Hàng chục nghìn m2 “đất vàng” thuộc quyền quản lí của Nhà máy xe lửa Gia Lâm đã bị “xé nhỏ” cho thuê kiếm lời. Những bản hợp đồng thuê đất trái luật đã bị các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện.

Song việc thu hồi đất sai phạm tại đây theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội xem ra vẫn còn là bài toán…phải bàn?

Hàng chục nghìn m2 đất vàng bị “băm nát”

Nhà máy xe lửa Gia Lâm, trụ sở chính tại 551 đường Nguyễn Văn Cừ (phường Gia Thụỵ, quận Long Biên) thuộc chi nhánh Cty Đường sắt Việt Nam được Nhà nước giao quản lí gần 20ha đất phục vụ mục đích sửa chữa, đóng mới đầu máy, toa xe, máy công cụ; sản xuất phục hồi phụ tùng đầu máy, toa xe, kiểm định đồng hồ áp lực và mẫu kim loại… Tuy nhiên, thay vì việc sử dụng đất sao cho hiệu quả, đúng mục đích thì đơn vị này lại mang đi để kí hợp đồng với nhiều đơn vị khác nhằm thu lợi nhuận.

Danh sách những mảnh “đất vàng” bị mang đi “xé nhỏ” cho các đơn vị thuê mở dịch vụ kinh doanh gồm các địa chỉ 449A, 449B phố Ngọc Lâm (phường Ngọc Lâm) và 551, 583, đường Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội, với diện tích trên 60.000 m2. Cụ thể, khu đất tại địa chỉ 449A, 449B phố Ngọc Lâm, rộng 2.391 m2 được “băm nhỏ” cho khoảng 10 đơn vị, cá nhân thuê lại như Ngân hàng NN&PTNT - Chi nhánh Nguyễn Văn Cừ, nhà hàng Hùng Oanh, Cty cổ phần Tư vấn đầu tư và Xây dựng GTVT, Trường CĐ nghề Đường sắt...

Tại khu đất địa chỉ 583 đường Nguyễn Văn Cừ với diện tích 1.542 m2 là trụ sở của Cty TNHH Đại Cường và tiếp tục được doanh nghiệp cho siêu thị Fivimart cùng cửa hàng Vạn Hoa thuê lại. “Khủng” nhất là gần 60.000 m2 tại địa chỉ 551 đường Nguyễn Văn Cừ có tới 55 tổ chức, cá nhân trong danh sách được thuê của Nhà máy xe lửa Gia Lâm.

Trao đổi với PV báo PL&XH, ông Lại Anh Vũ- Giám đốc nhà máy cho biết: Hiện khu đất tại địa chỉ 449A còn vướng quán bia, do chủ quán là nhân viên của nhà máy; đối với địa chỉ 449B có 2 địa điểm, một là trường CĐ Đường sắt đã thanh lí hợp đồng, còn đơn vị Cty Tư vấn đường sắt thuê làm nhà văn phòng nhưng cũng tranh thủ liên doanh hợp tác với cơ sở bán quần áo…

Khu đất 583 là hệ lụy của thời ông giám đốc trước. Sau khi kí hợp đồng từ năm 1998 đến 2004, lúc đó nhà máy đang rơi vào tình trạng khó khăn nên ban lãnh đạo ngày đó đã kí ra hạn hợp đồng với Cty TNHH Đại Cường đến hết 31-12-2020 và nhận thanh toán tiền một lần. Số tiền nhận ngày đó so với tiền phải trả thuế Nhà nước đến thời điểm hiện tại là hòa, nếu còn tiếp tục hợp đồng thì nhà máy phải lấy khoản khác để bù lỗ hợp đồng này. Đối với khu đất 551 đang rất khó khăn, số lượng hợp đồng đã được thanh lí là rất ít.

Khu đất 551 Nguyễn Văn Cừ đang được “xé nhỏ” cho thuê kiếm lời.

“Phớt lờ”chỉ đạo của UBND TP

Được biết, từ tháng 6-2010, Bộ Tài chính có Văn bản số 7956/BTC-QLCS về việc phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Đề nghị Cty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo Nhà máy xe lửa Gia Lâm chấm dứt ngay việc cho thuê đất trái phép trên, giữ nguyên diện tích đất để sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, những chỉ đạo này của cơ quan quản lý Nhà nước đã không được thực thi.

Ngày 6-7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã yêu cầu xử lý vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng của Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang tập trung chỉ đạo Trung tâm Giao dịch đất đai và Phát triển quỹ đất phối hợp với UBND quận Long Biên lập hồ sơ thu hồi đất do Nhà máy Xe lửa Gia Lâm quản lý, sử dụng không hiệu quả, vi phạm Luật đất đai. Cụ thể, tại các địa điểm: 449A và 449B Ngọc Lâm, phường Ngọc Lâm (2.391m2); 583 Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy (1.542m2). Trung tâm Giao dịch đất đai và Phát triển quỹ đất sẽ quản lý, lập phương án sử dụng hiệu quả, phù hợp với các quy định của pháp luật, báo cáo UBND TP trong tháng 7-2012. Đồng thời, yêu cầu Nhà máy Xe lửa Gia Lâm chấm dứt cho 55 tổ chức thuê mặt bằng, văn phòng, nhà xưởng trái pháp luật tại 551 Nguyễn Văn Cừ, liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn đo đạc, hoàn thiện hồ sơ sử dụng đất theo đúng pháp luật.

Tuy nhiên, một lần nữa cho thấy sự “kháng lệnh” trong cách xử lí theo tinh thần chỉ đạo tại các địa điểm này. Công văn 409/XLGL-TCNC của Nhà máy xe lửa Gia Lâm gửi UBND TP Hà Nội kiến nghị: UBND TP Hà Nội xem xét, tạo điều kiện, tạm dừng lập hồ sơ thu hồi đất, cho Nhà máy xe lửa Gia Lâm thêm thời hạn 1 năm để khắc phục tồn tại. Lí giải vấn đề này, ông Vũ cho rằng: Nhu cầu sử dụng đất các khu trên làm trụ sở văn phòng làm việc cho cơ quan Liên hiệp Sức kéo Đường sắt, xí nghiệp dịch vụ vận dụng đầu máy và nhà lưu trú cho CN là bức thiết…Nếu UBND TP thu hồi thì Liên hiệp Sức kéo Đường sắt, Nhà máy xe lửa Gia Lâm sẽ không có văn phòng làm việc và nhà lưu trú, nguy cơ làm ảnh hưởng đến hậu quả sản xuất kinh doanh của ngành đường sắt, ảnh hưởng trực tiếp dự án đường sắt nội đô của TP và triển khai phát triển ĐSVN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nhưng có thể thấy, những khẳng định đó hoàn toàn có vấn đề và phải chăng chỉ là sự “chống chế” trong lúc Nhà máy xe lửa Gia Lâm chưa tìm ra cách nào để thanh lí những hợp đồng sai phạm. Bởi theo ông Vũ, riêng khu 583 đã vượt quá tầm xử lí của tôi, biết là khó nhưng do Hội Liên hiệp Đường sắt yêu cầu chúng tôi giữ lại nên trách nhiệm của tôi chỉ là mang văn bản gõ cửa các cơ quan chức năng”. Tại địa chỉ 551 lại càng khó khi việc thanh lí hợp đồng với các đơn vị rất ít chưa nói là “bế tắc” – ông Vũ cho biết thêm.

Sai phạm đã rõ nhưng xử lí thế nào vẫn còn là bài toán nan giải!

Theo Lê Hoàng (PL&XH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.