Có thể nói, thời gian qua, Nhà nước ta đã ban hành rất nhiều văn bản, luật, nghị định, thông tư trên mọi lĩnh vực để hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, trước "rừng” văn bản luật đã ban hành thì việc áp dụng của các cơ quan chức năng vẫn còn gặp nhiều lúng túng. Việc vận dụng luật để xử lý những vi phạm trong họat động bất động sản cũng đang bộc lộ những yếu kém.

Nhà biệt thự bị bỏ hoang, gây ô nhiễm môi trường
nhưng các cơ quan chức năng vẫn cho rằng không thể xử lý?
Sai phạm đã rõ nhưng vẫn phải chờ

Có một thực tế là Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm đến đời sống nhân dân, do đó việc áp dụng các chính sách để người dân thực thi một cách hiệu quả, giảm bớt nhũng nhiễu là một giải pháp tích cực từ phía Chính phủ và các nhà làm luật. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn còn lúng túng trong việc áp dụng pháp luật. Điển hình là việc xử lý các biệt thự bỏ hoang đang gặp phải những khó khăn. Cụ thể, đợt kiểm tra của Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng vừa qua cho thấy, trong 18 dự án đến thời điểm được kiểm tra, thì nhà thấp tầng có 5.152 căn đã đưa vào sử dụng, còn tới 1.708 căn biệt thự, nhà liền kề chưa hoàn thiện, đang bỏ hoang. Số liệu trên khiến không ít người giật mình khi số căn biệt thự, nhà liền kề đang nằm "đắp chiếu” bằng 1/3 số nhà được sử dụng. Tuy nhiên, khi Chính phủ có những động thái nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tích trữ thì cơn sốt bất động sản hạ nhiệt, những biệt thự tiền tỷ "nằm im” khi nhà đầu cơ chưa "đẩy” đi được.

Trước tình trạng tồn đọng nhiều biệt thự và nhà liền kề bị bỏ hoang, Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng lại cho rằng, chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý về trách nhiệm của chủ đầu tư khi chưa hoàn thành công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của dự án, chậm tiến độ thực hiện dự án. Không những vậy, Cục này còn cho rằng, chưa có chế tài đủ mạnh để xử phạt người mua nhà không hoàn thiện nhà ở theo quy định của hợp đồng và các cam kết với chủ đầu tư.

Một diễn biến khác cũng liên quan đến lĩnh vực xây dựng, đó là việc sai phạm tại khu đô thị Văn Quán-Yên Phúc, quận Hà Đông, TP. Hà Nội. Chỉ trong vòng 4 năm phát triển nhưng đến nay đã có 503 công trình vi phạm. Các vi phạm trên thường tập trung vào các lỗi như: xây thêm tầng, thay đổi kiến trúc mặt ngoài,....Tuy nhiên, mặc dù đã phát hiện ra sai phạm, thế nhưng UBND quận Hà Đông vẫn phải "gửi văn bản” xin ý kiến của UBND TP. Hà Nội để xử lý do "vượt quá thẩm quyền xử phạt của UBND quận”, mặc dù sai phạm đang xảy ra chính trên địa bàn quận quản lý.

Luật đã rõ, nhưng dùng dằng trong xử lý

Xác định nguyên nhân dẫn đến 503 công trình vi phạm xây dựng tại khu đô thị Văn Quán-Yên Phúc, UBND quận Hà Đông thừa nhận, để xảy ra các sai phạm do chủ đầu tư khu đô thị buông lỏng công tác quản lý trong quá trình các hộ dân tại khu đô thị thực hiện việc hoàn thiện công trình. Khi phát hiện các vi phạm xây dựng sai quy hoạch đã tiến hành xử lý nửa vời; chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc xử lý các vi phạm. Đặc biệt, riêng công tác quản lý trật tự xây dựng của UBND phường Văn Quán và UBND phường Phúc La đối với các hoạt động xây dựng tại khu đô thị Văn Quán-Yên Phúc còn thiếu tập trung, chưa phát hiện và xử lý kịp thời. Thế nhưng, quận này vẫn không thể xử lý được. Trước thực tế này, UBND TP. Hà Nội đã phải họp với các Sở, ban ngành, đồng thời 3 lần gia hạn, nhưng đến nay sai phạm vẫn chưa được xử lý triệt để (Quận phải báo cáo TP trước ngày 15-6-2011) và cuối cùng, thành phố lại giao cho quận (đơn vị xin ý kiến thành phố) xử lý.

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, đối với biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang thì chúng ta có đủ các điều Luật để xử lý như: Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Môi trường. Vấn đề là có muốn xử lý hay không. Theo ông Liêm thì để xử lý nhà bỏ hoang thì phải xử lý chủ sở hữu nhà, hay người bán nhà cho người dân, và cả những người quản lý việc cho phép xây dựng nhà. Bởi lẽ, những đối tượng trên, để nhà bỏ hoang đều là phạm luật thì cần xử phạt hành chính.

Kiểm tra của Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho thấy, những dự án có số lượng nhà biệt thự, nhà liền kề chưa sử dụng đa số nằm ở dự án khu nhà ở Quang Minh 2, khu đô thị mới Dịch Vọng, khu đô thị mới Mỗ Lao, Làng Việt kiều Châu Âu, Mỹ Đình II, Trung Yên. Tại dự án khu nhà ở Quang Minh 1 chưa có một căn biệt thự nào được sử dụng.

Theo H.Vũ (Đại Đoàn Kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0