Tạo lập thị trường xây dựng xanh
Ông Trần Đình Thái - Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết: Chúng ta muốn phát triển CTX một cách mạnh mẽ, vững chắc thì trước tiên phải tạo lập và phát triển thị trường BĐS về CTX, chuyển đổi thị trường xây dựng CTX từ chỗ chỉ có một vài người cấp tiến, một số nhà lãnh đạo quan tâm trở thành trào lưu chủ đạo về phát triển CTX của xã hội, lôi kéo mọi người tham gia thị trường BĐS về phát triển CTX, chuyển hướng quan tâm của khách hàng từ giá thành sang giá trị công trình. Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ thị trường xây dựng hiện nay sang thị trường xây dựng CTX cần có lộ trình, thời gian.
Cũng theo ông Thái, mặc dù giá trị đầu tư ban đầu của CTX lớn hơn nhưng trong quá trình sử dụng mang lại nhiều lợi ích như tiết kiệm năng lượng, nước, chi phí vận hành CTX ít hơn, phù hợp với điều kiện khí hậu nên tồn tại lâu bền hơn, môi trường sống tốt nên sức khỏe con người sống trong CTX tốt hơn, hiệu suất làm việc tăng, mức độ cư trú cao hơn, giá thuê nhà thấp hơn, chi phí bảo dưỡng vòng đời CTX thấp hơn…
Lý giải về chi phí đầu tư xây dựng CTX cao hơn công trình xây dựng thường, PGS.TS Phạm Đức Nguyên - Phó chủ tịch Hội Môi trường đô thị Việt Nam phân tích: Thực tế chi phí CTX được các chuyên gia Đức tính toán, đúc kết thành công thức 5+50+5, tức là giá thành công trình tăng thêm 5% nhưng tiêu thụ năng lượng, nước giảm 50% và hoàn vốn trong 5 năm.
Hoàn thiện hành lang pháp lý về CTX
Theo ông Nguyên, kinh nghiệm ở các nước phát triển thành công về CTX ở châu Á như Singapore cho thấy: Để CTX phát triển mạnh mẽ, Nhà nước cần vào cuộc quyết liệt như xây dựng chính sách khuyến khích phát triển CTX, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống tiêu chí đánh giá về CTX, nâng cao hiểu biết của cộng đồng dân cư, đưa ra các chính sách khuyến khích thiết kế, xây dựng CTX. Thực tế hiểu biết của cộng đồng dân cư nói chung và các nhà đầu tư xây dựng nước ta nói riêng về CTX còn hạn chế, xây dựng lại có xu hướng bắt chước công trình hiện đại từ các nước xứ lạnh như nhà toàn bằng kính dẫn đến mức tiêu thụ năng lượng, phát thải khí nhà kính tăng đáng kể, chi phí vận hành tòa nhà thường rất cao.
“Chúng ta cần ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn được đổi mới kịp yêu cầu phát triển CTX, xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá CTX, riêng trong thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng cần đưa ra chính sách ưu tiên phát triển CTX” - ông Nguyên nói.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã quan tâm, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các CTX, đảm bảo phát triển môi trường xây dựng bền vững tại Việt Nam. Bên cạnh việc từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư xây dựng như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị, cùng hệ thống văn bản dưới luật và hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá công trình, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý và thúc đẩy phát triển CTX, Bộ Xây dựng đang tích cực xây dựng, ban hành Chiến lược Quốc gia về phát triển công trình xanh ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đây được coi là văn bản quan trọng cho định hướng phát triển CTX ở Việt Nam trong thời gian tới, giúp các bộ, ngành và địa phương định hướng, thúc đẩy CTX phát triển. “Xanh hóa công trình được coi là nhân tố cơ bản của phát triển đô thị và xã hội, tiếp đến là xây dựng những đô thị xanh, phát triển VLXD xanh và các lĩnh vực Bộ Xây dựng được Chính phủ giao nhằm đẩy mạnh phát triển CTX trên toàn quốc” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.