khoảng 200 DN, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực đúc đồng, đúc gang. Thời hoàng kim, mỗi năm làng nghề cho ra lò hàng chục vạn tấn sản phẩm, doanh thu gần 1.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 4.000 lao động tại địa phương và các vùng lân cận với mức thu nhập từ 3 - 10 triệu đồng/tháng/người.
Hiện nay các DN trong làng Mỹ Đồng rất cần vốn để mua nguyên liệu đáp ứng kịp đơn hàng đã phải vay ngoài với lãi suất lên tới vài chục phần trăm. Trong khi đó thì từ thời điểm triển khai xây dựng cụm công nghiệp là năm 2002, rồi rục rịch giao đất từ 2003 - 2004 đến nay, các hộ gia đình, cá nhân và nay là các DN vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do vậy cơ hội thế chấp vay vốn chính ngạch từ các ngân hàng rất khó.
Tháo gỡ cách nào ?
Trước những bức xúc của DN, trả lời phóng viên DĐDN, đại diện Sở TNMT cho biết: với quy định của pháp luật hiện hành thì rõ ràng không thể cấp GCNQSDĐ. Tuy nhiên, xét từ yêu cầu thực tế, từ quyền lợi của DN và thiết thực tháo gỡ khó khăn cho DN, các ngành đề xuất, thành phố có công văn giao huyện Thủy Nguyên giải quyết tồn tại, điều chỉnh quy hoạch theo thực tế sử dụng đất, hướng dẫn các DN lập hồ sơ xin cấp giấy.
Đại diện Sở Xây dựng cho biết, cuối năm 2012 mới nhận được hồ sơ của huyện Thủy Nguyên, nhưng có nhiều bất cập như hệ số sử dụng đất còn thiếu, chưa đề cập tới quy hoạch thu gom rác thải, bố trí các công trình xây dựng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa rõ ràng… Vì thế, huyện Thủy Nguyên tiếp tục phải hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch và tới cuối tháng 5/2013 mới trình lại các ngành thành phố. Tuy nhiên, với hồ sơ điều chỉnh quy hoạch mới nhất này cũng không đạt yêu cầu vì “bê” nguyên bản quy hoạch cũ đã được duyệt, không phản ánh đúng tình hình sử dụng đất thực tế hiện nay của DN, như vậy không thể có căn cứ để cấp giấy.
Cũng tại bản báo cáo của UBND huyện Thủy Nguyên thì, huyện đã tiến hành kiểm điểm sâu sắc tập thể, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã và các cán bộ liên quan, đồng thời tiếp tục chỉ đạo khắc phục những những tồn tại như giải tỏa các công trình nhà tạm, lán tạm, mái tôn lấn chiếm vỉa hè, đường quy hoạch trong làng nghề; hoàn thành việc truy thu tiền sử dụng đất, tiền đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng; xác nhận đề án bảo vệ môi trường; phối hợp Sở cảnh sát PCCC kiểm tra, hướng dẫn các DN chấp hành Luật PCCC; bổ sung các thủ tục để hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gửi Sở TNMT xem xét… Tuy nhiên, vướng mắc nhất hiện nay là chưa tìm được giải pháp thống nhất về điều chỉnh quy hoạch.
Lãnh đạo Văn phòng UBND thành phố khẳng định, vấn đề bây giờ là bàn cách tháo gỡ tạo điều kiện tối đa cho DN, nhưng cũng phải tuân thủ các quy định của Nhà nước, không thể làm tùy tiện. Vì vậy, các ngành phối hợp chặt chẽ huyện Thủy Nguyên điều chỉnh quy hoạch, trong tháng 6 trình thành phố xem xét, phê duyệt, phấn đấu sớm cấp giấy cho 22 DN làng nghề trong năm nay. Bên cạnh đó, cần chú ý cấp cả chứng nhận tài sản trên đất mới đủ cơ sở pháp lý để DN thế chấp, vay vốn ngân hàng. Vì thế, huyện Thủy Nguyên trước hết phải hoàn tất hồ sơ điều chỉnh quy hoạch bảo đảm yêu cầu, tôn trọng hiện trạng đồng thời phải xử lý các trường hợp vi phạm, lấn chiếm. Về phía các DN cũng phải thấy được trách nhiệm của mình, ủng hộ, hợp tác với chính quyền bằng cách tự tháo dỡ những công trình lấn chiếm đất công.