“Nhà, đất hợp pháp, xin được bồi thường mà chỉ giải quyết tạm ứng theo kiểu xin-cho là khó chấp nhận” - Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM nhận định.

“Tôi đã lớn tuổi rồi, lại thêm bệnh tim và gan nên không còn thời gian để chờ đợi nữa. Nhà nước bồi thường được bao nhiêu thì cứ công bố để lỡ khi tôi mất đi, con cháu tôi còn biết đường phân xử” - ông La Thành Phú, 83 tuổi, thở dài khi trò chuyện cùng chúng tôi.

Mong mỏi từng ngày

Ở tuổi 83, ông La Thành Phú vẫn giữ được nét tinh anh của một vị nguyên đại tá quân đội, chuyên viên cao cấp của Ban Nội chính Trung ương. Ông cho biết: “Tài sản lớn nhất của gia đình tôi ngoài căn nhà nhỏ nằm sâu trong hẻm 132 đường Vườn Chuối, phường 4, quận 3 là khu đất hơn 4.500 m2 tại 74A/3 Hoàng Đạo Thúy, ấp 1, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh”.

Năm 1991, ông Phú mua khu đất này vừa làm nhà ở (120 m2), vừa xây một nhà xưởng cho thuê (khoảng 1.700 m2), còn lại là đất nông nghiệp. Ông đào ao thả cá và cải tạo vườn tược trở thành một khuôn viên sinh hoạt xinh xắn. Riêng phần nhà xưởng, thời điểm đó ông cho thuê mỗi tháng 40 triệu đồng. Với nguồn thu nhập này, gia đình ông có cuộc sống khá dư dả.

Ông La Thành Phú ngồi trong khuôn viên hoang tàn, mục nát của gia đình mình. Ảnh: V.HOA

Năm 1996, toàn bộ nhà, đất của ông Phú nằm trong quy hoạch dự án xây dựng khu E, một trong năm khu của đô thị mới Nam TP. Năm 2007, toàn bộ 1.500 m2 đất nông nghiệp của ông được UBND huyện Bình Chánh bồi thường hơn 457 triệu đồng. Riêng phần diện tích hơn 3.000 m2 bao gồm nhà ở, nhà xưởng, nhà mồ không được bồi thường, hỗ trợ do chưa có phương án bồi thường.

Sau khi có quy hoạch, gia đình ông không đòi hỏi gì thêm mà chỉ mong mỏi được sớm giải tỏa để nhận tiền bồi thường nhưng mãi vẫn không có động tĩnh gì. Tiền chưa thấy đâu, riêng thiệt hại trước mắt đã rất lớn. “Khi nghe đất nằm trong quy hoạch, người ta liền ép giá cho thuê nhà xưởng xuống chỉ còn 7 triệu đồng/tháng. Mười mấy năm qua tôi thiệt hại bao nhiêu, có ai đền được không? Ngoài ra, khi công bố quy hoạch, tôi không còn được quyền mua bán, sang nhượng, xây cất hoặc sửa chữa lớn. Như vậy tôi đâu còn gì” - ông Phú than thở.

Trong suốt mười mấy năm, ông Phú nhiều lần viết đơn xin được tạm ứng phần bồi thường cho đất ở và đất nhà xưởng để lấy tiền chữa bệnh và lo cưới xin cho các con. Sau không biết bao nhiêu lần đi lại quãng đường 15 km từ nhà lên UBND huyện Bình Chánh, đến nay ông được nhận năm lần tạm ứng và tiền bồi thường đất nông nghiệp trước đó, tổng cộng hơn 2,2 tỉ đồng. Nay ở tuổi 83, ông không còn có thể tự chạy xe được nữa mà phải có con trai đi cùng.

Không riêng gia đình ông Phú, gần 700 hộ dân chịu ảnh hưởng bởi dự án trên cũng hằng ngày mòn mỏi chờ được giải quyết bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng để ổn định cuộc sống.

Cuối năm 2013 sẽ bồi thường cho dân

Liên quan đến trường hợp của ông La Thành Phú, Sở TN&MT đã có văn bản kiến nghị UBND TP có hướng giải quyết. “Thời gian bồi thường hỗ trợ kéo dài gần 20 năm làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Điển hình như trường hợp của ông La Thành Phú, nhà, đất có nguồn gốc hợp pháp bị rơi vào hoàn cảnh quy hoạch, xin được giải tỏa để nhận tiền bồi thường, vậy mà phải theo cơ chế xin-cho là khó chấp nhận” - sở này nhận định.

Sở TN&MT kiến nghị UBND TP cho phép dùng phương án bồi thường của UBND quận 8 (một trong hai địa phương bị ảnh hưởng bởi dự án đầu tư xây dựng khu E) để giải quyết cho ông Phú. Phương thức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho ông Phú tương ứng 80% tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn quận 8. Sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của huyện Bình Chánh được phê duyệt thì có thể xem xét truy thu sau.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh, không thể dùng phương án bồi thường của quận 8 để áp dụng vào cho khu vực Bình Chánh. Lý do là hiện nay, phương án giá của huyện cũng đã sắp hoàn thiện. Ông Tùng cho biết thêm, trước đây ban bồi thường và chủ đầu tư cũng kiến nghị áp dụng mức bồi thường bằng 60% vị trí gần nhất (tức quận 8) để bồi thường cho ông Phú nhưng không được huyện chấp thuận.

Theo giải trình của UBND huyện Bình Chánh, khu E là một trong năm khu đô thị nằm trong quy hoạch tổng thể khu đô thị mới Nam TP. Năm 2006, UBND TP đã duyệt giá bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp nhưng chưa duyệt giá đất ở. Tới năm 2011, UBND TP có chỉ đạo tách riêng khu E thực hiện bồi thường trước để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng khu đô thị mới. Nhưng từ đó đến nay, UBND huyện Bình Chánh mới chỉ thực hiện đến bước làm phương án giá bồi thường hỗ trợ.

“Sau khi phương án này được TP phê duyệt, nếu không có vướng mắc gì thì khoảng cuối năm 2013 huyện sẽ chi trả bồi thường cho ông Phú và gần 700 hộ dân trong dự án” - ông Tùng cho hay.

Chúng tôi đang sống khổ sở, nhếch nhác qua ngày

Hồi còn sống, khi nghe khu vực này được quy hoạch, ông nội tôi vui lắm vì đường sá, cảnh quan sẽ sạch đẹp hơn. Đáng buồn là hồi đó tôi mới 14 tuổi, nay đã ngoài 30 tuổi mà vẫn chưa thấy dự án nhúc nhích gì. Xưởng của chú Mười (ông La Thành Phú - PV) là một trong hai xưởng lớn của khu vực, từng góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Cư dân ở đây nhờ đó cũng buôn bán lặt vặt kiếm được đồng ra đồng vào. Nhưng tới nay cả hai nhà xưởng đã xuống cấp trầm trọng, ai dám thuê nữa. Nhà cửa hư hỏng cũng chẳng ai dám bỏ tiền ra sửa. Chúng tôi đành chịu sống cảnh khổ sở, nhếch nhác qua ngày.

Chị BÉ HAI, nhà đối diện xưởng của ông La Thành Phú

Việt Hoa (Pháp Luật TP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.