CafeLand - Theo báo cáo của Hội nông dân Việt Nam, trung bình mỗi năm Việt Nam đã sử dụng 72.000ha đất nông nghiệp để đầu tư các dự án sân golf hoặc chuyển đồi sang mục đích khác. Đây là một điều đáng lo ngại bởi diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp sẽ gây tổn thất kinh tế lẫn tổn thất lợi ích xã hội nếu không có quy hoạch hợp lý và đầu tư tràn lan.

Sân golf: Đầu tư theo phong trào

Trong những năm gần đây, việc thu hồi đất làm sân golf đã diễn ra khá phổ biến ở các tỉnh thành như: Khánh Hòa, Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa,…tổng số dự án sân golf trên cả nước hiện khoảng 90 dự án với nhiều dự án chiếm dụng đất nông nghiệp với diện tích khá lớn. Cụ thể, sân golf Thanh Thủy ở Phú Thọ chiếm tới 9ha đất lúa, sân golf Yên Bình và Long Sơn ở Thái Nguyên chiếm 9,1ha đất lúa.

Có nên dùng đất nông nghiệp đầu tư dự án?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo báo cáo của Hội Nông dân Việt Nam, trung bình cả nước đã sử dụng khoảng 72.000ha/năm đất nông nghiệp để đầu tư dự án hoặc chuyển sang mục đích sử dụng khác. Trong đó đất dành cho các dự án dân golf khoảng 6.385ha.

Vừa qua, Bộ Kế hoạch - Đầu tư tiếp tục trình Chính phủ xin cấp thêm 25 sân golf và khẳng định sẽ không sử dụng đất lúa để quy hoạch sân golf. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được sự đồng tình của các nhà làm quy hoạch.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc đầu tư dự án sân golf đang theo phong trào mà thiếu sự cân nhắc. Ở các nước việc đầu tư sân golf phát triển mạnh mẽ như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,…nhưng ít có tình trạng đầu tư tràn lan và được quy hoạch cụ thể. Điển hình, Nhật Bản quy định rất chặt chẽ việc quy hoạch dự án sân golf. Hiện ở Nhật có tới 2.400 sân golf nhưng hầu hết tập trung trên sườn núi không nằm trong khu dân cư.

Những lo ngại

Hiện nay, khoảng trên 60% hộ dân ở nông thôn làm nông nghiệp, tỷ trọng công nghiệp tiểu thủ công nhiệp và xây dựng gần 6%, tỷ trọng hộ làm dịch vụ khoảng 10%. Vì thế, việc chuyển đổi cơ cấu đất nông nghiệp sang mục đích khác như đầu tư sân golf chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm người nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của rất nhiều người.

Trong 5 năm vừa qua, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi để triển khai các dự án sân golf và các khu đô thị đã tác động đến đời sống của trên 600.000 hộ dân với gần 1 triệu lao động. Vì thế, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp nếu thực hiện không hiệu quả sẽ dẫn đến tình trạng dự án treo làm hoang phí tài nguyên và gây ra tổn thất phúc lợi kinh tế.

Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư lạm dụng sân golf để kinh doanh bất động sản bởi trong tổng diện tích quy hoạch sân golf thì diện tích dành cho sân gofl chỉ chiếm khoảng 40%, phần lớn diện tích là dành cho du lịch sinh thái và một phần diện tích dành cho biệt thự. Cụ thể, trong tổng diện tích 1.200ha dự án Tản Viên thì diện tích dành cho sân golf chỉ chiếm 222ha. Do đó, vấn đề cấp phép cho sân golf cần được thẩm định chặt chẽ để bảo đảm sử dụng đúng mục đích.

Ngoài ra, một điều cũng cần phải lưu ý đó là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng hóa chất trừ sâu, nuôi cỏ để duy trì sân golf.

Vì vậy, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cần phải cân nhắc và phù hợp với quy hoạch. Theo điều 93 của Luật Đất đai, để chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp phải được sự đồng ý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng điểm dân cư. Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế, việc quy hoạch và phát triển sân golf ở Việt Nam cần phải có tiêu chí cụ thể và định hướng phát triển lâu dài.

Tường Vy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.