Ảnh minh họa
Bởi lẽ khoản 1 điều 101 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ “hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2003” đã ghi rõ rằng các doanh nghiệp sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư kinh doanh nhà ở để bán và cho thuê “Chỉ được phép chuyển nhượng QSDĐ đối với diện tích đất đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án được xét duyệt; Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở có dự án thành phần thì được phép chuyển nhượng QSDĐ sau khi đã hoàn thành việc đầu tư theo dự án thành phần của dự án đầu tư được xét duyệt. Không cho phép chuyển nhượng QSDĐ dưới hình thức bán nền mà chưa xây dựng nhà ở”.
Cho phép các doanh nghiệp chia lô bán nền, thực chất là cho phép các doanh nghiệp buôn bán QSDĐ, dù Nghị định 181/2004/NĐ-CP đã cấm. Việc đó không chỉ vi phạm nghị định trên mà chắc chắn sẽ khiến nạn đầu cơ gia tăng, bộ mặt của các dự án khu đô thị sẽ trở nên vô cùng nhếch nhác, thậm chí trở thành bỏ hoang.
Với tâm lý tích đất là tích của, trong thời buổi lạm phát luôn đe dọa gia tăng này, những người có tiền sẵn sàng bỏ tiền đầu cơ vào không chỉ một mà nhiều nền nhà, chờ giá cao sẽ bán, còn xây nhà lúc nào, có xây nhà hay không, là quyền của họ. Thậm chí con mới hai, ba tuổi, họ cũng sẵn sàng mua nền nhà cho con, chờ đứa trẻ lớn lên sẽ xây nhà.
Hay trường hợp nhiều người chưa có nhà ở nhưng chỉ đủ tiền mua nền. Mua xong sẽ để đó chờ có tiền mới xây, hoặc nhiều người khác chỉ đủ tiền xây một tầng sau khi mua nền, thậm chí chỉ đủ tiền dúm lên một căn nhà cấp 4 để giải quyết chỗ ở.
Thử hình dung một khu đô thị được quy hoạch bài bản nhưng nền thì xây, nền thì bỏ hoang thành nơi chứa rác rưởi. Nhà bốn tầng, nhà một tầng, nhà cấp 4… thì bộ mặt khu đô thị sẽ ra sao?
Xin lưu ý rằng mới cách đây vài năm, trước việc các doanh nghiệp tự ý chia lô bán nền tràn lan, khiến hàng chục dự án khu đô thị trở thành hoang hóa, chính Bộ Xây dựng đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ: Cấm triệt để việc chia lô bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án xây dựng khu đô thị. Lần này với việc lại cho phép chia lô bán nền, phải chăng Bộ Xây dựng muốn “cứu” các doanh nghiệp BĐS trong hoàn cảnh thị trường đóng băng, tức là một biện pháp giải quyết tình thế?
Nhưng một văn bản quy phạm pháp luật, liên quan đến một chính sách được ban ra đâu phải chỉ để giải quyết một tình thế, gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp? Và nếu cứ chạy theo tình thế như vậy, thì sẽ hết cấm lại cho, hết cho lại cấm… đến bao giờ?
Cùng với sự sửng sốt trước thông tư liên tịch trên, dư luận cũng sửng sốt bởi những ngày này có rất nhiều xì căng đan do một số người mẫu tạo ra từ việc cố ý hở chỗ này chỗ nọ của họ. Trước những xì căng đan đó, có người đã phải kêu lên rằng “Văn hóa đã chạm đáy rồi”. Còn những người bình tĩnh hơn thì bảo: Việc những người mẫu cố ý hở này hở nọ cũng chỉ là biện pháp giải quyết tình thế, khi họ thấy công chúng đã có dấu hiệu quên họ.