03/09/2013 7:41 PM
Muốn giám sát công trình nhưng không có kinh nghiệm, không muốn đi học nên nhiều người đã chi tiền nhờ “cò” lo trọn gói, từ chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình đến chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng. Điều này có thể lý giải vì sao tai nạn trong xây dựng công trình ngày càng tăng.

Học chi cho mệt!

Khi biết chúng tôi có ý định làm chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình (CCHNGSTCXDCT) cho em trai ở quê vào TP.HCM làm việc, “cò” N. phẩy tay: “Học hành chi cho mệt, chỉ cần đưa hai ảnh 3x4, bản sao bằng đại học là em lo hết, trọn gói 4,8 triệu đồng, 30 ngày là có”.

Sau khi thỏa thuận giá cả qua điện thoại, cò N. hẹn chúng tôi đến một quán cà phê trên đường Phạm Văn Bạch, Q.Tân Bình, TP.HCM. N. khoảng ngoài 30 tuổi, thận trọng dò xét mục đích làm chứng chỉ của người ngồi đối diện. Khi qua được “sát hạch” ban đầu, thấy chúng tôi tỏ vẻ khó chịu, N. thanh minh: “Anh chị thông cảm, em phải cẩn thận vì có nhiều người điện thoại tới, điện thoại lui hỏi giá cả… xong rồi im luôn làm tụi em mất thời gian, công sức”.

N. vào thẳng vấn đề: “Theo quy định của Bộ Xây dựng, muốn được cấp CCHNGSTCXDCT, phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp thuộc chuyên ngành đào tạo phù hợp với nội dung đăng ký hành nghề; đã trực tiếp tham gia thực hiện thiết kế hoặc thi công xây dựng từ ba năm trở lên hoặc ít nhất có năm công trình được nghiệm thu bàn giao và phải có chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng (CNBDNVGSTCXD). Em trai chị muốn làm CCHNGSTCXDCT thì phải tốt nghiệp đại học đủ ba năm. Chị về làm bộ hồ sơ cho cậu ấy gồm hai ảnh màu 3x4, hai bản sao bằng đại học. Nếu chưa có CNBDNVGSTCXD thì em làm giúp. Mình không cần đi học, chỉ cần nộp tiền là có, đảm bảo chứng nhận do cơ sở đào tạo được Bộ Xây dựng công nhận cấp. Còn bản khai kinh nghiệm công tác chuyên môn về hoạt động xây dựng theo quy định của Bộ em lo luôn”.

Để tạo sự tin tưởng, N. “tiếp thị” bằng cách đưa ra một bản kinh nghiệm công tác chuyên môn trong hoạt động xây dựng do một Công ty TNHH ở Q. Bình Thạnh xác nhận. Nếu Sở Xây dựng phát hiện không hợp lệ, trả hồ sơ thì sao? N. trấn an: “Tụi em làm nhiều rồi, đảm bảo 100%. Chị an tâm, không ra chứng chỉ không lấy tiền.” N. khoe: “Chỗ em làm uy tín, em không cần lấy tiền trước đâu. Chị muốn làm giám sát mà không có chứng chỉ thì bị “rờ gáy” liên tục”.

"Cò" N. đang trao đổi giá cả làm chứng chỉ với phóng viên

Trên các trang mạng, dịch vụ làm CCHNGSTCXDCT nhanh gọn, trọn gói được quảng cáo tràn lan. Giá cả, thời gian để “cò” hoàn thành chứng chỉ và giao cho khách tùy thuộc vào địa bàn, tối đa cũng chỉ 30 ngày là có. Qua số điện thoại 0908387…, B. ở Hà Nội cho biết có văn phòng tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM nhận làm CCHNGSTCXDCT với giá bốn triệu đồng.

Nhiều kỹ sư xây dựng cho rằng, do tâm lý ngại đi học bồi dưỡng nghiệp vụ, không có bản chứng nhận kinh nghiệm nên khi có cơ hội làm CCHNGSTCXDCT, nhiều người đã chi tiền cho “cò” để có chứng chỉ ngay. Người GSTCXDCT có chứng chỉ, nhưng không có kinh nghiệm thực tế khiến rủi ro rất cao.

Kỹ sư xây dựng Vũ Ánh Dương, Công ty cổ phần tư vấn kiến trúc xây dựng UAC cho biết: Công việc chính của một nhân viên GSTCXDCT là giám sát về kỹ thuật, chất lượng, tiến độ công trình do nhà thầu thực hiện để báo cáo cho chủ đầu tư. Nếu khi thi công, nhà thầu ăn bớt công đoạn, nguyên vật liệu, giám sát không có kinh nghiệm, không phát hiện được, công trình sẽ không đảm bảo chất lượng. Nhà thầu làm sai lệch bản vẽ, giám sát có kinh nghiệm sẽ phát hiện ngay. Công việc này, nếu không có đạo đức, người giám sát thi công dễ... cho qua các lỗi tùy thuộc vào sự “đối đãi” của đối tác.

Ông Lê Hữu Hiếu - Giám đốc thiết kế Công ty cổ phần kiến trúc 360 nói: “GSTCXDCT phải giám sát cả an toàn lao động trên công trường. Khi có tai nạn xảy ra họ cũng có trách nhiệm. Nếu giám sát công trình không có kinh nghiệm thì nguy hiểm vô cùng. Vì GSTCXDCT giúp chủ đầu tư việc tổ chức phối hợp các thành viên tham gia thi công cho nhịp nhàng, ăn ý. GSTCXDCT phải tư vấn công tác hoàn thiện tránh chồng chéo công việc gây mất an toàn lao động. Thực tế đã có nhiều vụ do không có kinh nghiệm, GSTCXDCT không tư vấn kịp thời nên tai nạn lao động đã xảy ra".

“Cò” N. đảm bảo: "Không ra chứng chỉ không lấy tiền. Chỉ cần hai ảnh 3x4, bản sao bằng đại học, 4,8 triệu đồng là xong"

Vì sao “cò” lộng hành?

Phản ánh thực trạng “cò” CCHNGSTCXDCT lên Sở Xây dựng TP.HCM, chúng tôi được ông Đặng Văn Pho - Phó phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng kiêm tổ trưởng Tổ cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, hồ sơ nộp tại Sở phải đủ thành phần và hợp lệ theo quy định tại Thông tư 12/2009/TT-BXD ngày 24/6/2009 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn chi tiết về cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng. Cụ thể, sau khi tiếp nhận hồ sơ, thông qua quy trình xử lý rất chặt chẽ, cán bộ thụ lý sẽ trình Hội đồng tư vấn xét cấp chứng chỉ hành nghề xem xét và đánh giá. Nếu đủ điều kiện, trong vòng 30 ngày sẽ được cấp chứng chỉ. Trường hợp không đủ điều kiện sẽ có văn bản trả lời cho người nộp hồ sơ biết lý do.

“Thời gian qua, Sở đã phát hiện có trường hợp nộp bằng tốt nghiệp giả, còn chuyện mua chứng nhận kinh nghiệm nghề nghiệp và CCBDNVGSTCXD thì chưa. Trong quá trình xem xét, chúng tôi kiểm tra rất kỹ hồ sơ; nếu nghi ngờ kê khai không trung thực, hồ sơ đăng ký được chuyển qua bộ phận thanh tra làm rõ. Các đơn vị tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ GSTCXDCT phải có danh sách báo cáo số lượng đào tạo gửi về Sở. Các công ty quản lý trực tiếp xác nhận bản khai kinh nghiệm của cá nhân, người ký xác nhận phải chịu trách nhiệm về nội dung xác nhận. Nếu làm giấy tờ giả hoặc khai báo không trung thực sẽ bị xử lý như: thu hồi chứng chỉ từ một-ba năm, ngoài ra, tùy theo mức độ vi phạm, cá nhân còn bị xử lý hành chính, bồi thường thiệt hại, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật” - ông Pho nói.

“Cò” lộng hành, dư luận đặt câu hỏi, phải chăng cán bộ Sở Xây dựng móc nối với cò? Ông Phan Đức Nhạn - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, mỗi tháng Sở phải xử lý hàng ngàn hồ sơ, có thể kiểm soát bị lọt lưới. Nếu nghi ngờ cán bộ móc nối với “cò”, Sở sẽ điều tra làm rõ. “Người dân muốn làm CCHNGSTCXDCT, nên liên hệ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của Sở Xây dựng tại số 60 Trương Định, P.7, Q.3 để được hướng dẫn cụ thể. Không nên thông qua sự hướng dẫn của các đối tượng bên ngoài Sở, tránh tiền mất, tật mang” - ông Nhạn nói.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM: sáu tháng đầu năm 2013, TP xảy ra 420 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm chết 56 người và bị thương 392 người (số người chết tăng 40% so với cùng kỳ năm 2012). TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng vẫn chiếm tỷ lệ cao (53,7%) trong tổng số vụ TNLĐ chết người. Nguyên nhân do người sử dụng lao động không thực hiện đúng các quy định của pháp luật lao động về an toàn lao động, không thực hiện đúng kỹ thuật an toàn, không có bộ phận kiểm tra, giám sát an toàn.
Quỳnh Mai - Hoài An (Phụ Nữ Online)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.